Thứ Ba, 26 tháng 4, 2016

KÝ ỨC QUÊ

Bản đồ xã Chiến Thắng
Lương Đức Luận (CA huyện Bảo Thắng)

Ký ức này chẳng phải của tôi
Mà cảm nhận qua hình cha, dáng mẹ
Ẩn hiện bức tranh luống thời gian phai cũ
Những gam màu chưa đầy đủ về Quê

Như xa lắm, qua khói sương mờ ảo
Thấp thoáng ngôi làng, ngan ngát mùi Hương[1]
Có rặng Duối bao quanh bờ ao nhỏ
Bóng cánh diều chao liệng phía đồng xa

Nhà Lý trưởng, tường chình, mái rạ
Một nùn rơm giữ lửa, cháy thâu đêm
Năm mẹ con trên chõng tre kẽo kẹt
Mẹ khẽ trở mình, sợ con tỉnh giấc mơ
Tinh mơ, mẹ đã đi chợ Đôi, chợ Thái[2]
Chị cời than, ngắm lửa đón bình minh

Hạt thóc lép trong nùn rơm bừng nở
Chị nhặt nâng niu, ấp ủ để phần em
Có ai gọi, vang triền đê Văn Úc
Chuông nhà Thờ ngân vọng phía làng Văn[3]
Lộc, Cốc[4], thoảng nghe mõ tre như mời giục
Nồm vẫn giăng mù mịt phía ngoài sân

Ký ức chợt dừng
Như bức tranh tô dở
Như muốn lãng quên
Những bão dông,
Những tháng ba, ngày tám
Những giọt mồ hôi, đồng Cao Mật, Kim Côn[5]
Buổi bồn chồn, chị lấy chồng xa
Ngày mẹ ngược xuôi, kiếm tìm em ham chơi bỏ xứ
Rồi chợt thấy chìm trong đuôi mắt
Bóng cánh buồm ngược hướng Quý Cao
Tiếng nhị nỉ non, đêm hội làng rộn rã
Phút ngỡ ngàng nơi phố thị người đông

Ký ức phai, trang sử xanh còn lại
Lúc phá đồn[6], dạy học vụ bình dân
Ký ức phai, những gì còn lại?
Cả một đời chẳng lụy, oán hờn ai
Ký ức của cha, như hương hoa thầm tỏa
Ngấm vào tôi, dần đã hóa hồn quê
Dòng sông quê mãi trôi, trôi lặng
Tiếng chuông chùa vẫn điểm vọng thinh không...




[1] Làng Hương là tên nôm của Hương Lạp, từ 1886 đổi là Phương Lạp, đến 1966 nhânpj với Mông Tràng Hạ thành Phương Hạ. Nay thuộc xã Chiến Thắng, huyện An Lão, thành phố Hải Phòng.
[2] Chợ Đôi thuộc huyện Tiên Lãng, bên kia sông Văn Úc.
Chợ Thái thuộc Mỹ Đức, huyện An Lão
[3] Thôn Văn Khê, xã An Thọ, huyện An Lão.
[4] Cốc Tràng và Tôn Lộc là hai thôn phía hạ lưu của xã Chiến Thắng.
[5] Trước 1945 xã Cao Mật là một trong 7 xã thuộc Tổng Cao Mật (tính từ thượng nguồn Văn Úc xuống là: Kim Côn 今崑, Côn Lĩnh 崑嶺, Mông Tràng Thượng 蒙場上, Hương Lạp 香粒, Mông Tràng Hạ 蒙場下, Cốc Tràng 谷場, Tôn Lộc 尊祿 và Cao Mật 高密). Tháng 6/1946, 7 xã thuộc tổng Cao Mật được nhập thành 2 xã rộng là: Cảnh Hưng (gồm: Mông Tràng Hạ, Phương Lạp, Tôn Lộc và Cốc Tràng) và Kim Lĩnh Thượng (gồm: Kim Côn, Côn Lĩnh, Mông Tràng Thượng). Riêng xã Cao Mật của tổng Cao Mật thì thuộc về xã An Thọ (tổng Đại Phương Lang cũ) và là thôn duy nhất của xã này giáp sông Văn Úc.
[6] Đêm 25/9/1949 đồn Khuể (biên chế 6 lính Pháp, 28 lính ngụy) bị dịêt. Đây là trận để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu trong việc gây nhân mối trong hàng ngũ địch kết hợp thành công với lực lượng tiến công từ ngoài vào. Trận này có công lao đóng góp của bố (người cùng cán bộ xã thảo và đưa thư vào cho nhân mối) và chú thím tôi (khi ấy chèo đò trên sông Úc).
Để ghi nhớ trận binh biến đó và phù hợp với hoàn cảnh mới, Cảnh Hưng và Kim Lĩnh Thượng nhập lại mang tên mới: Chiến Thắng (từ 05/10/1950) giáp với An Thọ, Tân Viên, Mỹ Đức và sông Văn Úc. 

1 nhận xét:

  1. Bản đồ xã Chiến Thắng của Google Maps ghi thiếu thôn Tân Thắng (lập 19/5/1995),khu dân cư Bến Khuể và thôn Mông Thượng (giáp Côn Lĩnh) lại ghi thành Phương Lập (Phương Lạp từ 1966 đã nhập với Mông Hạ thành Phương Hạ).
    Tôi đã bổ sung và sửa lại cho đúng.

    Trả lờiXóa