Chủ Nhật, 22 tháng 3, 2015

Địa danh quen thuộc mà nghe khác người

(Ảnh sưu tầm thay minh họa)

Xa quê, chạnh nhớ đủ điều:
Cói, Rươi, mắm cáy, cánh diều, bờ đê.
Lại nhớ những nét chân quê:
Tên gọi thân thuộc sao nghe khác người.
*
Hà Nội muốn về quê tôi.
Đường đi qua đoạn Cầu CHUI, chớ vòng.
*
Chùa lớn ngả bóng rêu phong,
Mà gọi Chùa VẼ chạnh lòng thợ xây.
Dòng sông xuôi ngược hàng ngày,
Lại là Sông CẤM hỏi thầy tính sao?
Vẫn thông nhưng gọi Cầu RÀO,
Ai qua cũng đón, ai vào chẳng ngăn.
Qua rồi cái thủa khó khăn,
Mà sao Cầu ĐẤT vẫn quằn xe đi?
Trong chợ nào thiếu thứ chi,
Lại gọi Chợ SẮT còn gì là oai?
Cát quê tôi có CÁT DÀI,
Quanh co ĐA ĐỘ nâng bồi mà nên.
TIÊN LÃNG đón nắng trước tiên.
Nhưng lại là xứ đậm duyên thuốc Lào.
Đây rồi bến cũ QUÝ CAO,
Cầu thong dong vượt vui nào vui hơn!
Lần tìm mua vó VÂN ĐỒN,
Nhớ câu ca cũ mà hồn vẩn vơ!
HÒN DẤU có tự bao giờ,
Mà sao hiển hiện đợi chờ khách thăm!
CÁT BÀ ngoài biển xa xăm,
Chờ Ông chẳng gặp sủi tăm dỗi hờn.
Đồ thật lại bảo ĐỒ SƠN,
Để đau lòng khách, nỗi buồn thêm tăng.
Chiến công in dấu BẠCH ĐẰNG
LÒ NỒI, CHỢ GIÁ, sông RỪNG linh thiêng.
Vui chân ĐOÀN XÁ ghé sang,
Nhớ thời “khoán sản” đưa làng ấm no.
DƯƠNG KINH là chốn cố đô,
Nghe chuyện nhà Mạc, nhớ thơ Trạng Trình.
Biển quê gió mát trăng thanh,
Xa trông nhẩm đếm đâu thành SÁU KHO.

Ngược ra QUÁN TRỮ, ngẩn ngơ,
Quán đâu chả thấy nhấp nhô nhà tầng
*
Ba Mươi CẦU NGUYỆT vắng Trăng,
Dệt nên nỗi nhớ chị Hằng tươi xinh.
Ngày Xuân vãng cảnh CAO LINH,
Tĩnh thiền lại nhớ HÀNG KÊNH, SÔNG ĐÀO
*
NÚI VOI sừng sững vươn cao,
Bóng soi VĂN ÚC nôn nao nhớ rừng.
Đường xa muôn nẻo đã từng,

Địa danh đâu tựa HẢI PHÒNG quê ta?
Chép lại và bổ sung, Quốc khánh 2011

Thứ Tư, 18 tháng 3, 2015

Đại hội đại biểu Hội Đồng hương Hải Phòng

              Ngày 03/3/2013 tại Khách sạn Galaxi, thành phố Lào Cai đã diễn ra ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU HỘI ĐỒNG HƯƠNG HẢI PHÒNG TẠI LÀO CAI lần thứ Hai, nhiệm kỳ 2013-2018). Sau đây là một số hình ảnh ngày Đại hội:









Lương Đức Mến lấy lại từ Kho ảnh cá nhân.
              Nội dung chi tiết xem tại đây: http://www.baohaiphong.com.vn/channel/4905/201303/dai-hoi-lan-thu-2-Hoi-dong-huong-Hai-Phong-tai-Lao-Cai-2224512/

"Nghe rừng lắm đất lên đây với rừng"

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III (9/1960), ngày 12/11/1961 Hội nghị đại biểu BCH tỉnh Đảng bộ 2 tỉnh Kiến AnLào Cai đã ra Nghị quyết về việc kết nghĩa toàn diện giữa 2 tỉnh, trong đó có việc “phối hợp điều hòa nhân lực và phát triển kinh tế giữa hai tỉnh” với 5 năm (1961-1965) vận động 8-9 vạn nhân dân Kiến An lên Lào Cai[1]. Chủ trương này của Đảng và của 2 tỉnh được nhân dân hưởng ứng và một số gia đình họ Lương gốc Chiến Thắng, An Lão, Hải Phòng đã lên lập nghiệp, mở ra phái Lương Đức Lào Cai ngày nay.
Đầu những năm 1960, trong những năm đầu thực hiện Kế hoạch 5 năm lần thứ Nhất, Chiến Thắng chủ yếu khai hoang nội xã tại Kim Côn[2], chưa có hộ nào lên Lào Cai, kể cả đợt dân An Lão đi nhiều trong năm 1962. Người dân Chiến Thắng (trong đó có con cháu Lương tộc) rời quê lên Lào cai đợt đầu là vào tháng 02/1964. Sau này, nhiều người con của Lương tộc đã lên từng đợt rải rác đi tự do trong các năm 1967, 1971. Các hộ này tập trung chủ yếu ở các xã Phong Niên, Xuân Quang, Trì Quang, Phố Lu, Sơn Hải thuộc huyện Bảo Thắng.
Trong đợt tháng 02/1964, sau khi khảo sát, thành uỷ Hải Phòng[3] đã lấy 19 hộ, 99 khẩu thuộc 3 xã của An Lão lên Phong Niên, Bảo Thắng, Lào Cai khai hoang lập ra HTX An Phong. Trong đó xã Chiến Thắng (đều ở làng Hương tức thôn Phương Lạp[4]) có 9 hộ, là: Lương Đức Duẩn (8 khẩu), Lương Đức Thông (6 khẩu), Lương Đức Thân (7 khẩu), Lương Đức Rật (Dật, 8 khẩu), Lương Đức Thiếp (7 khẩu); họ Đặng Văn Nhỡ (7 khẩu, Đặng Văn Thoả (5 khẩu), Đặng Thị Nguyên (3 khẩu), Nguyễn Văn Ngà (5 khẩu). An Thái có 5 gia đình, một số hộ độc thân (Ơn, Mậm,Dâng, Ngần) thành 23 khẩu. Mỹ Đức có 5 gia đình gồm 20 khẩu. Trong các gia đình từ làng Hương ra đi có 2 cặp anh em ruột là Thân-Dật, Nhỡ-Thỏa đồng thời đây cũng là những con cô con cậu. Gia đình mẹ con Đặng Thị Nguyên, gia đình Lương Đức Thiếp thì họ cả 2 bên! .
Từ trước Tết Giáp Thìn, mọi công việc đã chuẩn bị xong: lãnh đạo HTX trên quê mới được đặt là “AN PHONG”[5]; Đặng Văn Nhỡ được chỉ định là Phó Chủ nhiệm, Lương Đức Thân là Kế toán; đất ruộng trả lại Hợp tác; vườn, nhà và đất ở các gia đình nhượng lại cho anh em trong họ. Sau Tết một số thanh niên (Lương Đức Hỗ, Lương Đức An, Đặng Thị Cầm, Nguyễn Thị Chuốt) đã lên trước để phát đường, dựng lán.
Ngày 16 tháng Giêng, tức thứ Sáu 28/02/1964, Ban Khai hoang Thành phố đưa ô tô về Quán Hương đón các hộ ở Chiến Thắng. Các gia đình ra đi vào  mang theo toàn bộ gia sản vốn chẳng nhiều nhặn gì. Người trong họ, ngoài làng tiễn đưa rất đông. Từ Hải Phòng lên Hà Nội thay đầu máy rồi lên ga Lào Cai. Trên tầu các gia đình được xếp chung một toa và không phải chuyển tầu. Tới ga Phố Lu, hộ Lương Đức Thiếp xuống ga và theo đường bộ vào Bắc Ngầm để xuống Thái Vo thuộc xã Xuân Quang, huyện Bảo Thắng
Các gia đình còn lại theo tầu tới chiều tối 01/3 đến ga Lào Cai[6]. Tất cả được đưa về nghỉ tại Nhà trọ bên Phố Tèo[7], gần ngay đầu cầu Kiều. Tiếng là phố nhưng nền, tường nhà đều bằng đất, có sàn lửng làm tầng để ngủ. Đây là phố cổ, nằm dọc biên giới ở bờ Đông-Nam sông Nậm Thi và hồi ấy đa số là người Hoa làm ăn, sinh sống. Cầu Kiều[8] bắc qua sông Nậm Thi sang Trung Quốc ở gần Đồn Biên phòng và cạnh nhà Trọ, phía đầu cầu bên ta có câu Thơ của Hồ Chí Minh viết rất to trên tường: “Mối tình Hữu nghị Việt –Hoa, Vừa là đồng chí, vừa là anh em”. Phía đối diện là thị trấn Hà Khẩu 河口 thuộc tỉnh Vân Nam 云南 nước bạn.
Sau này, tôi được biết, lịch sử đã chứng tỏ rằng sự ảnh hưởng 2 mặt của vùng đất Nam Chiếu, Điền, Đại Lý xưa hay Vân Nam sau này với Lào Cai là rất lớn. Tx Lào Cai là nơi Nậm Thi giao lưu với Hồng Hà. Cầu Cốc Lếu (gốc cây Gạo) nối 2 bờ sông Hồng ngày ấy còn là cầu treo[9] đã từng mang tên gợi một thời ai oán- cầu “Giời ơi”:
Ai đưa tối đến chốn này,
Bên kia Cốc Lếu, bên này Lào Cai.
Sau 2 ngày Ô tô tải của tỉnh đưa về Phong Niên theo QL 4 (đường 70 sau này)[10]. Đường đất, chỉ có 2 vệt bánh xe là nhẵn, còn giữa cỏ mọc, hai bên cây rừng phủ rợp bóng. Chiều, đến Km 37[11] số thanh niên tiền trạm và chính quyền địa phương ra đón. Các gia đình được chia ra ở tạm trong mấy gia đình họ Mồ, họ Vàng[12] người Nùng ở phía bên trái đường, lối vào cạnh cột mốc. Đây là địa bàn thôn Cốc Sâm. Các gia đình này đã được quán triệt, vận động trước và lại ở ngay cạnh được Quốc lộ nên cũng tiến bộ nhiều do đó đón tiếp đồng bào khai hoang  không e dè sợ bị chia đất, cai trị như một số nơi.
Các ngôi nhà người Nùng 2 mái lợp tranh, tường, nền đất không có cửa sổ nên rất tối nhưng nhà rộng, đủ chỗ chứa 2, 3 gia đình khai hoang. Cán bộ dặn kĩ người mới đến không được ngồi ở ngưỡng cửa quay lưng vào. Bàn thờ và trước cửa treo giấy đỏ viết chữ Nho. Quanh nhà trồng nhiều ổi, chuối mà chỉ thấy chuối lốp quả rất to. Không có ao và cũng chẳng thấy giếng. Nước ăn được đựng trong các ống bương có tay xách bằng cành hay buộc dây do phụ nữ lấy và vác từ suối về. Họ không dựng bếp riêng mà đun nấu ngay trong nhà, lúc nào bếp (kiềng bằng gang) cũng có cây củi to âm ỉ để giữ lửa. Lợn gà thả rông. Kể cả trâu cũng thả trên rừng, mỗi con đeo một chiếc mõ bằng gỗ hay tre ở cổ luôn khua lách cách theo bước đi hay các lắc đầu của trâu, tối về gia chủ cho ăn muối, sáng ra lại thả trên rừng, khác lạ là có cả trâu trắng. Khi bừa dùng trâu kéo bừa nằm 2 hàng răng bằng gỗ, người bừa đứng lên lấy sức nặng đè đất và chỉ huy trâu chứ không phải bừa đứng răng sắt như ở xuôi. Riêng ngựa được chăn và tối cho vào chuồng đóng dóng, ăn cỏ thái ngắn và ngô hạt, dao thái cỏ lớn hơn dao thái thuốc lào ở quê. Mỗi nhà có tới 5,7 trâu, 1-2 ngựa và rất nhiều chó. Ngựa chủ yếu dùng thồ hàng hay đi chợ. Lúa nương gặt về từ trong năm bó thành từng cum, xếp một ít trên gác, khi cần dùng ăn đưa xuống vò lấy thóc đem cối giã gạo bằng sức nước đầu xóm để giã[13]. Còn phần lớn các cum lúa đều để tại kho trên nương. Nương ở rất xa và đều có lán để nghỉ trưa và đôi khi cả ngủ đêm để canh nương và đỡ tốn công đi lại. Trong nương ngô trồng kèm cả bí đỏ, đu đủ; cạnh nương lúa có trồng mướp, đậu đũa (khác với giống cây ở xuôi).
Gạo nương dẻo, thơm, ăn với thức ăn khô rất ngon nhưng nếp nương không dẻo và thơm bằng nếp cái. Họ dùng lá rừng trộn với gạo nếp đồ xôi mầu trong chõ gỗ trông rất đẹp. Khi đi làm, đi săn, đi đâu người dân cũng kè kè con dao (kể cả phụ nữ) bên hông và khẩu súng. Súng là súng kíp, ban đêm họ buộc đèn ló trên trán để soi đường và rọi tìm thú. Có buổi săn được lợn rừng họ mời cả đồng bào khai hoang cùng ăn. Người Nùng theo chế độ phụ hệ, đàn ông là chủ, giao tiếp với bên ngoài, biết tiếng Kinh; phụ nữ làm mọi việc suốt ngày (làm nương, lấy củi, vác nước, nấu ăn…), chỉ ở nhà trong, ít giao tiếp, ít nói được tiếng Kinh, phần nhiều phải ra hiệu bằng tay.
Đám trẻ nhỏ mau quen với nhau, dạy tiếng và trao đổi nhau về các trò đánh gụ, đánh quay, đánh khăng, đánh đáo, chơi ô hay nướng sắn, nướng ngô, làm cơm lam và một số từ thông dụng. Đồng bào còn hướng dẫn người khai hoang đi ruốc cá. Người ta dùng đá, sỏi ngăn một đoạn suối, sau đó hái lá cơi giã nát và thả xuống suối, cá bị say, lờ đờ chỉ việc vợt và bắt đem chia nhau. Suối nhỏ và nông nên ở đây không có chài, lưới. Để đưa nước về ruộng và về nhà, người ta đắp phai ở suối để nước dâng cao, đào, xẻ mương dọc sườn đồi hay dùng tre, nứa đục thông đầu mặt để làm lần dẫn nước. Khi thu hoạch lúa, người ta dùng phên nứa, cót che xung quanh và đập và cái phang bằng gỗ lấy thóc, rơm đốt thành tro bón ruộng mà không thu để đun, cho trâu ăn như ở xuôi. Cả xã chỉ có 1 HTX mua bán ở Km 33 thuộc thôn Cốc Tủm, không chợ, không người bán hàng xén như ở xuôi. Do vậy cần bán đổi hay muốn mua sắm gì người dân lên Tx Lào Cai, ra Phố Lu hay vào Bảo Nhai. Trai đi ngựa, phụ nữ ít đi và nếu có chỉ là đi bộ.
Một tuần sau, khi lều lán mà số thanh niên (An, Nhật, Cầm, Reo, Chuốt...) lên trước dựng xong, các gia đình bồng bế nhau qua một tràn ruộng, lội qua một con suối, vượt một quả đồi mọc đầy chuối rừng, nứa, cây, dây cỏ dại vào La Cà Bốn[14]
Tạm yên chỗ, Lương Đức Thông có viết thư về chuyến đi gửi về quê cho họ mạc : 
Đường đi trăm núi, nghìn trùng,
Bốn trăm cây số tới vùng Lào Cai.
Huyện Bảo thắng vừa dài, vừa rộng,
Xã Phong niên dằng dặc núi rừng
Đến La Cà Bốn lập vùng khai hoang[15]...
Cuộc sống trên quê mới của những người thuộc Lương tộc và các gia đình trên đất An Phong bắt đầu.
Cuộc ly hương này giống tiền nhân ở chỗ đều là những người kiên gan, đi tìm đất mới vì sinh kế. Nhưng khác với cuộc đi mở cõi về phía Nam của người dân Trung-Bắc hồi thế kỉ XVI-XVIII và của Tổ Lương tộc đến Cao Mật hồi thế kỉ XVIII là những cuộc di dân phần lớn tự do, dân đến lập ấp, lập làng rồi nhà nước mới quản lý. Còn cuộc khai hoang của người dân An Phong là vì sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hóa miền núi do Nhà nước chỉ đạo, có kế hoạch và tên làng do lãnh đạo định từ quê gốc, có từ khi họ chưa đặt chân đến vùng đất mới.
-Lương Đức Mến, thế hệ thứ Hai trên Tân quê-

[1] Lịch sử Đảng bộ tỉnh Lào Cai 1954-1975. 
[2] Đây là một thôn năm ở Tây Bắc xã, giáp với Tân Viên qua sông Đa Độ. Sau ngày đình chiến 1954, nhiều hộ dân, nhất là những người theo công giáo ở thôn này đã di cư vào Nam, bỏ đất hoang khá nhiều.
[3] Việc hợp nhất Hải Phòng- Kiến An thành thành phố Hải Phòng được thực hiện bởi Nghị quyết tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khoá II họp ngày 27/10/1962.
[4] Năm 1966 nhập với Mông Tràng Hạ thành Phương Hạ.
[5] Tên ghép chỉ người AN Lão lên khai hoang ở PHONG Niên.
[6]  Ga cũ,  sau 1995 nơi đây thành bãi kiểm hoá Cửa khẩu. Thực ra từ "Lào Cai" chẳng có ý nghĩa gì, đó chẳng qua là những chữ được dịch qua, dịch lại khi người phương Tây đến cai trị đã latin hóa tên Hán Việt: từ xưa nơi đây đã có chợ, có phố, có đường nên khi người Hán sang gọi là "Phố cũ" (老 街) mà theo âm Hán-Việt là "Lão Nhai",. Người Pháp đến, do không phát âm được các thanh có dấu nên ghi  thành Lao Kay, sau này thời dân chủ ghi là Lao Cai. Sau này chính thức mang tên Lào Cai.
[7] Nay là phố Phạn Bội Châu, nơi có Đền Thượng thờ Trần Hưng Đạo  nổi tiếng.
[8] Cây cầu này đường bộ, đường sắt đi chung, xây từ 28/3/1898, bị phá trong CT 2/1979 đến năm 1993 mới khôi phục  ( dịp khơi thông mở lại Cửa khẩu Quốc tế Lào Cai ngày 18/5/1993).
[9] Đến 1966 mới xây cầu vĩnh viễn và bị phá 2/1979. Sau xây lại, khánh thành ngày 01/5/1995
[10] Đoạn Tx Lào Cai đến Km 9 bị bỏ từ 2/1979 đến 1993.
[11] Khi đường QL4 được TQ giúp nâng cấp, nắn lại năm 1966 thì đó là Km 36.
[12] Có gia đình trở về TQ trong CMVH năm 1966.
[13] Chiếc cối và khu rừng đặt cối sát cạnh phía bên phải đường đã bị mất hết dấu tích từ 1980, Từ 2004 là khu vực dừng chân của Công ty xây dựng Trạm Thủy điện Cốc Ly. 
[14] Đúng ra tên địa phương nơi  đây  là Na Cà Lao Bổn - tức khu ruộng nhiều cây bon,  song do các cụ ta nói “ngọng” giống như số đông người đồng bằng nên viết thành La Cà Bốn !. Từ QL4 ( Km 36+200) vào có lối mòn qua 01 cối giã gạo nước, lội suối và vượt qua một đồi quả cây cối,  chuối rừng mọc um tùm. Con đường này,  qua mấy lần chuyển dịch,  từ sau năm 1979 đã bỏ. Con đường vào thôn hiện nay  mới mở năm 1980, nâng cấp để ô tô vào được năm 2005, hoàn thành Xuân Bính Tuất 2006.
[15] Hồi đó tôi còn nhỏ, mới học dở lớp 2 vẫn được bác đọc cho chép. Nay chỉ nhớ được có thế.

Thứ Ba, 17 tháng 3, 2015

Buồn vui giọng nói quê tôi

Nói đến Hải Phòng ai cũng biết đến danh xưng “thành phố Hoa Phượng đỏ”, “thành phố Cảng”…với đặc sản là thuốc lào (tức 相思草 Tương tư thảo hay 烟草 Yên thảo)[1]. Nhưng thực ra thuốc lào là đặc sản của tỉnh Kiến An 建安省cũ có từ năm 1906 bởi đổi từ tỉnh Phủ Liễn (lập năm 1902) ra. Năm 1962 Kiến An nhập với Hải Phòng mang theo đặc sản vùng Tiên Lãng, Vĩnh Bảo về với đất Cảng.
Nhưng ngoài đặc sản vật chất, Hải Phòng cũng như một số địa phương vùng châu thổ sông Hồng còn có “đặc sản” phi vật chất. Đó là đặc âm.
Tuy xa quê lâu, những mỗi khi gặp người Hải Phòng (nhất là trong dịp sinh hoạt đồng hương là chúng tôi nhận ra nhau ngay. Ngoài giọng nói đặc trưng dễ nhận ra khi phát âm các từ “quá”, “có”,...; nói “bảo” thành “bẩu”, “ổi” ra “ủi”, “hào” nên “hầu”...; gọi chị gái bố bằng “cô”, anh mẹ bằng “cậu”...còn có cách phát âm khá “đặc sản” nữa là “nói ngọng”. Tật này chủ yếu là lẫn lộn l/n, tr/ch, d/r/gi...nhiều khi nghe “vui tai”, “vô thưởng vô phạt” nhưng lắm lúc rất tai hại! Đắn đo mãi tôi mới dám chép, biên tập lại và đưa chuyện này lên đây. Có gì sai quấy, phạm húy mong quê hương, đồng hương và quan viên họ đại xá.
1. Thực tế việc nói ngọng quê nhà:
 Chuyện “nói ngọng” quê tôi chưa biết có từ bao giờ nhưng ngay trong Gia phả được soạn từ hơn 100 năm trước (nay còn bản phiên âm chữ Hán) đã có sự sai biệt giữa các ngành khi chép tên các cụ do “ngọng” mà ra. Ví dụ tên Thượng tổ tỷ trong bản do phụ thân tôi để lại ghi tên cụ là Nguyễn Thị Lã, bản bên Lương Hoàn ghi là Nguyễn Thị Nữ. Theo tôi đây không phải 2 người và cũng không phải nhầm chữ (Lữ) ra chữ (Nữ) mà chắc xưa tiền nhân chép tên Cụ bằng chữ mà chữ này có âm “Lữ” nhưng quen đọc là “Lã” nên sau này có bản dịch theo âm quen đọc “Lã”, người chép theo phiên thiết là “Lữ” nhưng chuyển sang quốc ngữ viết ngọng thành ra “Nữ”!
Gần hơn, Tổ đời thứ Hai ngành tôi, Cụ Lương Đức Hanh 第三代祖 梁德亨 có 2 vợ, trong đó bà cả Đặng Thị Chẻo là thân mẫu của các cụ Hinh , Tuynh , Chinh , Thành còn bà hai sinh 01 nam là Trinh . Sau này khi dịch sang quốc ngữ, các cụ phải ghi rõ con bà Hai (Cụ Nội của tôi, Lương Đức Trinh 第四代祖 梁德禎) là “Trinh bé”, để phân biệt với “Chinh lớn” tức cụ Giáo Chinh là con bà cả. Nhiều lần nhà có việc nhưng do bố tôi đã mất từ 1997, tôi đi vắng, mẹ tôi nhờ Dì tôi viết sớ, Dì đã viết “Trinh” (người tôi phải khấn cúng) thành ra “Chinh” (Cụ Ngoại anh Tích ở Sơn Hải, Bảo Thắng, người khấn giỗ không phải là tôi).
Ngay các em con chú ruột tôi, khi đặt tên các con đầu chú tôi đặt theo thứ tự là An , Dưỡng , Sinh , Trường (Tràng) rất liền mạch, ý hay[2]. Nhưng sau này do không hiểu nên trong Sổ họ, ở quê viết “Sinh” (, trong sinh sản, nẩy nở) thành “Xinh” (trong xinh đẹp), “Trường” (, dài) ra “Chàng” (, một thứ cờ dùng làm nghi vệ hay dụng cụ người thợ mộc) mất hết ý nghĩa của chuỗi tên con cái.
HTX khai hoang An Phong là tên ghép chỉ rõ người An Lão lên Phong Niên do cha, chú tôi cùng 19 hộ khác với 93 nhân khẩu thành lập vào 02/1964. Nơi đây là một thung lũng giáp ranh giữa Cốc Sâm 谷森 của Phong Niên với Xuân Đâu 春桃  của Xuân Quang đã từng có 2 hộ người Nùng thuộc thôn Cốc Sâm, 3 hộ người Dao Tuyển gọi theo tiếng địa phương là “Na Cơ Lao Bổn”, tức khu ruộng nhiều cây bon. Nhưng do các cụ nhà ta không phân biệt được “n” và “l” và không quen nghe tiếng địa phương nên “Na cơ lao bổn” được phiên thành “La Cà Bốn” chẳng có nghĩa gì. Hoặc tên xã Phong Niên 豐年[3], tức là “năm được mùa” luôn được các cụ gọi là “Phong Liên” 豐蓮, chẳng lẽ là “Sen tốt” ở nơi khi đó chưa từng có một đóa sen!
 Nhớ lại, hồi còn học cấp 1, khi viết đơn xin nghỉ học, định viết lý do bị ốm nặng nhưng chẳng biết viết sao nên đành viết cả “lặng” và “nặng! Viết đến đây, lại nhớ tới Bố và chuyện liên quan đến các con tôi. Bố tôi nổi tiếng là người nghiêm khắc, chữ quốc ngữ và chứ Hán đều viết đẹp, học giỏi, thuộc nhiều truyện cổ tích và có âm đọc vang, rõ. Thế mà hồi chúng tôi ở Yên Bái, khi cụ xuống chơi, lúc rảnh đọc cho 2 con tôi nghe Truyện Kiều thì các con tôi (chị học lớp 3- nay là Thạc sĩ Ngữ văn, thằng em đang học lớp 1-nay là Thạc sĩ Luật) cùng bảo “Ông nói ngọng”. Cụ tự ái kể với tôi, tôi hỏi lại các con mới hiểu ra sự tình.
Chả là cụ đọc thế này:
Chăm lăm chong cõi người ta,
Chữ tài chữ mệnh khéo ghét nhau:.
Chải qua một cuộc bể râu,
Những điều chông thấy mà đau đớn nòng”.
Với ngữ pháp chuẩn, đọc thế là ngọng thật nhưng cả quê tôi nói thế, chả ai bảo sai cả. Chuyện các con tôi bảo ông nội nói ngọng tôi cũng trình bày mãi cụ mới hiểu “nờ thấp, lờ cao” và không coi các cháu “nói xấu” ông! Bản thân tôi đến khi học Đại học, thầy dạy ngoại ngữ bảo tôi ngọng, mãi tôi mới hiểu và dần sửa; nay viết thì không nhưng khi nói, đọc nhanh vẫn thường vấp nhiều bận giảng bài các lớp Tập huấn học viên được trận cười thỏa thuê.
Chính vì vậy, mỗi dịp về quê, tôi phải dặn vợ con nghe các bác, các cô, các anh, các chị nói chuyện cấm cười và đôi khi tôi đã trở thành “thông dịch viên” ngay chính quê mình. Nhớ nhất hồi đầu năm 2012 khi dẫn đại diện phái Lào Cai về giỗ Tổ, buổi tối Tiên thường, một anh trong họ bảo tôi:
Chú dống ông, thông minh, học rỏi, đi nại nhều, cần lói cho con cháu hiểu: họ Nương nhà mình từ Tiên Nãng sang xinh cơ nập nghiệp ở nàng  Hương[4] lày  từ nâu nắm  dồi. Cùng với các cụ Tiên niệt họ Nê, họ Nguyễn, họ Chần, họ Phạm, họ Mai...nập da cái tủng Cao Mật mà lay gọi nà xã Chiến Thắng. Công nao các cụ nhớn nắm, con cháu xau lày phải chi ân. Mỗi nần dỗ Tổ nà nhắc cho nhớ”. Tôi thì hiểu nhưng chắc gì vợ con tôi đã thông!
Sáng ra, nghe các bác, anh, chị, em, cháu nói chuyện với nhau khi dọn dẹp, làm cỗ, con trai tôi nhiều lúc chả nhịn cười được bởi các câu mà với cháu nhiều khi rất lạ, khó hiểu. Ví dụ: các câu “chi bên Tiên Nãng đã xang chưa”, “nấy cho bác cái chủi”, “dửa hộ chị lắm dau”, “anh cu Lên con cậu Thắng đã nên nớp lăm giồi à?”, “nàm nòng nợn nhớ nàm cho xạch”, “không biết anh Cương ở Hà Lội có đưa vợ con về kịp không”, “chị Vân chú ý lồi sôi lếp nhé”, “các chú chên Nào Cai về hôm qua”, rồi “diệu Nầu Cai lặng thế mà các chú ý uống như lước nã,sáng rậy muộn, ông rục quá, vội xang nuôn,  rịn cả ăn, rờ đoói giồi”, “lăm lay dét nâu nhẩy”, “tôi bẩu lày chốc lữa khi uống diệu không được niên tục chăm phần chăm đấy nhé”, “thầy cháu yếu, không sang tế Tổ được nhưng dặn nà cấm nàm nấy nệ, ngồi mâm đừng gắp nia gắp nịa”, “lước mắm mua đâu mà thơm thế”, “thằng Nong nhà con hồi lày nếu náo nắm”, “hôm lay dằm chăng chắc chòn đẹp nắm, có đi chơi không”...thì cháu hiểu còn câu “đứa lào bóp lem nhớ chộn cho kỹ” thì Trung úy Cảnh sát nhà ta chịu hẳn.
Về câu này, tôi phải giải thích: “Đó là món nem, một món không thể thiếu trong cỗ quê nhà. Để làm món này, lợn vừa mổ, người ta lọc ngay thịt thăn, đem thái mỏng, ướp chanh, tỏi rồi trộn với thính và bì luộc thái chỉ. Thính làm bằng cơm nguội phơi khô, rang vàng, giã nhỏ”!
Đang ghé tai con giải thích thì từ ngoài sân, một cháu gái khá xinh vừa, lau bàn vừa hát khe khẽ, nhưng chúng tôi nghẽ rõ: “Qua lửa đời phiêu rạt con nại về úp mặt vào xông quê, Ơi con sông rạt rào như nòng mẹ, Chở tre con qua chớp bể mưa nguồn…”; bên cạnh một cháu vừa rửa bát đĩa vừa: “Ngày nấy chồng, em đi qua con đê, con đê mòn nối cỏ về… có trú bướm vàng bay theo em…”. Nhưng buồn nhất là khi nghe một cựu quan chức khoe với tôi “Đảng ủy xã đã thống nhất trọn sây rựng họ Nương ta thành ròng họ Văn hóa”! Vợ tôi, cô giáo trường CĐSP Lào Cai ghé tai đùa: “Nếu cấp bằng ghi nhận họ Nương nà ròng họ Văn hóa thì hay nhỉ!” [5].
Tranh thủ thời gian, tôi đưa vợ con ra Quán Hương ở đầu làng thăm quan. Đang đi, lái xe hỏi “Chú ơi dươi là cái gì”? Thấy phía trước có tấm biển nghuệch ngoạc: “Có dươi đông nạnh”, tôi giảng giải: đấy là món Rươi mà Rươi thuộc loài giun đốt, sống ở vùng cửa sông nước lợ, ven biển vịnh Bắc Bộ. Rươi nổi vào “tháng Chín Đôi mươi, tháng Mười Mồng Năm” nay ít dần và giờ không phải vụ. Bởi là món ngon, giầu dinh dưỡng, người ăn mùa nào cũng tìm nên phải để đông lạnh”. Nghe ra ai cũng hiểu và cười. Tối hôm sau tôi được anh chị Phạm Ngọc Kỷ (Giám đốc Công ty Xây dựng và thương mại Duyên Hải)[6] ở chân cầu Bến Khuể đãi món đặc sản này. Cả đoàn 7 người từ Lào Cai xuống đều tấm tắc khen ngon nhưng cay quá, tôi ăn được ít.
Sau khi tế lễ xong và trước lúc thụ lộc, tôi đã lược lại quá trình phát triển của dòng họ từ nửa cuối thế kỷ XVIII đến nay và có đặt vấn đề sửa tật “nói ngọng”. Chuyện khác mọi người nghe chăm chú, riêng chuyên đề sau nhiều tiếng cười khúc khích và không ít vẻ mặt ngơ ngác chưa rõ “ngọng” là gì. Tiếng nói quê tôi là như thế! Còn con gái tôi thì tổng kết: “Lếu không có bố (à mà thầy) nàm phiên rịch thì mẹ con con trả biết đường làonần”! Tôi bảo “Không được nhại, náo”! Cả đoàn cười vì tiếng cuối cùng đặc âm của tôi.
2. Đi tìm nguyên do:
Thực chất, “nói ngọng” là phát âm sai, phát âm lỗi, hoặc phát âm lệch chuẩn theo chính âm. Trong đó “chính âm” là tiếng nói phổ thông của quốc gia, dân tộc, thường lấy tiếng thủ đô làm gốc.
Nói ngọng có thể do chưa quen (như trẻ tập nói, người học tiếng không phải tiếng mẹ đẻ) nhưng cũng có khi do cấu trúc thiếu hoàn chỉnh tại bộ máy phát âm. Với người lớn bình thường thì đó là do “lỗi phát âm”, có thể đó là phát âm không chuẩn theo chính âm một hay nhiều thành phần trong âm tiết, làm ảnh hưởng ít nhiều đến độ rõ ràng của lời nói khi phát ngôn.
Ta biết rằng, trong tiếng Việt: “Âm tiết” hay “Tiếng” = âm đầu + âm đệm + âm chính + âm cuối + thanh điệu (không, huyền, sắc, hỏi, ngã, nặng).
Do vậy, lỗi phát âm có thể xảy ra ở bất cứ thành phần cấu thành nào của nó, như ở phụ âm đầu, âm đệm, âm chính, âm cuối và thanh điệu và hiện tượng “nói ngọng” là khá phong phú và có ở mọi miền với những đặc trưng cụ thể.
Riêng quê tôi, nhầm lẫn, không phân biệt được phụ âm đầu “tr” với “ch”, “x” với “s”, “r” với “d”, “gi” nhất là “l” với “n” là chính và đã trở thành phương ngữ. Thực tế có người, có lúc vẫn có thể phát âm hay đọc, viết phân biệt được  /l/ và /n/ riêng rẽ, chỉ lẫn lộn theo thói quen nói năng thông thường nhưng cũng có người lẫn lộn cả nói, đọc và viết. Còn người ở tỉnh “hàng xóm” Thái Bình lại có thói quen lược bỏ “r” trong phụ âm “tr” hay thay phụ âm “th” bằng “x”, “s”. Thế mới có chuyện: “Con tâu tắng buộc bờ te tụi” (= con trâu trắng buộc bờ tre trụi), “tưa nay lóng quá nhà tôi không về xôi không ăn mà mải đi đan súng” (= trưa nay nóng quá nhà tôi không về, thôi không ăn cơm mà mải đi đan thúng) gây hiểu lầm đáng tiếc cho người nơi xa đến.
Sự “ngọng” của người dân quê tôi phải chăng là xu hướng phát âm “nhẹ” đi các phụ âm đầu cần uốn lưỡi để dễ nói, dễ đọc chứ không phải là do người “nhà quê,” “ít học,” “kém văn hóa...” mà ra. Bởi trong số các cháu về giỗ Tổ mà cha con tôi nghe tiếng nói đã dẫn trên khối cháu đang học Đại học hay kinh doanh trên Hà Nội!
 Quê tôi, cũng như mọi làng xã vùng châu thổ sông Hồng khác, từ bao đời sống khép kín trong lũy tre xanh, số người tiếp xúc hàng ngày chỉ loanh quanh là người trong gia đình, làng xóm... Lời ăn tiếng nói hàng ngày và phong tục đã thấm sâu vào trong mỗi con người. Khi cả làng đều ngọng chẳng ai biết và có nhu cầu hay tác động gì phải sửa đổi. Chỉ những người ra khỏi làng, đi học, đi làm, gia nhập cuộc sống chung, va chạm với người tứ xứ, qua phản ứng của người xung quanh mới cảm thấy được cái bất lợi của việc phát âm sai của mình. Từ đó tác động vào ý muốn sửa chữa, vượt qua những lỗi phát âm. Thực tế những người đó đã sửa được.
Nhưng lạ cái là ngay những người xa quê, không đẻ ở quê mà đặc âm Hải Phòng hơn cả chúng tôi, học đến lớp 2 rồi mới rời quê. Ví dụ ngay ở thôn An Phong, xã Phong Niên, huyện Bảo Thắng do người An Lão lên lập ra từ tháng 2/1964 có em thím tôi (SN 1968), cháu tôi (SN 1987) sinh ra, lớn lên, lập nghiệp tại An Phòng, về quê ít hơn tôi nhiều mà nói ý hệt người dưới quê.
3. Sửa tật nói ngọng :
Nhiều dịp công tác ghé thăm quê, tôi đã từng tâm sự với các cháu về chuyện này. Cũng may mà khi nói quan viên họ tôi nhận là họ “Nương” ở xã Triến Thắng nhưng khi viết ai cũng viết đúng là họ “Lương” ở Chiến Thắng chứ không thì nguy. Riêng việc đặt và gọi tên cần chú ý kẻo mất hết ý nghĩa hay của tên người. Ví như con trai thường gọi là “Trung” (trong trung thành) còn con gái là “Chung” (trong chung thủy)  đừng lẫn. Hay con gái đặt tên là “Trang” trong nghĩa trang sức, “Liên” nghĩa là hoa sen, nếu viết là “Chang”. “Niên” thì chả có ý hay đẹp gì! Hoặc con trai đặt là “Long” với ý thăng tiến như rồng nhưng nói, viết thành “Nong” thì sẽ ra sao? Hơn nữa, trong thời đại hòa nhập, tin học hóa hiện nay mà cứ giữ mãi chất quê trong việc nói ngọng, viết sai như quê tôi thì rất nguy, máy tính sẽ chẳng tìm ra hoặc sắp xếp sai bét.
Muốn sửa sai tật nói ngọng nay thì bản thân mỗi người phải tự ý thức được sự ngọng của mình và quyết tâm sửa. Tất nhiên cái ngọng phương ngữ này khác cái sự “ngọng líu ngọng lô” bởi đó là cái ngọng vô thức, đem lại sự thú vị cho người lớn nên mới có câu “trẻ lên ba cả nhà học nói”. Khi trưởng thành mà nói ngọng, biết là ngọng thì phải sửa, uốn nắn ngay cách phát âm, viết, đọc sai đó.
Kinh nghiệm bản thân cho thấy, muốn chữa nói ngọng thì phải chăm đọc báo, sách, khi nói phải nói chậm để có thời giờ nghĩ và chỉnh các âm sai và quan trọng là sự kiên tâm, chịu khó luyện tập lâu dài. Đặc biệt với con trẻ phải chú ý ngay từ khi cháu tập nói.
Ngoài “ngọng” ra, người quê tôi còn khá nhiều “đặc âm” nữa mà con cháu xa quê không hiểu nổi. Ví như hôm đầy tháng đích tôn của tôi, mẹ tôi hỏi: “Cháu nó có bị mơi không?” Thạc sĩ nhà ta không hiểu tôi phải “dịch” lại: Bà hỏi cháu có hay bị trớ không?
Tôi viết những dòng trên và chép lại những chuyện đó hoàn toàn không có ý chê bai, chối bỏ hay “nhại” gì tiếng nói quê hương. Chỉ nói lên sự thật và mong muốn các thành viên mắc tật này sớm và cố sửa để hòa nhập tốt hơn.
Mong rằng sẽ đến ngày người Hải Phòng quê tôi, vốn cởi mở, nhanh nhậy, hòa nhập với cộng đồng ngay cả trong lời ăn tiếng nói.
-Lương Đức Mến, sửa lại bài viết đã đăng từ 04/8/2012

[1] Sách Vân Đài loại ngữ 蕓臺類語 của Lê Quý Đôn 黎貴惇 và Đồng Khánh địa dư chí 同慶地輿志 phần sản vật tỉnh Hải Dương, gọi cây thuốc lào là 相思草 Tương tư thảo hay 烟草 Yên thảo: "Cây thuốc lá nguyên sản xuất ở Lữ Tống (Lucon), thực tên nó là Tạm-ba-cô (Tobaco, thứ rau mọc ở ao đầm như lan). Sách “Xích kinh hoặc vấn” nói: "Thuốc lá, đem hút hơi khói vào hay nuốt thuốc đi đều say cả". Xét ở nước Nam ta, vốn xưa không có thứ thuốc ấy. Từ năm Canh Tí niên hiệu Vĩnh Thọ (1660) đời vua Thần Tông nhà Lê, tức là vào khoảng năm Thuận Trị thứ 17 Trung Quốc, người nước Ai Lao (Lào) đem giống cây ấy đến, dân ta mới đem trồng. Năm ất Tị đời Cảnh Trị (1665) hai lần hạ lệnh nghiêm cấm hút thuốc, lùng bắt những người trồng thuốc bán thuốc, hay hút thuốc giấu, mà không tuyệt được."
[2] Chuyện này tôi đã từng nghe cha tôi giảng giải khi người còn sống.
[3] Được đổi từ động Hạo Niên 暠年峒 ra vào năm Minh Mệnh thứ 19 (1838). Một số người bảo "Phong Niên"="quanh năm gió" là sai, bởi từ tố đầu "Phong" vốn được viết là 豐 với nghĩa "Ðược mùa" rút trongThi Kinh  詩經: "Phong niên, thu đông báo dã" 豐年, 秋冬報也 chứ không phải "Phong" viết là 風 với nghĩa "gió" trong 刮風 "Nổi gió"
[4] Tên Nôm của làng tôi, còn tên chữ, vốn là Hương Lạp 芗粒, từ 1880 đổi là Phương Lạp 芳粒, đến 1966 nhập với Mông Tràng Hạ thành Phương Hạ.
[5] Rất mừng là hôm 09 tháng Giêng (27/02/2015) vừa qua họ Phạm Đình Cốc Tràng (họ mẹ tôi) làm Lễ Dâng hương tế Tổ và đón nhận Danh hiệu “Dòng họ Văn hóa” thấy băng rôn, khẩu việu cắt dán; các quan chức của xã Chiến Thắng, của huyện An Lão và Chủ tịch Hội đồng trưởng lão đọc và phát biểu khá chuẩn.
[6] Mẹ già anh, bà Lương Thị Di là chị gái bố tôi. Các anh chị nay ở khu Bến Khuể là con bà hai khi bác Phạm Văn Ký (ở Kim Côn, xã Chiến Thắng, thuộc dòng cụ  Phạm Đoàn Mậu) tục huyền
Phần tóm tắt hay đầu bài đăng Phần còn lại.

Thứ Hai, 16 tháng 3, 2015

Dự thảo


PHƯƠNG HƯỚNG HOẠT ĐỘNG
Hội đồng hương  Hải Phòng  tại phường Kim Tân
nhiệm kỳ 2013 – 2018
-*-
Phát huy truyền thống tốt đẹp của quê hương thành phố Cảng “Trung dũng Quyết thắng”, của hội viên Hội đồng hương Hải Phòng trong thời gian qua;
Khắc phục những tồn tại, hạn chế, thiếu sót trong năm 2014,
Thực hiện phương hướng hoạt động của Hội đồng hương Hải Phòng nhiệm kỳ 2013-2018 là: “Phát huy tinh thần tự nguyện, tâm huyết, trí tuệ yêu quê hương; đẩy mạnh toàn diện các hoạt động đồng hương gắn với việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội quốc phòng và an ninh của địa phương; xây dựng Hội đồng hương Hải Phòng có tổ chức Hội vững mạnh với nhiều hoạt động phong phú, thiết thực”,
BCH Hội đồng hương Hải Phòng phường Kim Tân đề ra nội dung, nhiệm vụ và giải pháp cụ thể cho những năm tới như sau:
I. THỐNG NHẤT NHẬN NHỨC:
1.1. Hội: “là tổ chức tự nguyện của công dân, tổ chức Việt Nam cùng ngành nghề, cùng sở thích, cùng giới, có chung mục đích tập hợp, đoàn kết hội viên, hoạt động thường xuyên, không vụ lợi nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của hội, hội viên, của cộng đồng; hỗ trợ nhau hoạt động có hiệu quả, góp phần vào việc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, được tổ chức và hoạt động theo Nghị định 45/2010/NĐ-CP và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan”.
1.2. Hội đồng hương là một hội của những người cùng quê hương (có thể cùng tỉnh, cùng huyện, cùng xã) đang sinh sống ở cùng một nơi xa (có thể ở nước ngoài, cùng tỉnh, huyện, xã) khác quê cùng nhau tụ tập, lập hội để giao lưu và giúp đỡ lẫn nhau. Hình thức sinh hoạt chủ yếu của hội đồng hương là họp hội đồng hương, liên hoan, trao đổi, giúp đỡ, tương trợ lẫn nhau... hoạt động của Hội đồng hương chủ yếu dựa trên sự đóng góp tự nguyện, tùy tâm của từng hội viên và người hảo tâm.
Hội đồng hương có nhiều điều khác biệt so với các hội đoàn khác: mỗi năm chỉ họp mặt một lần, từ các cụ già 80 - 90 tuổi cho đến cháu thuộc thế hệ thứ 2, 3 đang học chuyên nghiệp, từ anh công nhân cho đến vị lãnh đạo khả kính, doanh nhân lừng danh, đủ mọi thành phần nếu đến từ một cội nguồn, gốc gác cùng chung một tỉnh, một huyện…và có tâm huyết đều có thể là hội viên, không câu nệ hình thức, thành phần, phân biệt giàu nghèo. Tham gia Hội đồng hương ở nơi xa xứ, bằng sự mong muốn và tự nguyện, tâm huyết, bằng sự thương yêu che chở, đùm bọc lẫn nhau, sẵn sàng giúp nhau những lúc sa cơ hoạn nạn, giúp đỡ nhau cùng làm giàu, cùng phát triển xây dựng tổ ấm trên quê hương thứ 2 ngày càng phồn thịnh. Sự đoàn kết thống nhất được sản sinh từ quê hương, uống nước chung một dòng sông, ăn cơm trên một đồng ruộng, chung phong tục, giọng nói...
1.3. Trong bối cảnh lịch sử đầu những năm 1960, gày 12/11/1961, lãnh đạo Đảng bộ tỉnh Kiến An (thuộc thành phố Hải Phòng từ 1962) và tỉnh Lào Cai ký kết nghị quyết liên tịch kết nghĩa toàn diện mà trọng tâm là đưa đồng bào tỉnh Kiến An đi xây dựng và phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội tại tỉnh Lào Cai. Mở đầu, hơn 500 cán bộ, đảng viên, lao động trẻ là những người con ưu tú của quê hương các huyện Vĩnh Bảo, Tiên Lãng, Kiến Thụy, An Lão, An Dương, Đồ Sơn, Kiến An lập đoàn khai hoang đầu tiên lên xây dựng Hợp tác xã tập trung Sơn Hải thuộc xã Sơn Hà, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai. Sau đó từng đoàn người rời quê hương Hải Phòng tiếp tục lên khai hoang tại các huyện của tỉnh Lào Cai. Đến nay, đã có trên 3 vạn người Hải Phòng đang làm ăn, sinh sống tại Lào Cai, sát cánh, đồng lòng cùng đồng bào các dân tộc trong tỉnh trong sự nghiệp xây dựng, phát triển Lào Cai và bảo vệ nơi “phên dậu quốc gia”.
 Xuất phát từ nhu cầu tình cảm quê hương, những vị tâm huyết từ các xã, các huyện từ lâu đã nhóm họp và lập ra Hội Đồng hương. Từ đầu những năm 2000 những người tâm huyết ở thị xã Lào Cai đã tụ họp nhau, lập ra Ban Vận động rồi Hội Đồng hương Hải Phòng tỉnh Lào Cai đã thành lập, được tỉnh công nhận.
Qua 2 kỳ Đại hội, HĐH Hải Phòng được đánh gia là HĐH mạnh, hoạt động khá bài bản, có hiệu quả, là cầu nối giữa bà con và lãnh đạo quê gốc Hải Phòng. Ngày 18/3/2012 Hội đã tổ chức Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày đồng bào Hải Phòng đi khai hoang, lập nghiệp tại tỉnh Lào Cai. Dịp này Thành ủy, HĐND, UBND thành phố đã cử đoàn đại biểu lên chung vui và tặng bức trướng cho Hội đồng hương Hải Phòng tại Lào Cai. Bức trướng mang dòng chữ “Chủ động vượt khó khăn, kiên cường, đoàn kết, cùng đồng bào các dân tộc tỉnh Lào Cai, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần phát triển kinh tế, văn hóa, an ninh, quốc phòng địa phương”; UBND thành phố tặng bằng khen cho 44 tập thể và 7 cá nhân của hội đồng hương Hải Phòng và cán bộ, nhân dân các dân tộc một số địa phương tỉnh Lào Cai. UBND thành phố có quà tặng cho 50 gia đình chính sách của tỉnh Lào Cai; tặng quỹ khuyến học Hội đồng hương tỉnh Lào Cai 50 triệu đồng, Tập đoàn thép Việt- Nhật Hải Phòng tặng 50 triệu đồng, các huyện Vĩnh Bảo, Tiên Lãng và Thủy Nguyên mỗi huyện tăng 5 triệu đồng cho quỹ khuyến học.
1.4. Về BCH Hội là những người đại diện cho Hội viên chủ yếu hình thành qua hiệp thương, hoạt động không lương, không phụ cấp nên cần đủ các yếu tố: Tâm (Hòa kính, trách nhiệm…), Tài (đủ ăn, đủ chi), Trí (hiểu biết xã hội, có trình độ, có vị thế, biết sắp xếp công việc), Thể (có sức khỏe, xốc vác, minh mẫn), Thời (rảnh để có đủ điều kiện lo việc chung). Nhưng khó ai hội đủ 5T đó nên căn bản nhất vẫn là cái Tâm. Tâm sáng, lòng trong thì có thể vượt qua được, xứng là ngọn cờ tập hợp, dù có nhiều khó khăn trắc trở. Song phải được sự ủng hộ của đông đảo hội viên thì công việc mới suôn sẻ được
1.5. HĐH Hải Phòng phường Kim Tân là Hội sớm được thành lập ngay từ những ngày đầu lập HĐH tỉnh. Là Hội có đông Hội viên, nhiều người trong BVĐ thành lập và BCH HĐH tỉnh. Trong những năm qua Hội hoạt động khá mạnh, năm 2014 có chững lại bởi nhiều nguyên nhân.
Để khắc phục tình trạng đó và củng cố lại hoạt động của Hội, BCH Hội mới được kiện toàn trong buổi Gặp mặt đầu Xuân 2015 vào chiều 14/3/2015 đề ra Phương hướng, nhiệm vụ hoạt động trong những năm tới như sau:
II. CHẤN CHỈNH TỔ CHỨC VÀ PHÁT TRIỂN HỘI VIÊN
Xây dựng Hội đồng hương Hải Phòng phường Kim Tân có hệ thống tổ chức Hội mạnh, hội viên nhiều là nhiệm vụ trọng tâm, hàng đầu.
2.1. Tổ chức thực hiện các Quy chế và một số văn bản của Hội theo Nghị định 45/2010/NĐ-CP, Nghị định số 33/2012/NĐ-CP của Chính phủ; Thông tư số 03/2013/TT-BNV của Bộ Nội vụ.
2.2. Tiếp tục tổ chức quán triệt, thực hiện Nghị quyết Đại hội Hội đồng hương  Hải Phòng lần thứ hai nhiệm kỳ 2013- 2018.
2.3. Nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức Hội. Thực hiện Quy chế Tổ chức và Hoạt động của Hội, kịp thời kiện toàn tổ chức Hội theo hướng hợp lý về địa bàn dân cư tại phường Kim Tân. Tập trung kiện toàn Chi hội cơ sở hoạt động chưa đều, hiệu quả chưa cao.
2.4. Xây dựng đội ngũ cán bộ BCH Hội, Chi hội cơ sở vững mạnh, hợp lý, tự bồi dưỡng, bồi dưỡng nâng cao năng lực để hoàn thành tốt nhiệm vụ.
2.5. Từng bước vận động để 100% gia đình người dân Thành phố Hải Phòng  sinh sống tại phường Kim Tân  tham gia hội viên, có tâm huyết, hăng hái.
2.6. Lập hồ sơ tổ chức Chi hội theo quy định; trong đó có Danh bạ hội viên, Sổ công tác Hội và Sổ Biên bản hội nghị của Hội cơ sở.
2.7. Thu thập thông tin cơ bản về Hội viên để tập hợp in cung cấp cho cán bộ Hội, báo cáo BCH Hội tỉnh, đưa lên mạng xã hội; thông tin về con, em hội viên hiện đang học tập, làm việc, sinh sống, công tác ở địa bàn và trên toàn quốc hay nước ngoài; những con, em hội viên trước đây đã từng được Hội khen thưởng.
2.8. HĐH Hải Phòng phường Kim Tân tổ chức tốt “Gặp mặt đầu xuân” hàng năm (trong thời gian khoảng từ 15 đến 30 tháng Giêng âm lịch), Chi hội tổ chức gặp mặt dịp Kỷ niệm giải phóng quê hương (15/5 dương lịch) theo thông lệ; tham gia gặp mặt hội viên toàn tỉnh theo triệu tập của BCH Hội tỉnh.
2.9. Đa dạng hóa các loại hình tổ chức và nội dung sinh hoạt Hội, thường xuyên đổi mới nội dung và hình thức hoạt động.  
III. ĐẨY MẠNH CÔNG TÁC TRUYỀN THÔNG VẬN ĐỘNG
Công tác truyền thông vận động xã hội nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu tạo nên sự ảnh hưởng sâu, rộng của Hội.
3.1. Tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước và của tổ chức Hội trong cán bộ, hội viên.
3.2. Giáo dục truyền thống tốt đẹp của quê hươngHải Phòng, của Hội đồng hương  Hải Phòng cho hội viên và con em hội viên.
3.3. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục thông qua các cuộc sinh hoạt, thăm hỏi, giao lưu, gặp mặt nội bộ tổ chức Hội; thông qua các cuộc trao đổi, học tập kinh nghiệm hoạt động của các Hội bạn; thông qua các phương tiện thông tin đại chúng: báo, đài PTTH, tập san, bản tin và trên các trang mạn xã hội...
3.4. Tìm hiểu, sưu tầm, lưu giữ các tài liệu: tài liệu in, tài liệu điện tử, tài liệu truyền miệng trong nhân dân... tạo nên ngân hàng tư liệu có giá trị về quê hương  Hải Phòng, phường Kim Tân, quá trình lên khai hoang và Hội đồng hương.
3.5. Xây dựng, duy trì Blog “Người Đất Cảng trên vùng biên Tây Bắc”, qua đó thể hiện bức tranh tổng thể, cụ thể về quê hương Hải Phòng, về tỉnh Lào Cai, về phường Kim Tân, về công cuộc khai hoang những năm 1960, về Hội đồng hương Hải Phòng để tuyên truyền tới hội viên, con em hội viên trong Hội và mọi người ở khắp mọi miền biết về Hội đồng hương Hải Phòng phường Kim Tân.
3.6. Tham gia cung cấp tư liệu, viết bài cho chuyên san NGƯỜI HẢI PHÒNG TRÊN ĐẤT LÀO CAI số 2”, tích cực đóng góp cho việc “Kỷ niệm 60 năm ngày giải phóng quê hương (13/5/1955-13/5/2015); Kỷ niệm 55 năm ngày đồng bào Hải Phòng lên khai hoang tại Lào Cai (1961-2016).
3.7. Động viên hội viên, con em hội viên, cộng tác viên viết, cung cấp tin, bài, ảnh về quê hương và Hội đồng hương  Hải Phòng qua địa chỉ Email: luongducmen@gmail.com cũng như đọc, xem, góp ý cho Bog “Người Đất Cảng trên vùng biên Tây Bắc”.
VI. ĐỔI MỚI PHONG TRÀO THI ĐUA
Đẩy mạnh các phong trào thi đua tạo nên diện mạo của tổ chức Hội, tính quyết định cho sự tồn tại và phát triển lâu dài của Hội.
4.1. Thực hiện tốt các Quy định về thi đua của Hội đồng hương  Hải Phòng với các danh hiệu: Hội viên tiên tiến, tiên tiến xuất sắc; Cán bộ tiên tiến, tiên tiến xuất sắc; Hội cơ sở tiên tiến, tiên tiến xuất sắc.
4.2. Tiếp tục thực hiện hoạt động thăm hỏi, động viên, giúp đỡ hội viên lúc ốm đau, hoạn nạn; Thăm viếng các thành viên trong gia đình hội viên khi qua đời.
4.3. Quan tâm việc Mừng thọ hội viên tuổi trên 70, 75, 80, 85... động viên các bậc cao niên sống vui, sống khỏe, làm gương cho con, cháu noi theo; việc Mừng “Song hỉ tuổi Vàng, Bạc” động viên các gia đình sống hạnh phúc.
4.4. Tổ chức tốt 2 phong trào “Khuyến học”: trao tặng học bổng cho HS, SV nghèo vượt khó; khen thưởng cho HS, SV học giỏi cấp huyện trở lên; HS đỗ Đại học, Cao học, Nghiên cứu sinh vào dịp gặp mặt đầu Xuân.
4.5. Gắn các phong trào thi đua của Hội đồng hương để góp phần tích cực phục vụ các cuộc vận động, các phong trào thi đua của Đảng, của nhà nước, MTTQ, đoàn thể, tổ chức chính tri-xã hội, xã hội trên địa bàn phường; góp phần tích cực hướng về quê hương: “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Xây dựng nông thôn mới”, “Thi đua làm kinh tế giỏi”, “Xây dựng xã hội học tập”, “Xây dựng Gia đình, Dòng họ, Cơ quan, Khối xóm Văn hóa”, “Xây dựng Gia đình hiếu học, Dòng họ hiếu học, Cộng đồng khuyến học”.v.v.
4.6. Động viên, nhắc nhở cán bộ, hội viên và gia đình hội viên hoàn thành tốt các nhiệm vụ tại cơ quan, đơn vị, địa bàn dân cư; coi danh hiệu thi đua của các thành viên trong gia đình đã đạt được là thành tích của Hội đồng hương.
4.7. Tổ chức động viên, kiểm tra, nhắc nhở hội viên và các cấp Hội thực hiện tốt các phong trào thi đua của Hội. Phấn đấu từng bước, từng danh hiệu thi đua Hội viên, Cán bộ, Chi hội đạt chỉ tiêu tăng dần. Bước đầu đạt trên 65% tiên tiến, trong đó có 25% đạt tiên tiến xuất sắc.
V. NĂNG ĐỘNG XÂY DỰNG VÀ SỬ DỤNG KINH PHÍ
Tích cực xây dựng kinh phí hoạt động của Hội đồng hương Hải Phòng tại phường Kim Tân vừa là nội dung, vừa là điều kiện có tính quyết định để hoạt động của Hội được thuận lợi, tồn tại và phát triển.
5.1. Thực hiện tốt Quy chế Tổ chức và Hoạt động của Hội, trong đó quy định cụ thể về khoản thu, khoản chi của kinh phí hoạt động theo hướng dẫn của BCH Hội tỉnh và các cơ quan chức năng có thẩm quyền về quản lý hội.
5.2. Tổng hợp lại quá trình ủng hộ Kinh phí hoạt động hằng năm thông báo công khai đến từng hội viên qua Chi hội và buổi gặp mặt đầu Xuân.
5.3. Tiếp tục vận động hội viên, các nhà hảo tâm trong và ngoài hội tài trợ để có nguồn kinh phí  đảm bảo cho các hoạt động.
5.4. Vận động các nhà hảo tâm, tài trợ là cán bộ, hội viên để ủng hộ đồng bào gặp khó khăn, khi quê hương găp thiên tai theo chủ trương của Đảng và Nhà nước và của địa phương.
5.5. Động viên cán bộ, hội viên đóng góp các loại quỹ, phí; ủng hộ các quỹ từ thiện, nhân đạo tại theo chủ trương của phường Kim Tân và Hội tỉnh.
5.6. Có hình thức tôn vinh những người ủng hộ, tài trợ kinh phí hoạt động của Hội như: tặng “Bảng Vàng ghi công”, ghi vào “Sổ Vàng lưu danh” của Hội.
VI. NGHIÊM CHỈNH THỰC HIỆN CHẾ ĐỘ THÔNG TIN, BÁO CÁO
Chú trọng công tác chỉ đạo, báo cáo, thi đua, khen thưởng vừa là nội dung, vừa là giải pháp để các cấp Hội duy trì có hiệu quả các hoạt động.
6.1. Chỉ đạo các hoạt động vừa có tính toàn diện, vừa có trọng tâm, trọng điểm tạo nên sự cân đối, hài hòa giữa các hoạt động.
6.2. Các hình thức thi đua, khen thưởng đúng quy định về trang trí, về tiêu chuẩn, về mức, về cách thức trao tặng Bằng Mừng thọ, Bằng Mừng Song hỷ tuổi Vàng (Bạc), Bảng Vàng ghi công, Giấy khen, ghi vào Sổ Vàng lưu danh...
6.3. Động viên cán bộ, hội viên, các cấp Hội tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước; trong đó có các phong trào thi đua của Hội.
6.4. Hội, Chi hội cung cấp và xử lý thông tin, báo cáo định kỳ về các hoạt động thăm hỏi, khen thưởng, tấm lòng vàng…kịp thời, đúng quy định lên Hội tỉnh.
Hoạt động của Hội đồng hương mang tính xã hội, chứa đựng tính thiện nguyện, tâm huyết, nhân văn; giàu tình cảm với quê hương để từ đó mỗi cán bộ, hội viên đều làm tốt nhiệm vụ tại cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp; tại nơi học tập, làm việc, công tác và nơi cư trú.
Dù trong hoàn cảnh thuận lợi, hay khó khăn mỗi cán bộ, hội viên Hội đồng hương  Hải Phòng tại phường Kim Tân ủng hộ BCH mới, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ, làm tròn bổn phận của người Thành phố Hải Phòng tại quê hương thứ hai, luôn hướng về quê nhà, quyết tâm xây dựng Hội đồng hương  Hải Phòng tại phường Kim Tân là một trong những Hội đồng hương vững mạnh, điển hình của tỉnh Lào Cai.
T/M BAN CHẤP HÀNH THÀNH HỘI
Hội trưởng


Lương Đức Mến