Thứ Tư, 24 tháng 11, 2021

LƯỢC SỬ 60 năm người Hải Phòng xây dựng Kinh tế-Văn hóa-An ninh-Quốc phòng tại tỉnh Lào Cai

Cuộc lên khai hoang tại Lào Cai của đồng bào Hải Phòng từ đầu những năm 1960 là sự tiếp nối truyền thống cha ông, học tập tiền nhân lên miền núi khai hoang những vùng “đất rộng người thưa” góp phần củng cố sức mạnh của miền biên ải, giãn dân nơi “đất chật, người đông”.

Sau khôi phục và phát triển kinh tế sau chiến tranh, Ban CHTW (Khóa III) đã có Nghị quyết  Số 26-NQ/TW, tháng 7 năm 1961 “Về vấn đề phát triển nông nghiệp trong kế hoạch 5 năm lần thứ nhất”, chủ trương đưa đồng bào miền xuôi lên khai hoang miền núi. Cũng trong năm đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát động phong trào miền xuôi đi xây dựng và phát triển kinh tế - văn hoá miền núi dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, thường được biết dưới cái tên “KHAI HOANG”.

Công cuộc khai hoang miền núi đó được khởi động và diễn ra trong Bối cảnh mới, cần có những quyết sách mới sau khôi phục và phát triển kinh tế sau chiến tranh

Quán triệt chỉ đạo của Đảng, Đại hội Đảng bộ tỉnh Lào Cai lần thứ  III, tháng 2/1961 xác định mục tiêu, nhiệm vụ khai thác tiềm năng nông nghiệp, lâm nghiệp trên địa bàn; chú trọng thu hút nhiều nhân lực mới từ miền xuôi lên, góp phần phân bố lại dân cư tại địa phương, hỗ trợ các tỉnh miền xuôi trong tổng thể nền kinh tế chung của miền Bắc trước tình hình mới.

Cũng trong thời gian đó, quán triệt các Nghị quyết của Trung ương, Đảng bộ tỉnh Kiến An đã hướng tới vùng đất giầu tiềm năng đất đai, khoáng sản, tài nguyên nơi “đất rộng người thưa” là tỉnh Lào Cai.

Từ đó lãnh đạo 2 tỉnh đã có những chủ trương, kế hoạch, bước đi thích hợp. Cụ thể là:

- Ngày 28/4/1961 Tỉnh uỷ Kiến An ra Quyết nghị số 4/QNN/TU lập bộ phận “Nghiên cứu và xây dựng kế hoạch, tổ chức vận động nhân dân đi khai hoang ở tỉnh Lào Cai” đã xúc tiến nhiều việc trong đó có việc khắc phục khó khăn về giao thông, khảo sát thực tế tại Lào Cai.

Sau đó ngày 12/11/1961  Hội nghị Đại biểu BCH tỉnh Đảng bộ 2 tỉnh Kiến An (Bí thư Lê Huy là Trưởng đoàn)  Lào Cai (Bí thư kiêm Chủ tịch Hoàng Trường Minh là trưởng đoàn) đã ra Nghị quyết về việc kết nghĩa toàn diện giữa 2 tỉnh,  trong đó có việc vận động nhân dân Kiến An lên Lào Cai khai hoang nhằm “phối hợp điều hòa nhân lực và phát triển kinh tế giữa hai tỉnh” với 5 năm 1961-1965 vận động 8-9 vạn nhân dân Kiến An lên Lào Cai.

Lào Cai tiếp nhận người dân đến khai hoang từ nhiều tỉnh nhưng duy nhất có Nghị quyết giữa 2 tỉnh là giữa Lào Cai và Kiến An (nay là Hải Phòng)!

Sau khi Ban Bí thư nhất trí chủ trương, Quốc hội khóa II, tại kì họp thứ 5 ngày 27/10/1962 đã ra Nghị quyết hợp nhất Hải Phòng-Kiến An lấy tên là Hải Phòng. Đại hội Đảng bộ Hải Phòng lần thứ Nhất (10/7-14/7/1963) đề ra nhiều quyết sách, trong đó có việc tiếp tục đưa nhân dân Hải Phòng lên khai hoang tại Lào Cai.

Đây là cuộc vận động lớn, công tác chính trị tư tưởng được coi trọng và có nhiều cách làm mới có ý nghĩa cách mạng to lớn, đóng góp vào cuộc cách mạng tư tưởng - văn hoá, cách mạng quan hệ sản xuất, cách mạng KHKT. Do vậy, đã đem lại luồng sinh khí mới cho cuộc vận động dãn dân ở các tỉnh miền xuôi và tinh thần xây dựng hậu phương lớn, đón nhận đồng bào lên xây dựng quê mới ở Lào Cai.

Việc tổ chức thực hiện đã đạt nhiều kết quả với bước đi phù hợp

Mở đầu, tháng 3/1961, hơn 500 cán bộ, đảng viên, lao động trẻ khoẻ là những người con ưu tú của các làn xã trong các huyện Vĩnh Bảo, Tiên Lãng, Kiến Thuỵ, An Lão, An Dương, Đồ Sơn thuộc Kiến An có mặt trong đoàn khai hoang lên xây dựng Hợp tác xã tập trung Sơn Hải thuộc xã Sơn Hà (1965 tách ra thành 2 xã là Sơn Hà và Sơn Hải), huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai mà các Đội được thành lập lấy ngay tên huyện ở quê làm tên Đội.

Sau đoàn đầu tiên ấy, tỉnh Lào Cai tiếp nhận thêm trên 600 cán bộ, đảng viên, lao động chính, khoẻ mạnh của Hải Phòng lên xây dựng 2 hợp tác xã tập trung là An Trà (xã Sơn Hà), Tân Thành (xã Phố Lu) đều thuộc huyện Bảo Thắng. Tiếp theo đồng bào từ tỉnh Kiến An lên được lãnh đạo tỉnh Lào Cai cùng lãnh đạo các huyện Bảo Thắng, Mường Khương, Bát Xát đón tiếp tại Ga Phố Lu, Làng Giàng, Phố Mới đưa về các bản, xã.  Đến 1963 đã thành lập 25 HTX khai hoang độc lập và 22 hợp tác xã xen kẽ đồng bào khai hoang và đồng bào sở tại trong tổng số 410 HTX tại Lào Cai. Nhiều điển hình tiên tiến trong sản xuất xây dựng tại các HTX khai hoang như  An Trà, Sơn Hải, Giao Bình, Hoà Lạc, An Lạc (Bảo Thắng), An San, Quang Kim, Đông Thái (Bát Xát) Bản Sen (Mường Khương), Bản Mẹt, Bảo Tân (Bắc Hà), Đông Du, Đông Xá, Tân Khai (Sa Pa) được nhân ra diện rộng.

Do có chủ trương đúng, công tác tư tưởng làm tốt, việc tổ chức thực hiện  với bước đi phù hợp nên cuộc vận động đã đạt kết quả tốt đẹp

 Trong những năm 1960 đến 1974, người Hải Phòng lên Lào Cai tập trung chủ yếu ở Tằng Loỏng, Phú Nhuận, Phố Lu, Sơn Hà, Phong Niên, Xuân Quang, Trì Quang thuộc huyện Bảo Thắng, Cốc San, Quang Kim thuộc Bát Xát và Bảo Nhai của Bắc Hà. Nhiều địa danh mới với tên ghép ấm tình miền sơn cước và gợi nhớ về cố hương đã ra đời. Đó là: An Trà (Kiến An-Bản Trà), An Phong (An Lão-Phong Niên), Vĩnh Phong (Vĩnh Bảo-Phong Niên), Tân Phong (Tân Liên-Phong Niên)... ở Bảo Thắng; An Quang (Kiến An-Quang Kim) ở Bát Xát...

Trải qua những bước thăng trầm lịch sử, nhiều gia đình gốc Hải Phòng đã 2 – 3 đời sinh cơ lập nghiệp tại Lào Cai; nhiều người hay con em của họ trưởng thành được giao trọng trách trong các cấp chính quyền, trong các cơ quan, đơn vị; trong LLVT; nhiều doanh nhân, văn nghệ sĩ người Hải Phòng đã có đóng góp vào sự phát triển của Lào Cai.

Thế hệ hôm nay tự hào và được kế thừa bản lĩnh người Lào Cai được tạo dựng nên từ “hợp nguồn” xuôi - ngược trong vị thế mới.

Như vậy, hơn 10 năm, 18 vạn đồng bào miền xuôi (trong đó người Hải Phòng có 4 vạn) lên quê mới thành cư dân Lào Cai nhưng luôn gắn bó với quê cũ cả về tâm tư, tình làng xóm, dòng họm truyền thống lao động, yêu độc lập tự do, niềm tin tưởng tuyệt đối vào chủ trương của Đảng và của lãnh đạo 2 tỉnh; nó đã góp phần làm thay đổi căn bản bộ mặt cả cố hương và tân quê, đặc biệt trong việc giữa vững bình yên ở 2 đầu: miền núi Tây Bắc và duyên hải Đông Bắc nước ta.

Nhìn lại chặng đường 60 năm qua có thể thấy những bài học kinh nghiệm mà tựu trung lại, có thể khái quát như sau:

- Tiếp nối truyền thống di dân từ miền xuôi lên miền núi trong lịch sử dựng nước và giữ nước của Việt Nam để tăng cường sứ mạnh toàn diện cho biên ải.

- Phù hợp với Bối cảnh lịch sử và quan điểm của Đảng về miền núi những năm 1960 trong hoàn cảnh cả nước tiến hành đồng thời hai cuộc Cách mạng.

- Việc vận động đồng bào lên khai hoang miền núi những năm 1960 và chính sách đối với người đi của tỉnh Kiến An (sau là Hải Phòng) có nhiều sáng tạo.

- Việc tiếp nhận, sắp xếp dân cư đối với người dân khai hoang của các địa phương thuộc Lào Cai đã được chú trọng toàn diện, sát hợp.

- Được sự chỉ đạo đúng, sát của lãnh đạo hai tỉnh cả trên phương diện nhận thức tư tưởng, bước đi thích hợp, thống nhất, phối hợp hành động tốt.

Nó góp vào kinh nghiệm chung của bà con, lãnh đạo cấp ủy, chính quyền cơ sở có đông đồng bào Hải Phòng trong việc thực hiện các cuộc vận động, góp phần phấn đấu sớm đưa Lào Cai ra khỏi diện tỉnh nghèo, quyết tâm xây dựng quê hương Lào Cai-Hải Phòng giàu mạnh, xứng đáng là nơi “phên dậu quốc gia” vùng Tây Bắc và Đông Bắc.

Những bài học kinh nghiệm bổ ích của cuộc vận động sẽ là sức mạnh nội lực ở từng cơ sở, địa phương và kết quả cuộc vận động còn góp kinh nghiệm, ý nghĩa lịch sử to lớn với sự phát triển KT-VH-XH-ANQP của 2 tỉnh, của cả nước!

Sự đóng góp về tài năng, trí tuệ và nghị lực của người Hải Phòng trên quê hương mới được lãnh đạo các cấp ở Lào Cai cũng như Hải Phòng ghi nhận. Công lao của bà con, ngoài những người được nhà nước, chính quyền các cấp ghi nhận bởi những Huân, Huy chương, Kỷ niệm chương, Bằng, Giấy khen còn hàng vạn người, đủ mọi tầng lớp, mọi nghề nghiệp, trình độ, những người bình dân “chân lấm tay bùn” đã âm thầm cống hiến đời mình cho tân quê, cho mối quan hệ đôi quê và cho đất nước.

Trong quá trình 60 năm ấy đã nêu bật vai trò, ảnh hưởng của người khai hoang và có 3-4 thế hệ gốc đất Cảng được sinh ra và lớn lên tại “nơi con sông Hồng chảy vào đất Việ,  bà con tự tập hợp nhau lại báo cáo cấp có thẩm quyền và được tỉnh cho phép thành lập “Hội Đồng hương”. Những năm trước hoạt động lẻ tẻ, không thống nhất, không có mối liên hệ thường xuyên.

Khởi đầu từ 2007, đến nay Hội đồng hương Hải Phòng tại tỉnh Lào Cai đã qua 3 kỳ Đại hội. Sự ra đời của Hội đồng hương Hải Phòng đáp ứng được lòng mong mỏi của các thế hệ người Hải Phòng vẫn từng ngày gắn bó với Lào Cai.. Từ chỗ 1 vài cơ sở tự phát với mấy trăm hội viên, hiện nay Hội đã có 26 Hội cơ sở ở 26 xã phường trong 9 huyện, thị xã, thành phố với 2.430 hội viên. Đặc biệt, hôm 16/11/2021, BCH HĐHHP huyện Bảo Thắng sau nhiều hoạt động độc lập với gần 400 Hội viên đã có buổi giao lưu với Thường trực BCH HĐHHP tỉnh và thống nhất nhập chung về một mối là HĐHHP tỉnh Lào Cai.

Việc tổ chức các đoàn về thăm quê, đón các đoàn ở quê lên; khen thưởng các cháu học sinh giỏi, chúc thọ các cụ, thăm hỏi khi ốm đau, chia sẻ lúc hoạn nạn…là những nét nổi bật mà Hội Đồng hương Hải Phòng là một trong những Hội Đồng hương hoạt động thường xuyên, thiết thực có hiệu quả.

Chúng ta không thể quên nghĩa tình đồng hương khi bà con gặp nạn thiên tai ở Bắc Hà, Mường Khương, Bát Xát…hay khi gặp sự cố ở Bảo Thắng đều được Hội đến hỏi thăm mang theo những tình cảm và vật chất hỗ trợ phần nào. Đặc biệt việc Chúc thọ các cụ Cao niên, việc tặng quà các cháu có thành tích trong học tập, việc hỗ trợ các gia đình có công,…là những việc làm thắm đượm nghĩa tình mà đâu phải Hội Đồng hương nào của giữ được nếp thường xuyên!

Với đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, Hội cũng là nơi mà bà con gửi gắm, thực thi nhiều hoạt động “đền ơn đáp nghĩa”.

Cách đây 15 năm, việc Kỷ niệm 40 năm người Hải Phòng đi khai hoang tại Lào Cai được Sở Nông nghiệp phát triển Nông thôn thành Phố Hải Phòng tổ chức vào năm 2001, mặc dù quy mô khiêm tốn nhưng nó như là một sự mở đầu.

 Đáp ứng nguyện vọng của bà con, Lễ Kỷ niệm 50 năm người Hải Phòng đi xây dựng kinh tế- văn hóa-quốc phòng tại Lào Cai đã được tổ chức long trọng ngày 18/3/2012 tại Trung tâm Hội nghị thành phố khi đó là Hội trường lớn của tỉnh. Cách đây 5 năm, đúng vào ngày kỷ niệm lần thứ 61 năm giải phóng quê hương đất Cảng, ngày 13/5/2016, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh, hơn 700 đại biểu dự Kỷ niệm 55 năm người Hải Phòng đi xây dựng kinh tế- văn hóa-quốc phòng tại Lào Cai. Đó là kết quả của sự quan tâm, chỉ đạo, ủng hộ chí tình, có hiệu quả của Đảng bộ, chính quyền tỉnh Lào Cai và thành phố Hải Phòng.

Từ lần Kỷ niệm 55 năm đến nay đã 5 năm. Thời gian ấy, Lào Cai có nhiều chuyển biến sâu sắc, và người Hải Phòng tự hào là có góp sức, góp công.

Đó cũng là 5 năm mà Hội đồng hương Hải Phòng phát triển sâu rộng, có nhiều hoạt động có ý nghĩa, thiết thực như giao lưu giữa các Hội Đồng hương trên mọi miền Tổ quốc, giao lưu với quê hương…

Trong đó đáng chú ý là việc Hải Phòng xây dựng Đơn nguyên lớp học 2 tầng trường Tiểu học số 2 xã Sơn Hà và nhà Sinh hoạt cộng đồng xã Sơn Hải (huyện Bảo Thắng) trị giá hơn 5 tỷ đồng bàn giao vào ngày 26/5/2018; Dịp tháng 4,5/2020 lãnh đạo huyện Vĩnh Bảo, Kiến Thụy, Tiên Lãng, An Lão đã cử đoàn đại biểu do các đ/c Ủy viên BTV, Ủy viên BCH huyện ủy làm Trưởng đoàn cùng đại diện lãnh đạo một số ban ngành đã lên thăm và tặng quà là 42 tấn gạo cho những hộ gặp khó khăn là người Hải Phòng đang sinh sống, làm việc tại Lào Cai.

Đáp lại ân tình của quê hương, Hội Đồng hương Hải Phòng tỉnh đã tổ chức nhiều đợt về thăm những danh lam thắng cảnh, cơ sở kinh doanh, sản xuất giỏi của quê hương, đặc biệt đầu năm Canh Tý 2020, Lào Cai làm nòng cốt và vận động người Hải Phòng ở các tỉnh Lào Cai, Điện Biên, Cao Bằng, Lạng Sơn, Sơn La, Yên Bái, Nam Định, tf Hồ Chí Minh, thủ đô Hà Nội tham gia Tết trồng Cây tại thành phố Cảng Trung dũng. Kết quả đã trồng được 117 cây đặc trưng của mỗi tỉnh, trong đó có những cây thuộc loại quý hiếm: Sưa đỏ, Hoàng Đàn, Bồ Đề, Nghiến, Tre Làng ngà, Lát Hoa, Đào, Hoa Ban, Trúc tại Khu Di tích Bạch Đằng Giang. Một số Hội còn mang theo những hộp đựng đất lấy tại nơi có ý nghĩa, như: nơi người Hải Phòng đặt chân đầu tiên lên khai hoang, nơi Bác Hồ về nước sau bao năm bôn ba, Ải Chi Lăng, Bến Cảng Nhà Rồng, …  

Chúng ta ghi nhớ và tri ân những cán bộ, đảng viên, những nông dân, thanh niên hừng hực khí thế khai hoang ngày đó, người có công, có thành tích được thưởng Huân, Huy Chương, được các cấp khen thưởng và cả những người vì lý do nào đó chưa được khen. Chúng ta và mai sau không được phép lãng quên lớp người vỡ hoang, mở đất và cả những người đến sau góp phần xây dựng, chấn hưng thôn xóm. Truyền thống và hiện tại, cũ và mới chan hòa, đoàn kết xây dựng quê hương tươi sáng, mạnh giầu.

Hiện nay, như chúng ta đều biết giữa Hải Phòng và Lao Cai đạt được những kết quả bước đầu trong việc hợp tác phát triển kinh tế, đặc biệt là tuyến kinh tế hai hành lang, một vành đai. Bà con Hải Phòng tại Lào Cai là vừa là người thụ hưởng thành quả đó đồng thời còn là những thành viên tích cực thực hiện cơ sở cơ chế hợp tác của hai địa phương, tuân thủ  pháp luật, đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau và giúp đỡ bà con các dân tộc Lào Cai. Đó là cách thiết thực Hội chúng ta giáo dục hội viên thực hiện nghiêm túc chỉ thị của lãnh đạo thành phố Hải Phòng và tỉnh Lào Cai.

Kỷ niệm một Hoa giáp, ngày đồng bào Hải Phòng đi xây dựng Kinh tế-Văn hóa-Xã hội tại Lào Cai, đề nghị các đ/c lãnh đạo các cấp và bà con tập trung trí tuệ, sức lực, huy động mọi nguồn để dần biến việc kỷ niệm ngày này thực sự là ngày Hội của người Hải Phòng trên đất Lào Cai và mong rằng thế hệ con em chúng ta tiếp tục duy trì được ngày Kỷ niệm đầy ý nghĩa đó.