Thứ Năm, 5 tháng 9, 2019

THƯ NGỎ VỀ VIỆC TRỒNG CÂY LƯU NIỆM TẠI HẢI PHÒNG

Kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969-2019), kỷ niệm 70 năm ngày Bác Hồ phát động “Tết trồng cây” (1959-2019), chúng ta càng nhớ đến Bác, càng mong muốn có những việc làm thiết thực có ý nghĩa hơn.
Trong tâm tưởng ấy, trao đổi với những người tâm huyết trong Hội Đồng hương Hải Phòng tại tỉnh Lào Cai và một số tỉnh bạn chúng tôi đã gặp nhau ở một điểm là: sẽ chọn, trồng một số loại cây đặc hữu tại một vài di tích, danh thắng đặc biệt của thành phố Cảng quê hương.
Khi gặp gỡ những đồng chí lãnh đạo thành phố Hải Phòng chúng tôi đã báo cáo ý tưởng đó và lãnh đạo thành phố rất hoan nghênh, ủng hộ và có chỉ đạo cụ thể.
Vì vậy chúng tôi tha thiết kêu gọi mỗi cá nhân, mỗi tập thể hăng hái hưởng ứng việc trồng cây lưu niệm với nội dung sau:
1. ĐỊA ĐIỂM TRỒNG CÂY:
1.1. Khu di tích lịch sử Bạch Đằng Giang bao gồm: Linh Từ Tràng Kênh, Đền thờ Vua Lê Đại Hành, Đền thờ Đức vương Ngô Quyền, Đền thờ Hưng đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn, Đền thờ Mẫu, Đền thờ Bác Hồ, Trúc Lâm tự Tràng Kênh, Quảng Trường chiến thắng Bạch Đằng, nhà trưng bày và mô hình Bãi cọc trên sông Bạch Đằng rộng 20 ha nằm ở thôn Tràng Kênh, thị trấn Minh Đức, huyện Thủy Nguyên, cách trung tâm của thành phố Hải Phòng chừng 25 km được khởi công xây dựng từ năm 2008 đến cuối năm 2017 hoàn thành.
Trung bình mỗi ngày nơi đây tiếp đón hơn 2 vạn du khách đến thăm quan và trải nghiệm. Hàng năm, khu du tích tổ chức nhiều dịp lễ: Lễ hội đầu Xuân, Lễ Khai ấn đền Trần 14/ Giêng, ngày Giỗ vua Lê Đại Hành 18/ Giêng, đại lễ Phật đản vào 15/4, lễ Vu Lan 15/7, ngày Giỗ Đại vương Trần Quốc Tuấn 20/8…
1.2. Khu nhà tưởng niệm lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh tại xã An Đồng huyện An Dương, nơi tìm thấy hài cốt của lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh và liệt sĩ Hồ Ngọc Lân vào tháng 9/2007. Khu di tích này rộng hơn 30 ha, với tổng mức đầu tư 110 tỷ đồng, khánh thành 30/1/2019. Trong đó Nhà tưởng niệm (đền chính) có diện tích 312 m2, gồm nhà tiền bái, hậu cung, nơi đặt ban thờ và tượng thờ lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh. Nguyễn Đức Cảnh (2/2/1908 – 31/7/1932) là là Bí thư đầu tiên của Thành ủy Hải Phòng (8/1929) và là Tổng biên tập đầu tiên của báo Lao động (7/1929). Ông từng chủ trì Hội nghị đại biểu thành lập Tổng Công hội Đỏ Bắc Kỳ và được bầu làm Hội trưởng lâm thời; đồng thời Hội nghị đã quyết định xuất bản Báo Lao động và Tạp chí Công hội Đỏ do lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh phụ trách.
 Khu tưởng niệm là công trình thể hiện tấm lòng tri ân của các thế hệ đời sau với nhà lãnh đạo tiền bối đã cống hiến cuộc đời cho sự nghiệp giải phóng của dân tộc, đất nước và quê hương Hải Phòng.
1.3. Di tích “Bến tầu không số” K15 nằm dưới chân đồi Vạn Hoa, Đồ Sơn. Năm 1962, tại đây, Tiểu đoàn 3, Trung đoàn Công binh 83 thuộc Bộ Tư lệnh Công binh (Sau này thuộc Bộ Tư Lệnh Hải quân) đã xây dựng cầu tàu Đồ Sơn. Để từ ngày 11/10/1962, gần 100 chiếc thuyền, tầu không số với tổng số 168 chuyến hành trình vượt sóng chở vũ khí đạn dược xuất phát từ đây chi viện cho chiến trường miền Nam. Đây là khởi điểm đầu của con đường huyền thoại Hồ Chí Minh trên biển trong những năm kháng chiến chống Mỹ, đã được xếp hạng di tích lịch sử Quốc gia.  
Nhân ngày thành lập 73 năm Quân Đội Nhân Dân Việt Nam  (22/12/1944  –  22/12/2017), để tưởng nhớ chiến công của những thủy thủ trên “Tầu không số” , Tp Hải Phòng đã cho xây dựng tượng đài kỷ niệm đường Hồ Chí Minh trên biển ngay cạnh di tích bến tàu K15.
2. LOẠI CÂY:
Là những cây đặc hữu của từng địa phương có bà con người Hải Phòng làm ăn sinh sống. Ví dụ: cây Tre, Trúc, Lát Hoa, Sa Mộc, Vàng Anh cổ ở Lào Cai; cây Hồi ở Lạng Sơn; cây Dẻ ở Cao Bằng; cây Đào ở Sơn La; cây Hoa Ban ở Điện Biên; Mai Vàng phương Nam…
3. KÈM THEO ĐẤT TƯỢNG TRƯNG TỪNG VÙNG:
Đất này để lót hố, lấy tại những nơi có ý nghĩa đặc biệt. Ví dụ:
3.1.Lào Cai: đất nơi “Nóc nhà Đông Dương”, nơi đồng bào Hải Phòng đầu tiên đặt chân lên khai hoang tại Lào Cai năm 1961.
3.2.Lạng Sơn: Cửa khẩu Hữu Nghị Quan, Ải Chi Lăng.
3.3.Cao Bằng: tại hang Pắc Bó.
3.4.Sơn La: nơi trồng Cây Đào Tô Hiệu.
3.5.Điện Biên: Khu rừng Mường Phăng.
3.6. Thành phố Hồ Chí Minh: Cảng Nhà Rồng.
4. THỜI GIAN TRỒNG CÂY TẠI HẢI PHÒNG:
Sau tiết Đông Chí, tức sau Chủ Nhật ngày 22/12/2019 nhằm ngày  17 tháng 11 Kỷ Hợi đến trước Rằm tháng Giêng năm Canh Tý 2020.
Thời gian cụ thể sẽ ấn định sau khi đã báo cáo và thống nhất với lãnh đạo thành phố Hải Phòng.
5. PHƯƠNG THỨC THỰC HIỆN:
5.1. Hội Đồng hương Hải Phòng tại các tỉnh bàn bạc, thống nhất về chủ trương và biện pháp thực hiện trong phạm vi lãnh đạo Hội và toàn thể Hội viên.
5.2. Cây và đất ở địa phương nào do Hội Đồng hương Hải Phong nơi đó chịu trách nhiệm tổ chức việc đào, đóng gói, vận chuyển và trồng tại địa điểm được ấn định. Mọi hoạt động đều có quay phim, chụp ảnh sau đó tập hợp thành một Album chung, in để mỗi Hội giữ một bản và biếu thành phố 1 bản.
5. 3. Thường trực Ban Chấp hành Hội Đồng hương Hải Phòng tỉnh Lào Cai, tỉnh Điện Biên tự nguyện và đã được các Hội Đồng hương Hải Phòng tại các tỉnh ủy quyền là đầu mối liên hệ với quê hương; chịu trách nhiệm xây dựng kế hoạch chi tiết, cụ thể sau khi có sự đồng thuận chung.
5. 4. Đề nghị Hội Đồng hương Hải Phòng tại các tỉnh đồng lòng, chung tay cùng thực hiện; thực hiện tốt công việc tại địa phương và phối hợp nhịp nhàng theo kế hoạch chung.
5. 5. Kính đề nghị lãnh đạo thánh phố, lãnh đạo các sở, ngành, Ban Quản lý liên quan để nguyện vọng của bà con được thực hiện suôn sẻ.
5.6. Thời hạn nhận thông tin gửi đến Chủ tịch Hội ĐHHP tỉnh Lào Cai:  trước 30/11/2019. Trong đó các Hội cần nêu rõ: loại cây trồng, số lượng cây, số người tham gia trồng cây, kinh phí ,…và đề nghị, đề xuất.
6. KINH PHÍ:
Phát huy truyền thống TRUNG DŨNG, QUYẾT THẮNG của quê hương đất Cảng và tinh thần DÂN CHỦ, NGHĨA TÌNH, ĐOÀN KẾT, PHÁT TRIỂN, LAN TỎA của bà con Hải Phòng trên quê mới, chúng tôi kêu gọi tấm lòng tự nguyện hiến sáng kiến, hiến cây, ủng hộ tiền của, phương tiện và công sức của mọi cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp cùng chung tay, chung sức trên tinh thần “xã hội hóa”, không làm phiền đến quê hương.
Mọi ý kiến phản ánh; mọi đóng góp, ủng hộ về tinh thần và vật chất sẻ xin gửi về:  Trần Trọng Dương : 02 Võ Thị Sáu, Cốc Lếu, tf Lào Cai, tỉnh Lào Cai, ĐT: 0979210168 hoặc qua hộp thư: luongducmen@gmail.com .
Chúng tôi xin kêu gọi bà con, các cấp lãnh đạo Hội Đồng hương các tỉnh, lãnh đạo các cấp của thành phố Hải Phòng mở rộng tấm lòng, đồng thuận, chung tay, chung sức cùng nhau hoàn thành tốt tâm nguyện của bà con xa quê mong muốn có cây lưu niệm tại những điểm di tích, danh thắng tiêu biểu của thành phố quê hương.
Với sự “Thống nhất về nhận thức”, “Quyết tâm trong ý chí”, “Quyết liệt trong hành động” tin tưởng việc làm đầy ý nghĩa của chúng ta sẽ thành công.

Ghi chú: THƯ NGỎ này, ngoài việc gửi Thường trực Hội Đồng hương Hải Phòng các tỉnh, gửi báo cáo lãnh đạo thành phố Hải Phòng còn được đưa lên mạng xã hội qua trang: https://nguoihaiphongtrendatlaocai.blogspot.com/
Phần tóm tắt hay đầu bài đăng Phần còn lại.