Thứ Sáu, 1 tháng 4, 2016

ĐI KHAI HOANG

Bút ký của Ngọc Dương
(2)

       Gia đình tôi là một trong mười hộ trong làng xung phong đi theo cuộc vận động. Mười hộ này được ghép thêm một hộ ở làng khác là mười một và thành lập một hợp tác xã nông nghiệp, lấy tên là hợp tác xã Tân Phong. Hợp tác xã do anh Nguyễn Văn Lời, anh họ tôi làm chủ nhiệm, anh Bùi Văn Kiêu làm phó chủ nhiệm. Tôi lúc ấy là người có “trình độ văn hoá cao”, những lớp 8/10, nên được cử làm kế toán, mặc dù tôi chẳng hiểu kế toán là gì. Trước khi Hợp tác xã lên đường, chủ nhiệm, phó chủ nhiệm đã có chuyến đi tiền trạm để làm nhà cho bà con, khi mọi người lên là đã có sẵn nhà ở. Sau gần một tháng, chủ nhiệm và phó chủ nhiệm về thông báo: “Đã có nhà cửa tươm tất. Đất đai, rừng núi mênh mông. Chỉ sợ không có sức lao động thôi...”
       Sáng 25 tháng Tư năm 1965, mọi người lục tục gồng gánh, mang vác gia sản đi bộ khoảng gần một cây số đường làng để tập kết lên đầu cầu Lăng, ven con đường quốc lộ số 10. Nhà tôi tám người đi nhưng vẫn còn hai người ở lại. Đó là chị dâu tôi, được thày bu phân công ở lại để trông nom mảnh đất hương hoả. Lúc ấy, anh tôi đang làm công nhân xây dựng cầu đường sắt ở Thanh hoá. Người thứ hai là em Phùng. Hôm trước, tôi nghe thấy bu tôi nói với em: “Lần này đi Lào Cai, cháu tạm thời ở nhà với bà ngoại cháu, để hai bác và các anh đi trước xem đồng đất ở đó làm ăn ra sao đã, bây giờ mới đến, chân ướt chân ráo chắc là còn nhiều khó khăn lắm. Bao giờ ổn định, bác sẽ về đón cháu lên sau.” Sáng hôm ấy, cả chị dâu và em Phùng đều cùng cả nhà mang vác đồ đạc, hành lí. Trong lúc chờ xe ô tô của Ban tổ chức đến đón, tôi thấy mấy lần chị dâu tôi quay đi lau nước mắt. Còn Phùng, vốn có khuôn mặt bầu bĩnh, không mấy khi nở nụ cười thì giờ đây tôi thấy em có vẻ mặt càng u buồn. Tôi không thể ngờ được rằng, đó chính là buổi sáng cuối cùng thày bu và anh em chúng tôi vĩnh biệt Phùng! Sau khi gia đình tôi lên Lào Cai chỉ một thời gian ngắn, bu tôi chưa kịp thực hiện lời hứa về đón em, thì Phùng đi bộ đội và rồi “Đã hy sinh tại mặt trận phía Nam”, như tờ giấy báo tử có ghi vậy. Cho đến bây giờ, đã hơn bốn mươi năm, ngoài tờ giấy báo tử với tám chữ cô đọng ấy thì chẳng ai biết em hy sinh như thế nào, có phần mộ không, ở đâu?... Tất cả vẫn còn mịt mùng, im ắng!...
       Hai chiếc xe ca chở mười một hộ với sáu, bẩy mươi nhân khẩu ra ga Hải Phòng, rồi lên tàu hoả. Không phải mua vé, không phải lo gửi hành lí. Tất cả đã có người phục vụ chu đáo. Hành lí của nhà nào đã có tên nhà ấy viết ở ngoài, không sợ lẫn...Lần đầu tiên tôi biết thế nào là tàu hoả. Tôi cảm thấy tự hào, nghĩ là sau này mình có thể khoe với bạn bè là: “Tao đã từng biết cái tàu hoả nó như thế nào!”. Mọi người chen nhau ngồi vào ghế. Còn tôi, sau khi lên đến ga Hàng Cỏ (Hà Nội), chuyển sang tàu Lào Cai thì tôi đi quan sát hết các toa. Không thích nơi đông người, nên tôi lẻn xuống tận toa cuối cùng, một toa đen chở đầy gà, lợn, chó mèo. Tôi trèo lên cái gác hành lí đầy bụi than, thảnh thơi nằm đó một mình, ngẫm nghĩ những gì đã và sẽ xảy ra. Đầu óc cứ mung lung, mung lung. Đôi lúc tự hỏi: đây có phải  sự thật hay là một giấc mơ? Và tôi bỗng nhớ đến một đoạn trong bài thơ Lên miền Tây của Bùi Minh Quốc: Xe chạy nghiêng nghiêng trèo dốc núi/ Lên miền Tây vời vợi ngàn trùng/ Ôi miền Tây, ở dưới xuôi sao nghe nói lạ lùng/ mà lúc ra đi lửa trong lòng vẫn cháy/ Cái tuổi hai mươi khi hướng đời đã thấy/Thì xa xôi biết mấy cũng lên đường...” Bài thơ đã ru tôi ngủ thiếp đi. Mãi đến chiều mới quay lại toa trên, nơi bà con trong làng ngồi. Họ nói chuyện vui vẻ lắm, không biết vì phấn khởi hay vì để cho quên đi nỗi luyến tiếc nơi chôn rau cắt rốn? Một ông ngó qua cửa sổ toa tàu thấy có biển hiệu “kéo còi” liền thông báo cho mọi người: “Bà con chú ý, đã đến ga Keo Cối!”. Nhiều người tưởng thật bảo nhau: “Ga này đỗ, ta phải xuống hút điếu thuốc lào”. Nhưng tàu vẫn chạy. Lát sau lại có người kêu lên: “Ô, đây lại có ga Keo Cối nữa!”...Thế là ai cũng vui như Tết. Một bác kể: “ Lúc chờ ở Ga Hải Phòng lâu quá, tôi sốt ruột định đi tìm lãnh đạo nhà ga để hỏi cho ra nhẽ. Đi loanh quanh mãi thì thấy một tấm biển đề hai chữ Phó ga. Tôi xông ngay vào...nhưng toàn thấy người đang ăn...phở gà!
       Sau hai ngày, một đêm đằng đẵng, cũng đến lúc con tàu phải dừng hẳn lại ở ga cuối cùng là ga Lào cai. Vị trí nhà ga lúc ấy ở khoảng giữa đầu cầu Hồ Kiều và Cầu chui hiện nay, cửa ga nhìn ra khu thương mại Bistit cạnh con đường Nguyễn Huệ bây giờ. Trời bắt đầu tối. Những bóng đèn dây tóc đỏ quạch có chao bằng sắt tráng men treo trên cột điện cũng chỉ đủ soi cho mọi người khuân vác đồ đạc, hành lí sang khu vực Phố Tèo, nơi có những gia đình người Hoa sống lâu đời ở đây, mở quán ăn, cho thuê ngủ trọ và tràn ngựa. Mọi người ăn uống xong, leo lên cái nhà sàn bằng gỗ, cầu thang gỗ, xung quanh vây bằng liếp nứa. Một dãy sàn chạy dọc nhà lót giát tre bương là giường ngủ. Mọi người mắc màn và nằm ngủ “hội đồng” trên đó. Đã cuối tháng Tư dương lịch, nhưng thời tiết Lào Cai về ban đêm vẫn se lạnh. Mọi người đi tàu mệt nên ngủ rất say. Còn tôi thì không ngủ được, bởi hàng loạt điều mới lạ đang tác động vào bộ não của một gã trai bước vào tuổi mười bẩy, lần đầu tiên đi xa. Đêm thị xã Lào Cai sao mà tĩnh lặng, như thể một vùng quê hẻo lánh. Mùi hoa ngọc lan thoang thoảng đâu đây lẫn với mùi phân ngựa ngai ngái bốc lên từ dưới gầm sàn. Những con đom đóm từ bờ sông Nậm Thi bay lên, lạc vào ngôi nhà sàn, soi vào tận những cái màn ám khói, nơi có thày, bu, các em tôi và mọi người đang say giấc...
       Sáng hôm sau, tất cả đều được ăn món “phở” xào sền sệt, rất nhiều mỡ và tương ớt, có lẫn cả những sợi mì được rán phồng rất giòn. Ngon lắm! Ở quê tôi, dám chắc chưa ai được ăn bao giờ... Người chủ quán Hoa Kiều nói giọng lơ lớ, giải thích: “Cây nề là cốn suẩy, khô.. ông phẩy phơ đâu ớ”. Ông cán bộ dẫn đoàn dịch cho mọi người: “Đây không phải phở mà là cuốn sủi, một món ăn sáng của người Tàu đấy”
       Khoảng 7 giờ, có hai chiếc xe ca đến để đưa mọi người về quê hương mới. Đó là thôn Cốc Tủm, xã Phong Niên, thuộc huyện Bảo Thắng. Con đường quốc lộ 70 bấy giờ còn nguyên nền đất, toàn ổ gà, sống trâu. Hai cái xe ì ạch, vừa đi vừa thở phì phò, gầm gừ, lắc lư như những gã say rượu. Có nhiều chỗ xe phải né tránh những ngọn giang từ trên đồi vắt xuống đường. Khoảng ba tiếng sau, đi được ba mươi hai cây số thì dừng lại. Ông chủ nhiệm hô to: “Đây rồi, nhà đây rồi!...” Mọi người xuống xe, nhìn trước, nhìn sau chưa thấy nhà đâu, còn đang ngơ ngác thì chủ nhiệm lại quát: “Không thấy à?” Theo hướng tay chỉ của chủ nhiệm lên rệ đồi: Một dẫy lán thấp lè tè, trông như những cái lều nương của đồng bào dân tộc. Nhà tôi tám người, nhà ông, bà Phú bẩy người được phân phối chung một “ngôi nhà” rộng chừng 3 mét, dài 10 mét, được ngăn làm đôi bằng một tấm nứa đan nóng mốt. Và cũng rất công bằng là một nửa già, một nửa non vì số khẩu không bằng nhau. Những ba mươi mét vuông cho hai hộ, mười lăm người. Tuy vậy, chất lượng thì phải chỉnh sửa ngay mới ở được. Những tấm nứa non đan nóng mốt vây quanh nhà sau khoảng một tháng, nay đã khô và teo tóp lại, hở hoác ra. Trên mái lợp bằng lá dong tươi, loại lá gói bánh chưng, nhưng  rất “tiết kiệm” nên bây giờ khi nó khô cong đã để lộ ra những mảng trời xanh thẳm. Hai phần ba bề rộng của ngôi nhà phía trong, khoảng hai mét, làm giường ngủ. Đó là cái giường gỗ nứa. Nghĩa là những cây gỗ bằng bắp tay, cẳng chân, có ngoãm, còn tươi nguyên, không bóc vỏ, được chôn xuống đất làm chân, nên mối đã leo lên tua tủa như lông nhím. Những đoạn gỗ thẳng thì gác lên làm xà, được thống cố vào “chân giường” bằng những nút lạt giang khá chắc. Giát giường là nứa tươi non đập dập, đến hôm đó đã gần một tháng, nên vừa cong, vừa mọt, tuy vậy rải chiếu lên vẫn nằm tạm được. Một phần ba diện tích phía ngoài nhà giành để đồ đạc và lấy chỗ ra vào. Bọn trẻ thì đi lại vô tư, nhưng người lớn phải cúi xuống, nếu vô ý, có thể va đầu vào mái... dong. Xung quanh nhà, cỏ mọc xanh um, những dây bìm bìm đã leo vào tận chân vách...
       Những con dao, cái cuốc mang từ dưới quê lên bây giờ được phát huy ngay tác dụng. Tất cả phải tập trung cho việc ổn định tạm thời nơi ăn, chốn ngủ đã, rồi sau muốn ra sao thì ra. Thày tôi mở cái vại sành lấy gạo cho bu tôi xuống suối vo để nấu bữa cơm đầu tiên trên quê hương mới. Nhà nào cũng bắc tạm ba hòn đá ở ngoài trời để đun nấu. Chỉ sướng cái sẵn củi đun, ra khỏi nhà vài bước là có đầy thứ để cho vào bếp, không như ở dưới xuôi, anh em tôi phải vác cuốc đi giẫy cỏ gà, đập sạch đất, phơi khô làm đồ đun. Thức ăn thì ai cũng có cá khô, vừng, lạc, mắm, muối mang theo đủ sinh hoạt...
        Đêm hôm ấy, bên ngọn đèn dầu vàng quạch, người ta xúm lại bên nhau trò chuyện đến mãi khuya. Ngoài trời, từng đàn đom đóm chập chờn như ma trơi. Trong rừng, thỉnh thoảng có tiếng con nai tác lúc xa, lúc gần như tiếng rao của chị bán hàng rong. Xung quanh nơi ở mới của mấy chục con người, tiếng dế cứ rít lên từng đợt, từng đợt não nùng, tê tái. Có người đã tỏ ý muốn quay về. Nhưng thày tôi thì bảo: “Đã ra đi, cấm kì giở lại!”...

(Còn nữa)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét