Chủ Nhật, 22 tháng 11, 2020

Đề cương phát biểu với HỘI ĐỒNG HƯƠNG HẢI DƯƠNG

Trong buổi GẶP MẶT KỶ NIỆM 20 NĂM NGÀY THÀNH LẬP HỘI ĐỒNG HƯƠNG HẢI DƯƠNG TỈNH LÀO CAI, tổ chức sáng 22/11 tại Nhà hàng Đức Huy, phường Bắc Cường

1.Trước 1887, khi Pháp lập hệ thống chính quyền dân sự 6 cấp thì đất Hải Phòng nay nằm trong các Phủ: Ninh Giang (huyện Vĩnh Bảo), Nam Sách (huyện Tiên Minh), Kinh Môn (huyện Thuỷ Đường) và Kiến Thuỵ (Nghi Dương, Kim Thành, An Dương, An Lão) của tỉnh Hải Dương, tỉnh mang tên “ánh sáng rọi từ phía biển”. Tức xứ Đông, trấn, lộ Hải Đông, một trong “Thăng Long tứ trấn” xưa.

Sau này, khi thành lập tf Hải Phòng (1888), tỉnh Hải Phòng (1898), tỉnh Kiến An (1902) rồi hợp nhất thành tf Hải Phòng vào 1962 thì giữa Hải Phòng và Hải Dương vẫn gắn bó khăng khít, xứng đáng là trung tâm kinh tế-văn hóa, là phên dậu  phía Đông kinh đô nước Việt.

2.Trong thực tế xã hội, sau một thời sống, quần cư tại quê hương bản quán, cá nhân, gia đình hay một nhóm người ra đi để tìm chỗ ở tốt hơn, phù hợp hơn nơi ở cũ. Di cư của người có thể là đi tìm kế sinh nhai; do tránh chiến tranh, thiên tai hoặc bởi lý do chính trị. Tùy hoàn cảnh mà có thể di cư nội vùng, đến vùng khác, thậm chí sang quốc gia khác; có tổ chức hay tự phát.

Chúng ta, những người gốc xứ Đông có mặt tại Lào Cai là trong bối cảnh đó. Thời cận đại, những người vốn là phu đồn điền, dân phu làm đường sắt Hà Nội-Lào Cai-Côn Minh, mở mang các tuyến đường bộ...dần hình thành những xóm, làng như: Giang Đông, Ba Chùa, Phố Tèo. Đặc biệt những năm 1960, nghe theo tiếng gọi củ Đảng, của Bác, người dân xứ Đông đã nhừng lại ruộng vườn, chia tay nơi chôn rau cắt rối lên khai hoang vùng biên viễn phía Tây Bắc.

3.Những người con dù sinh ra ở xứ Đông hay bố mẹ rời quê lên Lào Cai mới sinh nhưng đều vẫn nhận là “người xứ Đông”, luôn nhớ về quê hương, nhận ra nhau qua giọng nói, tác phong mối khi gặp mặt, dù chưa quen biết trước. Chính vì thế mà bà con tự tập hợp nhau lại báo cáo cấp có thẩm quyền và được cho phép thành lập “Hội Đồng hương”. Những năm trước hoạt động lẻ tẻ, không thống nhất, không có mối liên hệ chặt chẽ. Những năm gần đây, các “Hội đồng hương" đã được thành lập ở cấp tỉnh và từ đó hoạt động “Đồng hương” đã lớn mạnh cả chiều sâu và chiều rộng.

Lời khai mạc và Báo cáo của lãnh đạo Ban Liên lạc Hội đã thể hiện điều đó, xin ghi nhận và học tập, nhất là việc tổ chức buổi gặp mặt ngày hôm nay.

4.Riêng Hội Đồng hương Hải Phòng tỉnh Lào Cai, đến nay đã 3 kỳ Đại hội: 24/6/2007, 03/3/2013 và 07/10/2018. Đến nay Hội có 25 Hội cơ sở với tổng số 107 Chi hội, 2.320 Hội viên hoạt động tương đối toàn diên, trong đó chú trọng việc thực sự là càu nối giữa bà con với 2 quê. Trong năm 2020 chúng tôi đã nhận được 300 số báo Tết của quê hương và đã phân bổ tới tận các Chi hội khắp Lào Cai. HĐH Hải Phòng tại Lào Cai đã tham gia Tết trồng cây tại quê hương Đất Cảng, đã tiếp nhận 42 tấn gạo của quê hương hỗ trợ đồng bào gốc Hải Phòng bị ảnh hưởng bởi cơn lốc, mưa đá hồi tháng 4, 5. Đã sử dụng có hiệu quả Quỹ Khuyến học Nguyễn Bỉnh Khiêm.

Sang năm 2021, chúng tôi sẽ tổ chức Lễ kỷ niệm 60 năm nhân dân Hải Phòng lên Lào Cai xây dựng kinh tế - văn hóa - quốc phòng tại Lào Cai.

Mọi việc đã và đang được khởi động. Rất mong được sự chung lòng, chia vui của Hội Đồng hương và bà con gốc Hải Dương trên đất Lào Cai.

Trước khi dừng lời, xin có mấy vần nôm na:

Anh già, tôi tuổi đã cao,

Về đây gặp gỡ, gửi trao tâm tình.

Sân chơi chung của chúng mình,

Trọn tình biên ải, vẹn tình Đồng hương.

Thứ Hai, 19 tháng 10, 2020

Nghĩ về HỎA TÁNG VÀ CÁI NÓNG

Khi mẫu thân ngày một cao tuổi, dù muốn hay không anh em tôi vẫn phải nghĩ đến việc lo “hậu sự” cho bà. Cũng vì thế mà tôi hay được hầu chuyện các cụ cao niên trong xóm, ở quê với nỗi lo: khi chết con cháu nó đưa đi “thui”.

Một số lão nông già, ít chữ, ít giao tiếp với xã hội gọi “hỏa táng” là “thui” và cho rằng như vậy mình sẽ bị “nóng”, người thân,  con cháu còn lại thì “thương người thân” chả dám “đốt”! Điều này do người nọ rỉ tai người kia và “chưa ai chết được hỏa táng rồi lại trở về” mà tả được cảm giác đó nên chả ngã ngũ gì. Nhưng chả lẽ không có lời giải về khoa học cũng như tâm linh?

1.            TỨ TÁNG:

Trước khi tìm hiểu về vấn đề này, thiết nghĩ cũng nên ôn lại một số khái niệm liên quan. Những khái niệm này bản thân đã tìm hiểu, có chép lại, lý giải thêm và từng đưa lên trang nhà. Nay không cần nhắc lại.

Ở đây chỉ nhấn thêm vài điểm: Táng là thực hiện việc lưu giữ thi hài hoặc hài cốt, tro cốt của người chết; Phần mộ cá nhân là nơi táng thi hài, hài cốt của người chết; Mai táng là thực hiện việc lưu giữ thi hài hoặc hài cốt, tro cốt của người chết ở một địa điểm dưới mặt đất; Chôn cất một lần là hình thức mai táng thi hài vĩnh viễn; Hung táng là hình thức mai táng thi hài trong một khoảng thời gian nhất định sau đó sẽ được cải táng; Cải táng là việc chuyển xương cốt từ mộ hung táng sang hình thức táng khác; Nghĩa trang là nơi táng người chết tập trung theo các hình thức táng khác nhau và được quản lý, xây dựng theo quy hoạch.

Mặt khác, việc xử lý thi xác sau chết thường được tiến hành dưới 4 hình thức gọi là Tứ táng  (H: 四喪 , A: The four manners of treatment with the dead body, P: Les quatre manières de traiter un cadavre), gồm: 

-  Thổ táng 土喪: chôn xác người chết xuống đất, thường thấy ở Việt Nam, Trung Hoa và một số vùng bởi niềm tin: “Chúng sanh tất tử, tử tất quy thổ, thử chi vị quỷ. Cốt nhục tễ vu hạ, âm vi dã thổ, kỳ khí phát dương vu thượng vi chiêu minh” (眾生必死,死必歸土,此之謂鬼. 骨肉斃於下,陰為野土;其氣發揚於上,為昭明), nghĩa là: con người ai cũng phải chết, chết tất trở về đất, xương thịt xuống thấp tan biến vào trong đất, còn khí dương bay lên cao trong sáng rực rỡ. Hình thức này vốn phổ biến ở ta và ngày một chiếm nhiều đất hơn.

- Hỏa táng 火喪: (hay được gọi không trọn nghĩa là hỏa thiêu hay thiêu) là hình thức an táng người chết bằng cách đem xác người chết thiêu ở nhiệt độ cao cho cháy sạch phần hữu cơ rồi thu lấy tro hay các xương bỏ vào hũ nhỏ đặt lên bàn thờ hay cho vào tiểu sành chôn xuống đất như Cát táng. Tục lệ nầy thường thấy ở Ấn Độ và ở những nước có đông đảo tín đồ Phật giáo.

- Thủy táng 水喪: đem xác người chết bỏ giữa biển khơi, để  cho các loài cá ăn thịt, nên cũng gọi cách nầy là Ngư táng (chôn vào bụng cá). Tục lệ nầy thường thấy ở lực lượng Hải quân và những bộ lạc sống trên các hòn đảo nhỏ giữa Thái Bình Dương.

- Điểu táng 鳥喪: Xác người chết được chặt thành nhiều mảnh nhỏ, đem đặt xác trên đỉnh núi, treo trên ngọn cây để các loài chim như: kn kn, quạ,... ăn thịt. Tục lệ nầy ở xứ Tây Tạng, vì xứ nầy toàn là núi đá, lại bị tuyết phủ quanh năm nên ít có cây cối để làm củi đốt. Hơn nữa Phật giáo tại đây cho rằng sau khi chết, xác người chỉ là một cái vỏ rỗng không, có thể cho thú vật làm thức ăn.

- Ngoài ra, một số nơi có tục lệ đem xác người chết bỏ vào rừng sâu để cho các loài thú dữ đến ăn thịt gọi là lâm táng 林喪. Ở một số nền văn hóa khác, người ta lại cố gắng làm chậm quá trình phân hủy của xác trước tang lễ (thậm chí có thể làm chậm quá trình phân hủy sau khi chôn cất), ướp xác hoặc tạo các mô mi. Một cách mai táng mới là “mai táng sinh thái”. Nó bao gồm sự làm đông xác ở nhiệt độ rất thấp, sau đó tán thành bột bằng cơ chế rung, làm khô ở nhiệt độ lạnh, loại bỏ kim loại, sau cùng là thiêu hủy thành phần bột còn lại, chỉ chiếm khoảng 30% khối lượng cơ thể. Gần đây còn có ý tưởng về “vũ trụ táng”: dùng tên lửa đưa một phần tro cốt vào không gian.

Bên cạnh đó, nhiều người đã hiến toàn bộ hoặc một phần xác cho khoa học (nổi tiếng nhất là Einstein) để phục vụ nghiên cứu và giảng dạy môn giải phẫu. Tại Việt Nam, từ năm 1996, phong trào hiến xác cho khoa học đã bắt đầu phát triển với sự phát động của Giáo sư Nguyễn Quang Quyền ở trường Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh.

2.            TÌM HIỂU VỀ HỎA TÁNG

Đối với những người đương đại trên đất Việt thì hỏa táng là “mới” nhưng thực ra, lịch sử ghi nhận rằng  trên thế giới và ngay cả ở Đại Việt thì việc này có từ lâu đời rồi.

Đối với dân tộc Việt (người Kinh) thì việc hỏa táng xuất hiện sớm nhất khoảng đầu Công nguyên, cùng niên đại với việc du nhập của đạo Phật. Những năm 1960 khi chúng tôi từ Hải Phòng lên Lào Cai vẫn thấy những khu rừng mà dấu vết cây cháy còn rõ, dân bản địa nói đó là nơi thiêu một ai đó. Ngay xóm tôi ở từ 2/1964 thì đầu xóm là “rừng hủi”, tức cánh rừng “già” nhất khu, là nơi từng “đốt” xác một người trong vùng; cuối xóm là “lọ lu” là ngôi mộ che bán mái được lợp bằng thân cây nứa chẻ đôi  mà người Dao bản địa nói trong đó chứa tro cốt.

Hiện nay, theo một số tài liệu thì tàn dư của tục hỏa táng (bằng củi) có thể tìm thấy trong dân tộc Thái ở vùng Thanh Hóa, Nghệ An và Lai Châu và tục hỏa táng còn khá thịnh hành ở người Thái đen.

Do hỏa thiêu thực hiện bằng cách “đốt” thi xác ở nhiệt độ cao nên theo sự tiến bộ của công nghệ mà việc hỏa táng từ nhiệt được cung cấp bằng củi, tiến lên bằng điện, rồi gas tự nhiên, dầu, khí propane,…

Ngày nay, việc hỏa thiêu được tiến hành ban đầu tại Cơ sở hỏa táng. Đó là cơ sở vật chất bao gồm lò hỏa táng và các công trình phụ trợ khác (khu văn phòng, khu kỹ thuật, khu lưu trữ tro cốt, nhà tang lễ, các công trình hạ tầng kỹ thuật). Trong đó, bộ phận cốt lõi ban đầu là Lò hỏa táng, nơi tiến hành trực tiếp việc thiêu xác.

Ở Việt Nam hiện nay, các lò hỏa táng (buồng đốt) đều được nhập từ nước ngoài, với công nghệ cao, tự động, vận hành nhanh chóng và chính xác.

Trong quá trình thiêu, nhiệt độ trong lò có thể lên tới hơn 1.000 độ C và sức nóng này đủ để thiêu hết toàn bộ phần hữu cơ của thi xác và vật dụng đi kèm. Mức nhiệt độ này được đặt và khởi động từ trước và việc đưa xác người đã chết vào cần nhanh chóng để tránh bị mất nhiệt. Tùy theo yêu cầu sau hỏa thiêu, gia đình muốn nhận lại Tro – Cốt mảnh xương hay Cốt nguyên xương mà người ta đặt quy trình và mức nhiệt thiêu khác nhau. Thực ra, tro cốt người quá cố không bao giờ “còn nguyên xương” bởi nhiệt cao mà còn lại ít tùy thuộc vào cơ địa của người mất. Nên chớ mắc “cò mồi” mà bị lừa!

Đúng ra, Hoả táng không cần đến quan tài như cách chôn truyền thống ở ta. Nhưng để đảm bảo tính nghiêm trang của tang ma, tôn trọng đối với người đã mất cũng như đảm bảo vệ sinh với người sống nên người chết vẫn được Khâm liệm, Nhập quan bình thường. Tất nhiên phải là quan tài bằng gỗ dễ cháy, chả cần gỗ tốt, quý, như Dổi, Vàng tâm, Pơ mu,…Chiếc quan tài đó sẽ được đốt cháy trước tiên trong quá trình hoả thiêu.

Chú ý rằng Hoả táng là thiêu cháy hết toàn bộ thi xác nên trước khi thực hiện nó thì phải được kết luận rõ nguyên nhân gây tử vong và về mặt pháp lý phải có Giấy Khai tử của cấp có thẩm quyền (UBND cấp  ). Đồng thời, các thiết bị cơ khí y khoa như van tim, máy hỗ trợ nhịp tim, tai nghe điện tử,… hay đồ trang sức như nhẫn, vòng, khuyên tai,… và các loại tương tự khác phải loại bỏ trước khi thiêu vì chúng có thể phát nổ do gặp nhiệt độ cao, gây hỏng hóc các thiết bị hỏa táng và gây nguy hiểm cho các kỹ thuật viên.

Hiện nay, ở Hoa kỳ, người ta còn hỏa táng không dùng lửa gọi là “hỏa táng xanh”. Khi đó, người ta dùng nước, kali hydroxit và nhiệt độ làm phân rã thi thể người quá cố bên trong một buồng thép kín. Việc này không chỉ thân thiện với môi trường mà còn cần ít thời gian hơn.

Quy trình hỏa thiêu: quan tài có chứa thi xác đưa vào buồng đốt thì quan tài đó sẽ bị thiêu hoàn tòan trước. Sau đó, da và tóc bị cháy, các cơ bắp teo lại và cháy thành than, các mô mềm bốc hơi, xương nhanh chóng bị vôi hóa. Các khí giải phóng ra trong quá trình này được thải ra ngoài qua một hệ thống ống xả nên bên ngoài không thấy mùi gì, có chăng sẽ chỉ có thấy mùi gas đốt.

Nếu gia đình hiếu chủ cần nhận lại tro (những hạt mịn) thì có khi sẽ hỏa táng hai lần hoặc các kỹ thuật viên dùng một cây gậy dài để làm vụn hay các mảnh xương được tán thành bột bằng máy chuyên dụng. Khi thi xác chỉ còn lại tro các kỹ thuật viên sẽ thu hết lại cho vào một khay và để nguội.

Tất nhiên một lượng nhỏ xương có thể vẫn còn trong buồng đốt và bị trộn lẫn với các vụn của các xác thiêu sau này. Hoặc trong số tro cốt đó có thể lẫn cả vật vô cơ chưa hóa lỏng như đinh vít, bản lề,… của quan tài, răng giả, răng vàng, vít phẫu thuật, nẹp xương, chân tay giả, đồ trang sức…của người quá cố hoặc đồ tùy táng không cháy được như: kim loại, sành sứ,…. Tất cả nhừng “dị vật” đó sẽ được loại bỏ ra khỏi tro xác nhờ nam châm hoặc tìm nhặt của kỹ thuật viên.

Tro, mảnh xương hay xương sẽ được kỹ thuật viên xếp, đặt cẩn trọng vào lọ, tiểu giống như khi bốc mộ,…bọc gói cẩn thận rồi giao cho gia đình.

3.            HẬU HỎA THIÊU:

Tro cốt sau hỏa thiêu sẽ được thu gom đựng trong lọ hay đặt trong tiểu. Lọ hay tiểu sành này có thể được lưu trong kho Đài hỏa táng hoặc trao cho gia đình hiếu chủ về mai táng, hay đặt tại Chùa, Nhà thờ, hoặc thờ tại gia trang.

Chú ý nếu hạ thổ mà khi thiêu lấy xương đựng trong tiểu thì mai táng như thông thường còn nếu lấy tro đựng trong lọ thì phải đặt đứng lọ tro cốt trong tiểu chứ không đặt nằm ngang. Những việc làm này sẽ giúp cho phần tro cốt được yên lành, con cháu mới không gặp những điều ngang trái, tai họa.

Nhớ lại, cổ nhân cho rằng: phần tro cốt còn lại chỉ là biểu tượng của người qua đời, là người thân mà ta thương yêu còn chính “người” đó đã chết, phải về với cõi âm nên không nên đem tro cốt về nhà thờ cúng. Bởi khi đó ngôi nhà thêm nặng âm khí, thiếu dương khí, chưa nói đến việc lọ đựng tro cốt có thoát khí ra ngoài khiến người trong nhà rất dễ bị nhiễm bệnh.

Với gia đình Phật tử, gửi tro cốt người thân lên chùa, sẽ siêng đến chùa, sẽ có cơ hội gần Phật pháp, có cơ hội phát tâm tu tập, làm lành lánh dữ. Mặt khác khi tro cốt người thân đặt trên chùa sẽ thường xuyên được hưởng hương khói, tụng kinh nên sẽ lành hợn.

4.           TÂM LINH TRONG VIỆC HỎA TÁNG:

Theo quan điểm của cổ nhân thì con người có hai phần hợp thành Thể phách (H: 體魄, A: The body and spirit, P: Le corps et l'esprit) tức là thể xác và tinh thần hay phần “thân” và phần “tâm”. Thân (H: 身體, A: body, P: corps) là kết hợp của tứ đại (Thổ, Thủy, Phong, Hỏa), khi con người chết thì đất, nước, gió, lửa đều tan ra trở về với cát bụi còn Tâm, tức Linh hồn (H: 靈魂 , A: The soul, P: L'âme) là cái phần vô hình của con người, nó rời bỏ thể xác khi con người đã chết thì theo nghiệp lực thọ sinh và thành vong linh (H: 亡靈, A: Soul of dead person, P: L'âme du mort), cái còn lại người trần nhìn thấy chỉ là thi xác hay thi thể (H: 屍體, A: Dead body, P: Cadavre).

Ngay các tôn giáo cũng có nhận thức tương tự: Thiên Chúa giáo cho rằng “thân xác là cát bụi phải trở về cát bụi”, Phật giáo quan niệm “thân xác là nhân duyên, thần thức mượn xác nhập vào làm con người”.

Do vậy, khi con người “chết” đi, phần hồn, thần thức đã rời khỏi phần xác, đã được giải thoát nên việc “hỏa thiêu” là chỉ đốt cái xác, khác hoàn toàn hình thức “tra tấn” dưới địa phủ; linh hồn người đã khuất không bị đốt cháy nên họ không phải phải chịu sự đau đớn.

Thực tế đã minh chứng rằng: có những vấn đề không có nhưng khi tự ám ảnh thái quá thì sẽ trở thành sự thật nên cứ nghĩ “thiêu là nóng” thì sẽ lây lan ra nhiều người là “nóng” thật! Và trớ trêu thay, những “phán” này hay “nhập” vào những người “yêu bóng vía”, lâu dần thành ám thị, nguy hiểm!

Như vậy, cái mà người ta gọi là  “sức nóng” chỉ là ẩn dụ, là sự “mặc cảm” của người  sắp mất, vừa mất và thân nhân “yếu vía”. Do đó, dù là thiêu (hỏa táng) hay chôn (địa táng) thì thân xác của người chết cũng đã mất đi mọi cảm giác, không còn biết nóng lạnh, đau đớn là gì. Tất cả chỉ là do người sống nghĩ ra !.

Hơn nữa, khi chết nếu xác đã thiêu thì người chết không thể mượn xác thân của mình để hiện ra nữa nên chẳng còn “ma”, hoặc không còn lưu luyến nhân gian, quyến luyến cái thân xác cũ nên sớm đầu thai sang một kiếp khác!

Cũng vì vậy vong linh của người đã mất đều không bị ảnh hưởng đến việc siêu thoát, tái sinh và việc để lại phúc đức cho con cháu.

Mặt khác, như nhiều lần đã nghiên cứu đều khẳng định: cát táng không phải tục nguyên gốc của người Việt và tục này chỉ thịnh hành ở Bắc bộ. Đồng thời nó luôn đè nặng con cháu một nỗi no: thịt đã tiêu hết chưa, hay xương thịt, thậm chí cả ván đã bị mối xong rồi,…Lại rất mất vệ sinh! Trong khi hỏa táng hay “đào sâu chôn chặt một lần” tránh được tâm lý đó!

5.           VĨ THANH:

Hiện nay, dương gian thì đất chật người đông, âm phần thì mồ mả chen chúc, …là thực tế nhãn tiền. Đặc biệt nghĩa địa tự phát, không có quy hoạch làm ảnh hưởng xấu đến cảnh quan kiến trúc, lãng phí tài nguyên đất, không đảm bảo vệ sinh môi trường. Những vùng, gia đình còn “nệ cổ” thì việc cải táng luôn ám ảnh tâm lý, gây mất vệ sinh,…không phù hợp với cuộc sống văn minh, hiện đại…

Như trên đã phân tích thì việc “hỏa thiêu” chỉ là thiêu cái “xác” không hồn và khi đó linh hồn người chết đã thoát ra, bay đi nên không tháy có cảm giác “nóng”. Việc con cháu chôn hay thiêu xác đều có ý nghĩa như nhau; tro, xương hay thi xác được địa táng hay hỏa táng cũng đều trả thân xác người quá cố về cho đất, nước, lửa, gió. Hiện nay, theo xu hướng chung và để hạn chế lo lắng khi chuẩn bị cát táng, để bảo vệ môi trường,… thì đúng thiêu sẽ có ý nghĩa hơn. Đồng thời di cốt là tro hay xương cũng không đưa về nhà ở (kể cả Từ đường) thờ phụng mà cần thổ táng hết hay đưa lên Chùa hoặc Nhà thờ lưu gửi.

Chúng ta ai nấy đều tôn trọng, kính quý và thương nhớ tiền nhân. Sau khi bố mẹ, ông bà,…qua đời, thực hiện nghi thức nào, ra sao là tùy gia cảnh, lệ tục dòng tọc, địa phương,… nhưng cốt yếu ở chính cái tâm của mình. Nếu làm tốt, thuận cả nhiều đường, nhiều người đều là cách chia sẻ, giúp đỡ tốt cho những cuộc ra đi của người mất và để cuộc đời người còn sống được ấm lòng, hanh thông mọi nhẽ.

Quyết định ra sao, nhất là ở những gia đình đông anh em, ở nơi “chín người mười làng” không phải quyền của một người! “Bụng toàn gia cứ vững là yên”.

-Lương Đức Mến, ngày mưa dịp 20/10/2020-

Thứ Sáu, 16 tháng 10, 2020

Chúc mừng THÀNH CÔNG CỦA ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG

THƯ CHÚC MỪNG 

Kính gửi: Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hải Phòng khóa XVI, nhiệm kỳ 2020 – 2025.

-*-

Quang cảnh chung Đại hội (ảnh khai thác trên mạng)

Bà con đồng hương Hải Phòng tỉnh Lào Cai xin được gửi lời chúc mừng nồng nhiệt nhất đến Đại hội Đại biểu Đảng bộ thành phố khóa XVI, nhiệm kỳ 2020 – 2025 sau 3 ngày (13 - 15/10/2020) làm việc tại Cung Văn hoá  Lao động Hữu nghị Việt - Tiệp vừa kết thúc thành công tốt đẹp!

Chúng tôi rất vui mừng, đồng thuận cao với Phương châm “Đoàn kết - Trí tuệ - Bản lĩnh - Phát triển” và chủ đề “Đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo của toàn Đảng bộ; phát huy truyền thống “Trung dũng - Quyết thắng”, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; phát triển bứt phá; cơ bản hoàn thành sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hoá vào năm 2025, trở thành thành phố công nghiệp hiện đại, văn minh, bền vững vào năm 2030; khẳng định vai trò động lực phát triển của đất nước” của Đại hội.

Hải Phòng đón nhận HC HCM (ảnh khai thác trên mạng)

Từ nơi biên viễn xa quê, chúng tôi càng vui hơn khi biết tin: tại phiên khai mạc Đại hội đã diễn ra Lễ Đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh lần thứ Hai, phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước tặng thưởng cho Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân thành phố Hải Phòng đã có công lao to lớn, có nhiều thành tích xuất sắc, góp phần vào sự nghiệp cách mạng của Đảng và của dân tộc.

Tuy xa cách nhưng bà con gốc Hải Phòng tại Lào Cai luôn quan tâm bám sát từng sự kiện tại quê hương nên rất vui lòng khi hay tin Đại hội đã hoàn thành chương trình đề ra; bầu 53 đồng chí vào Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố khóa XVI và Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố tại phiên họp thứ Nhất đã bầu Ban Thường vụ Thành uỷ  gồm 15 đồng chí, UBKT Thành ủy gồm 09 đồng chí.

BCH Đảng bộ nhiệm kỳ 2020-2025 (ảnh khai thác trên mạng)

Hội Đồng hương Hải Phòng tỉnh Lào Cai nhiệt liệt chúc mừng sự thành của Đại hội, chúc mừng các đ/c vừa trúng cử vào BCH Đảng bộ, BTV Thành ủy Thành ủy khóa mới!

Xin chúc mừng đ/c Lê Văn Thành, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy khóa XV, Chủ tịch HĐND thành phố tiếp tục giữ chức vụ Bí thư Thành uỷ khoá XVI, nhiệm kỳ 2020-2025!

Xin chúc mừng Đồng chí Nguyễn Văn Tùng, Phó Bí thư Thành ủy khóa XV, Chủ tịch UBND thành phố tiếp tục được bầu làm Phó Bí thư Thành ủy  khóa XVI! 

Đ/c Lê Văn Thành Bế mạc Đại hội (ảnh khai thác trên mạng)

Xin chúc mừng Đồng chí Đỗ Mạnh Hiến, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ nhiệm UBKT Thành ủy khóa XV được bầu làm Phó Bí thư Thành ủy  khóa XVI!.

Chúc các đồng chí đồng tâm hiệp lực tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thành phố Cảng quê hương đạt được những đỉnh cao mới. Xây dựng Hải Phòng “cơ bản hoàn thành sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hoá vào năm 2025, trở thành thành phố công nghiệp hiện đại, văn minh, bền vững vào năm 2030; khẳng định vai trò động lực phát triển của đất nước”,  là một trong những trung tâm phát triển năng động, là điểm sáng toàn diện của khu vực và cả nước.

Những người con Hải Phòng xa quê luôn dõi theo và hướng về quê hương, vui với niềm vui của quê nhà, một lần nữa chúc mừng kết quả thành công rực rỡ của Đại hội !. Kính chúc các đồng chí nhiều sức khỏe và thành công !.

Chúng tôi tin tưởng rằng, dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố khóa mới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc thành phố Hải Phòng sẽ thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra; góp phần thiết thực vào sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ quê hương, đất nước; tiếp tục xây dựng mối quan hệ đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai Hải Phòng và Lào Cai trong xây dựng Hành lang kinh tế Côn Minh - Hà Nội - Hải Phòng nói chung cũng như sự đóng góp của người Hải Phòng trên đất Lào Cai nói riêng vào công cuộc chung ngày càng vững chắc và hiệu quả hơn.

Sang năm 2021, bà con người Hải Phòng tại Lào Cai sẽ tiến hành nhiều hoạt động, tiến tới “Kỷ niệm 60 năm nhân dân Hải Phòng lên Lào Cai xây dựng kinh tế - văn hóa - quốc phòng tại Lào Cai, 1961-2021” nên Hội đồng hương và bà con gốc Hải Phòng làm ăn sinh sống tại Lào Cai rất mong muốn được đón tiếp các vị lãnh đạo thành phố tại đất Lào Cai và tổ chức đoàn đại biểu về thăm quê hương để cô bác có dịp trực tiếp chung vui với những thành tựu của quê hương, cũng như được đón nhận những tình cảm và phần thưởng nghĩa tình mà lãnh đạo thành phố Cảng ghi nhận và tặng thưởng cho những người con xa quê đã góp phần làm rạng danh 2 quê!.

Hội Đồng hương Hải Phòng tỉnh Lào Cai nguyện cùng nhân dân, Đảng bộ thành phố quyết tâm xây dựng Hải Phòng trở thành “thành phố gương mẫu của nước ta” như lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu./.

BCH HĐH HẢI PHÒNG TỈNH LÀO CAI

Thứ Tư, 20 tháng 5, 2020

THƠM BÙI HẠT GAO QUÊ HƯƠNG

1. Quá trình triển khai:
Được tin đồng bào Lào Cai (trong đó có nhiều bà con gốc Hải Phòng) vừa bị thiệt hại bởi con dông lốc và mưa đá, lãnh đạo và nhân dân Hải Phòng, đặc biệt là nhân dân các địa phương thuộc tỉnh Kiến An cũ  rất thông cảm và có nguyện vọng được chia sẻ.

Với tư cách là cầu nối bà con với quê hương, được sự ủy quyền, chấp thuận của lãnh đạo huyện Vĩnh Bảo, Kiến Thụy, Tiên Lãng và An Lão, sự ủng hộ, nhất trí của lãnh đạo huyện, thành phố thuộc tỉnh Lào Cai, Thường trực Hội Đồng hương Hải Phòng tỉnh Lào Cai đã lập các Kế hoạch Số: 07/KH-TNQ ngày 27  tháng 4, Số: 09/KH-TNQ ngày 06 tháng 5, Số: 11/KH-TNQ ngày 08 tháng 5 năm 2020 về việc Đón đoàn và Tiếp nhận Quà của 4 huyện hỗ trợ Hội viên HĐHHP tỉnh Lào Cai có khó khăn.
Các bản Kế hoạch này đều được đồng gửi lãnh đạo Ban Dân vận tỉnh Lào Cai (thay báo cáo); lãnh đạo huyện Bảo Thắng, Bắc Hà, Mường Khương, Bát Xát, thành phố Lào Cai (tỉnh Lào Cai) để đề nghị phối hợp giúp đỡ; lãnh đạo huyện Vĩnh Bảo, Kiến Thụy, Tiên Lãng và An Lão (tf Hải Phòng) để phối hợp thực hiện.
Khi 4 Đoàn lên đến địa phận Lào Cai đều được Thường trực Hội đón và đưa đến thăm xã giao lãnh đạo các huyện thành phố nơi có đông bà con người Hải Phòng mà Đoàn sẽ đến thăm, tặng quà.
Các đ/c trong Đoàn đã được lãnh đạo Ban Dân vận tỉnh ủy, lãnh đạo huyện Bảo Thắng, thành phố Lào Cai đón tiếp, mời cơm. Trong các buổi làm việc, lãnh đạo 2 bên đã thông báo tình hình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và an ninh quốc phòng mỗi địa phương, đặc biệt là quá trình tiến hành Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 tiến tới Đại đội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Hai bên cũng đã ghi nhận sự cố gắng, đóng góp của bà con gốc Hải Phòng trê đất Lào Cai đối với 2 quê.
Thường trực Hội Đồng hương Hải Phòng tỉnh Lào Cai đã trao đổi với Ban Chấp hành các Hội cơ sở (nơi chưa trực thuộc Hội tỉnh thì trao đổi với đầu mối) về nội dung, hình thức đón, tiếp nhận và cùng đi với Đoàn tới cơ sở.
Cùng tham gia đi với đoàn đến thăm tặng quà bà con có đại diện lãnh đạo huyện, thành phố, xã, thị trấn, phường sở tại.
2.Kết quả cụ thể 4 đợt như sau:
STT
HỘI CƠ SỞ
QUÀ CỦA
NGÀY NHẬN
SỐ LƯỢNG
SỐ HỘ
GẶP MẶT VÀ GIAO TẠI
1
Xuân Giao
Huyện Vĩnh Bảo
(10 tấn)
29/4
2.000
87
NVH Tân Lợi
2
Sơn Hải
2.000
104
NVH An Tiến
3
Trì Quang
2.000
60
Ngã ba
4
Phong Niên
1.000
40
Trụ sở xã
5
Phong Hải
3.000
300
Thiếu 10
Hội CS đã bù
6
Gia Phú
Huyện Kiến Thụy
(10 tấn)
09/5
3.000
174
Trụ sở UBND xã
7
Cốc San
1.400
70
8
Quang Kim
1.200
60
9
Bản Phiệt
750
37
10
Bản Cầm
1.950
95
11
Bản Lầu
900
45
12
Lùng Vai
800
38
Thiếu 10
Hội tỉnh bù
13
Phú Nhuận
Huyện Tiên Lãng
(10 tấn)
09/5
1.500
134
Trụ sở UBND xã
14
Sơn Hà
2.000
152
15
Xuân Quang
10/5
1.300
98
16
Bảo Nhai
3.500
266
17
Vùng Bắc Hà
1.700
141
Trụ sở UBND TT
18
Khu vực Phố Lu
Huyện An Lão
(12 tấn)
17/5
4.080
408
NVH Phú Thạnh
19
KV phía Nam tf
18/5
1.550
98
NVH Bắc Cường
20
KV phía Bắc tf
2.550
148
21
KV Tả ngạn  tf
1.820
116
22
KV Bảo Yên
20/5
1.000
41
Hội tỉnh giao tại TT Phố Ràng
23
KV Văn Bàn

500
25
Tự giao
24
Bắc Phong Hải
20/5
500
25
HCS tự giao

CỘNG
42 tấn

42.000kg
2.762 hộ


3. Ý nghĩa: Việc làm nghĩa tình này diễn ra trong không khí kỷ niệm 45 năm giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975  - 30/4/2020), kỷ niệm 65 năm ngày Giải phóng Hải Phòng (13/5/1955-13/5/2020), kỷ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2020).
Càng ý nghĩa hơn khi 2 quê đang nỗ lực phấn đấu vừa thực hiện tốt công cuộc dựng xây, bảo vệ quê hương vừa làm tốt công tác phòng, chống dịch Covid-19, phòng chống thiên tai vừa đảm bảo chính sách an sinh xã hội. Lại là dịp các địa phương đang tiến hành Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 tiến tới Đại hội đại biểu Đảng toàn quốc lần thứ XIII nên lãnh đạo cấp huyện rất bận.
Đồng thời cũng thể hiện rõ rằng đất Cảng luôn nhớ tới bà con xa quê, dõi theo cuộc sống của bà con; đó còn là sự thể hiện đạo lý tinh thần “lá lành đùm lá rách”, “lá rách ít đùm lá rách nhiều”,  thêm ấm áp tình quê hương.
Đây cũng là tiền đề, đặt những viên gạch làm nền móng cho quá trình chuẩn bị mọi điều kiện để tổ chức tốt Lễ kỷ niệm 60 năm nhân dân Hải Phòng lên Lào Cai xây dựng kinh tế - văn hóa – an ninh, quốc phòng tại Lào Cai  vào năm 2021 (1961- 2021).
4. Một số vấn đề rút kinh nghiệm:
- Việc lãnh đạo quê hương thăm bà con khai hoang là công tác còn việc hỗ trợ gạo được xác định là hoạt động Thiện nguyện nên mọi chi phí đều được "xã hội hóa" tối đa và thực hiện vào ngày nghỉ: thứ Bẩy, Chủ Nhật.
-Thường trực Hội Đồng hương Hải Phòng tỉnh Lào Cai:
+ Không có văn bản kêu khổ, xin hỗ trợ gửi quê hương nhưng đã biết tận dụng cơ hội, mối quan hệ cá nhân để thông tin để dưới quê biết tình hình cụ thể, quan tâm đến bà con xa quê có khó khăn;
+ Khi có tín hiệu về tấm lòng của lãnh đạo và bà con quê hương đã trao đổi cụ thể, rõ ràng, cập nhật;
+ Do thiếu thời gian và không có người chuyên trách khảo sát tình hình, địa bàn lại rộng, đi lại khó khăn, lãnh đạo Hội cơ sở nhiều người chưa thành thạo khai thác, sử dụng Zalo,... nên việc phân bổ lúc đầu chưa khoa học, chưa thật bảo đảm tính công bằng;
+ Một số cố gắng nhiều bỏ công sức, thời gian, xăng xe, tiền bạc,...lo việc nhưng có một số ông bà chưa nhiệt tình, ít đi cơ sở.
-Hội cơ sở:
+ Sa Pa, Duyên Hải tự nguyện nhường nơi khác còn khó khăn hơn.
+ Một số Hội cơ sở thực hiện tốt như: Sơn Hà, Sơn Hải, Phong Niên, Phong Hải, Cốc San, Quang Kim, Bản Cầm, Bản Phiệt, Bảo Nhai, Gia Phú, Bắc Cường, Vạn Hòa,…
+ Một số Hội cơ sở nắm bắt thông tin kém, nhận Kế hoạch của Hội tỉnh chậm triển khai, không báo cáo lãnh đạo cơ sở, tiếp đón thiếu hồ hởi, thân tình.
-Năm tới còn nhiều hoạt động lớn do vậy cần sớm đưa những Chi hội của Bảo Thắng, Bảo Yên, Văn Bàn vào "Ngôi nhà Chung" để tiện liên hệ, thực hiện thống nhất.