Thứ Ba, 26 tháng 4, 2016

KÝ ỨC QUÊ

Bản đồ xã Chiến Thắng
Lương Đức Luận (CA huyện Bảo Thắng)

Ký ức này chẳng phải của tôi
Mà cảm nhận qua hình cha, dáng mẹ
Ẩn hiện bức tranh luống thời gian phai cũ
Những gam màu chưa đầy đủ về Quê

Như xa lắm, qua khói sương mờ ảo
Thấp thoáng ngôi làng, ngan ngát mùi Hương[1]
Có rặng Duối bao quanh bờ ao nhỏ
Bóng cánh diều chao liệng phía đồng xa

Nhà Lý trưởng, tường chình, mái rạ
Một nùn rơm giữ lửa, cháy thâu đêm
Năm mẹ con trên chõng tre kẽo kẹt
Mẹ khẽ trở mình, sợ con tỉnh giấc mơ
Tinh mơ, mẹ đã đi chợ Đôi, chợ Thái[2]
Chị cời than, ngắm lửa đón bình minh

Hạt thóc lép trong nùn rơm bừng nở
Chị nhặt nâng niu, ấp ủ để phần em
Có ai gọi, vang triền đê Văn Úc
Chuông nhà Thờ ngân vọng phía làng Văn[3]
Lộc, Cốc[4], thoảng nghe mõ tre như mời giục
Nồm vẫn giăng mù mịt phía ngoài sân

Ký ức chợt dừng
Như bức tranh tô dở
Như muốn lãng quên
Những bão dông,
Những tháng ba, ngày tám
Những giọt mồ hôi, đồng Cao Mật, Kim Côn[5]
Buổi bồn chồn, chị lấy chồng xa
Ngày mẹ ngược xuôi, kiếm tìm em ham chơi bỏ xứ
Rồi chợt thấy chìm trong đuôi mắt
Bóng cánh buồm ngược hướng Quý Cao
Tiếng nhị nỉ non, đêm hội làng rộn rã
Phút ngỡ ngàng nơi phố thị người đông

Ký ức phai, trang sử xanh còn lại
Lúc phá đồn[6], dạy học vụ bình dân
Ký ức phai, những gì còn lại?
Cả một đời chẳng lụy, oán hờn ai
Ký ức của cha, như hương hoa thầm tỏa
Ngấm vào tôi, dần đã hóa hồn quê
Dòng sông quê mãi trôi, trôi lặng
Tiếng chuông chùa vẫn điểm vọng thinh không...




[1] Làng Hương là tên nôm của Hương Lạp, từ 1886 đổi là Phương Lạp, đến 1966 nhânpj với Mông Tràng Hạ thành Phương Hạ. Nay thuộc xã Chiến Thắng, huyện An Lão, thành phố Hải Phòng.
[2] Chợ Đôi thuộc huyện Tiên Lãng, bên kia sông Văn Úc.
Chợ Thái thuộc Mỹ Đức, huyện An Lão
[3] Thôn Văn Khê, xã An Thọ, huyện An Lão.
[4] Cốc Tràng và Tôn Lộc là hai thôn phía hạ lưu của xã Chiến Thắng.
[5] Trước 1945 xã Cao Mật là một trong 7 xã thuộc Tổng Cao Mật (tính từ thượng nguồn Văn Úc xuống là: Kim Côn 今崑, Côn Lĩnh 崑嶺, Mông Tràng Thượng 蒙場上, Hương Lạp 香粒, Mông Tràng Hạ 蒙場下, Cốc Tràng 谷場, Tôn Lộc 尊祿 và Cao Mật 高密). Tháng 6/1946, 7 xã thuộc tổng Cao Mật được nhập thành 2 xã rộng là: Cảnh Hưng (gồm: Mông Tràng Hạ, Phương Lạp, Tôn Lộc và Cốc Tràng) và Kim Lĩnh Thượng (gồm: Kim Côn, Côn Lĩnh, Mông Tràng Thượng). Riêng xã Cao Mật của tổng Cao Mật thì thuộc về xã An Thọ (tổng Đại Phương Lang cũ) và là thôn duy nhất của xã này giáp sông Văn Úc.
[6] Đêm 25/9/1949 đồn Khuể (biên chế 6 lính Pháp, 28 lính ngụy) bị dịêt. Đây là trận để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu trong việc gây nhân mối trong hàng ngũ địch kết hợp thành công với lực lượng tiến công từ ngoài vào. Trận này có công lao đóng góp của bố (người cùng cán bộ xã thảo và đưa thư vào cho nhân mối) và chú thím tôi (khi ấy chèo đò trên sông Úc).
Để ghi nhớ trận binh biến đó và phù hợp với hoàn cảnh mới, Cảnh Hưng và Kim Lĩnh Thượng nhập lại mang tên mới: Chiến Thắng (từ 05/10/1950) giáp với An Thọ, Tân Viên, Mỹ Đức và sông Văn Úc. 

Thứ Bảy, 16 tháng 4, 2016

LỬA XÒE GIÃ BẠN

 Thơ Đỗ Thị Thúy Nga
(1)
Đêm xuân đốt lửa quay xòe
Chia tay giã bạn nhớ về xuân sau
Hồng Hà giải lụa tươi nâu
Gặp nhau con nước hai màu đục trong[1]
Đam mê đọng lại trong lòng
Đêm vui vít chén rượu cần tơ duyên
Ra về.không thể nào quên
Lào Cai thật đẹp cảnh tiên cõi trần
Sa Pa phố núi non ngàn
PhanXi Păng chất ngất ngỡ ngàng người ơi
Dắt nhau dạo gót lưng trời
Như bay cùng với mây ngời sắc xuân
Bắc Hà đẹp nhất chợ phiên
Hoang sơ như thể lạc miền bồng lai
Ai đi mỏi bước dặm dài
Nơi đây mến khách xin mời dừng chân
Thác bay chuốt sợi trắng ngần
Dang đôi cánh mỏng cung đàn rừng xanh
Tấu lên bản nhạc long lanh
Quyện hòa trời đất trong lành vần xoay
San lùng nhấp chén tỉnh say[2]
Níu chân lữ khách những ngày hội xuân
Đường cao tốc nối xa gần
Lào Cai mời bạn một lần ghé thăm
23/2/2016 ĐTN

(2 )
Đêm xuân đốt lửa nhớ về
Chia tay giã bạn múa xòe bên nhau
Sông Hồng nước cuộn đỏ ngầu
Nậm Thi êm ả một màu xanh trong[1]
Đêm vui bên chén men nồng
Cùng nhau đốt ánh lửa hồng sáng lên
Để rồi mãi nhớ không quên
Lào Cai cảnh đẹp thần tiên mơ màng
Sa Pa trời , núi mênh mang
Phan Xi Păng tọa cao ngang lưng trời
Thả thân vào cỏi chơi vơi
Xem mây , ngắm múi thả phơi dưới trần
Bắc Hà vào những ngày xuân
Đào mơ trắng nở , rượu cần hương mai
Miền sơn cước bức sơn mài
Non xanh núi biếc suối dài nên thơ
Thác reo bọt trắng , trắng nhờ
Sương sa cánh mỏng phủ mờ hồ xanh
Tấu lên bản nhạc hòa thành
Vườn thơm hoa trái , lá cành lộc cây
San Lùng môi nhấp ngât ngây[2]
Xin mời lữ khách đến đây một lần
Mặc cho khoảng cách xa gần
Lào Cai mời bạn ...nhiều lần...quanh năm
11/4/2016


[1] Nơi sông Hồng và Sông Nậm Thi gặp nhau nên đầu nguồn con nước có hai màu bên trong bên đục
[2] Một loại rượu làm bằng thóc của đồng bào vùng cao thuộc xã San Lùng Huyện Bát Xát Lào Cai

Thứ Tư, 13 tháng 4, 2016

THÔNG BÁO VỀ LỄ KỶ NIỆM

Thực hiện Quy ước và Nghị quyết Đại hội lần thứ II của Hội Đồng hương Hải Phòng tỉnh Lào Cai;
Đáp ứng nguyện vọng của đông đảo Hội viên,
Được sự đồng ý, ủng hộ của lãnh đạo tỉnh Lào Cai và thành phố Hải Phòng,
Ngày 18/3/2016 BCH Hội họp mở rộng lần thứ VII đã thống nhất tổ chức LỄ KỶ NIỆM 55 NĂM NGÀY ĐỒNG BÀO HẢI PHÒNG LÊN XÂY DỰNG KINH TẾ TẠI LÀO CAI với nội dung như sau:
I. THỜI GIAN, ĐỊA ĐIỂM:
1. Thời gian: khai mạc 8 giờ sáng ngày 13/5/2016, tức thứ Sáu ngày 07/4  âm lịch.
2. Địa điểm: Trung tâm Hội nghị thành phố Lào Cai, đường Hoàng Liên, phường Kim Tân, thành phố Lào Cai.
II. NỘI DUNG:
1. Văn nghệ chào mừng; Khai mạc, giới thiệu nội dung, đại biểu
2. Ôn lại quá trình 55 năm, truyền thống, bài học kinh nghiệm, kết quả hoạt động của Hội đồng hương Hải Phòng tỉnh Lào Cai.
3. Tuyên dương các cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc; vinh danh, tặng quà cho những gia đình, người có công.
4. Phát biểu chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh Lào Cai và thành phố Hải Phòng.
5. Phát biểu của Hội viên.
6. Liên hoan mừng thành công Lễ Kỷ niệm.
III. ĐẠI BIỂU, KHÁCH MỜI:
1. Hội viên: Mời tất cả Hội viên trong toàn tỉnh, đặc biệt những cá nhân được khen thưởng, đại diện gia đình được vinh danh, tặng quà, những cụ lên khai hoang đợt đầu (1961-1970).
Khi đi dự đề nghị bà con mặc quần áo lịch sự: Nữ áo dài (nếu có); Nam sơ mi, thắt Cavát. Các ông bà phụ trách các Hội cơ sở nắm danh sách, thu tiền và thông báo tới Tiểu ban Kinh tế của BCH HĐH.
2. Đại biểu lãnh đạo tỉnh và các ngành liên quan, phóng viên các cơ quan thông tin đại chúng của tỉnh Lào Cai; đại diện lãnh đạo thành phố Lào Cai, các huyện Bảo Thắng, Bắc Hà, Bát Xát (BCH HĐH tỉnh mời).
3. Đại biểu lãnh đạo thành phố và các ngành liên quan, các Doanh nghiệp đã giúp đỡ nhiều của thành phố và các quận, huyện thuộc thành phố Hải Phòng.
4. Đại biểu BCH HĐH Hải Phòng một số tỉnh: Yên Bái, Lai Châu, Điện Biên, Tuyên Quang, Sơn La, Hà Giang, Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh
5. Đại biểu HĐH Thái Bình, Hà Nam, Nam Định, Phú Thọ, Hà Tây, Nghệ Tĩnh, Hải Dương tỉnh Lào Cai.
6. Lái xe và phục vụ
Tổng dự kiến 400 người
IV. KINH PHÍ:
1. Chi: Hội trường, khánh tiết, nước uống, nhà nghỉ; Thẻ; Liên hoan; Quà…
2. Nguồn:
- Hội viên về dự Lễ Kỷ niệm: 200.000 đ/người (riêng  Ủy viên BCH Hội: 1.000.000 đ);
- Vận động các Hội viên, Doanh nhân ủng hộ. Hiện đã có: bà Nguyễn Phương Lan (Phó Chủ tịch BCH Hội) ủng hộ 50.000.000 (Năm mươi triệu đồng), ông Trần Văn Hoa (Tổng Giám đốc Công Ty Hoa Phong) ủng hộ 30.000.000đ, ông Phạm Tiến Trình (GĐ Aribank Lào Cai) ủng hộ 10.000.000 đ. Khi triển khai tại Bắc Hà ông Trần Văn Phượng, thủ từ Đền Bắc Hà ủng hộ 1.000.000 đ...
- Trích Quỹ Hội
V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN:
1. Tiểu ban Văn kiện: Trần Trọng Dương, Vũ Xuân Tỉnh, Lương Đức Mến, Trần Văn Ngọc có trách nhiệm báo cáo lãnh đạo cấp có thẩm quyền, soạn thảo các văn bản, phát hành Giấy mời phục vụ Lễ Kỷ niệm, dẫn chương trình.
2. Tiểu ban Kinh tế: Trần Văn Hoa, Nguyễn Phương Lan, Phạm Văn Trọng chịu trách nhiệm chuẩn bị Hội trường, bữa liên hoan, sắp xếp nơi nghỉ, quà cho khách, đại biểu ở xa.
3. Tiểu ban Lễ nghi: Phạm Hựu, Vũ Xuân Tỉnh, Vũ Đình Hường, Phạm Văn Trọng, Trần Văn Hoa, Nguyễn Phương Lan, Lương Đức Mến, Trịnh Xuân Lâm, có trách nhiệm: kiểm tra lượng khách mời, đón tiếp, đưa khách, đại biểu vào Hội trường, nhà ăn, nhà nghỉ.
Vì tình yêu quê hương Hải phòng, Lào Cai và uy tín của Hội, Ban chấp hành Hội Đồng hương Hải Phòng tỉnh Lào Cai kêu gọi và đề nghị bà con cô bác Hội viên, các ông bà trong BCH Hội tỉnh và Hội cơ sở …nhiệt tình tham gia, ủng hộ và vận động người khác ủng hộ tinh thần và kinh phí để Lễ Kỷ niệm đạt kết quả tốt.
Mọi thông tin đăng ký tài trợ kinh phí xin gửi về Thường trực Hội (ông Trần Trọng Dương, địa chỉ: 001 Võ Thị Sáu-phường Cốc Lếu-thành phố Lào Cai-tỉnh Lào Cai; Fax: 0203 822 089; ĐT: 0979 210 168) hoặc qua Email: luongducmen@gmail.com trước ngày 19/4/2016.
Riêng các Chi hội phường Kim Tân lập danh sách đăng ký và thu tiền gửi về Lương Đức Mến (328 Hoàng Liên) trước ngày 15/4/2016


TRĂNG QUÊ

Trăng lung linh thả mình trên sóng
Nô đùa dòng nước mênh mang
Sóng xô bờ làm trăng vỡ vụn
Chìm xuống đáy sông những mảnh trăng vàng…

Người trồng cấy vớt trăng về ngõ nhỏ
Làm lưỡi liềm, làm nón trắng đồng quê
Cô thôn nữ ra sông gánh nước
Múc trăng lên cho vẹn ước thề !

Trăng nghiêng đậu lũy tre ngà chải tóc
Tiếng sáo diều dìu dặt đầy vơi
Trăng lồng lộng phơi tà áo trắng
Cả miền quê bỗng lộng lẫy tinh khôi.

Trăng trải chiếu bữa cơm mùa ngào ngạt
Vàng ánh trăng vàng sân thóc ngời ngời
Trăng hối hả lúa tuốt đồng bát ngát
Mỗi mùa vàng - trăng như cũng chung vui...

Có lúc trăng về nơi xa ngái
Bởi lãng du hay khao khát kiếm tìm!
Hay trăng lại trôi vào cổ tích
Cùng trẻ thơ bay vào giấc mơ êm…?

                                                                   
                                                Mai Mơ
112, Lý Công Uẩn, Kim Tân.Lào Cai
 (quê Dương Kinh, Hải Phòng)

Thứ Sáu, 1 tháng 4, 2016

ĐI KHAI HOANG

Bút ký của Ngọc Dương
(2)

       Gia đình tôi là một trong mười hộ trong làng xung phong đi theo cuộc vận động. Mười hộ này được ghép thêm một hộ ở làng khác là mười một và thành lập một hợp tác xã nông nghiệp, lấy tên là hợp tác xã Tân Phong. Hợp tác xã do anh Nguyễn Văn Lời, anh họ tôi làm chủ nhiệm, anh Bùi Văn Kiêu làm phó chủ nhiệm. Tôi lúc ấy là người có “trình độ văn hoá cao”, những lớp 8/10, nên được cử làm kế toán, mặc dù tôi chẳng hiểu kế toán là gì. Trước khi Hợp tác xã lên đường, chủ nhiệm, phó chủ nhiệm đã có chuyến đi tiền trạm để làm nhà cho bà con, khi mọi người lên là đã có sẵn nhà ở. Sau gần một tháng, chủ nhiệm và phó chủ nhiệm về thông báo: “Đã có nhà cửa tươm tất. Đất đai, rừng núi mênh mông. Chỉ sợ không có sức lao động thôi...”
       Sáng 25 tháng Tư năm 1965, mọi người lục tục gồng gánh, mang vác gia sản đi bộ khoảng gần một cây số đường làng để tập kết lên đầu cầu Lăng, ven con đường quốc lộ số 10. Nhà tôi tám người đi nhưng vẫn còn hai người ở lại. Đó là chị dâu tôi, được thày bu phân công ở lại để trông nom mảnh đất hương hoả. Lúc ấy, anh tôi đang làm công nhân xây dựng cầu đường sắt ở Thanh hoá. Người thứ hai là em Phùng. Hôm trước, tôi nghe thấy bu tôi nói với em: “Lần này đi Lào Cai, cháu tạm thời ở nhà với bà ngoại cháu, để hai bác và các anh đi trước xem đồng đất ở đó làm ăn ra sao đã, bây giờ mới đến, chân ướt chân ráo chắc là còn nhiều khó khăn lắm. Bao giờ ổn định, bác sẽ về đón cháu lên sau.” Sáng hôm ấy, cả chị dâu và em Phùng đều cùng cả nhà mang vác đồ đạc, hành lí. Trong lúc chờ xe ô tô của Ban tổ chức đến đón, tôi thấy mấy lần chị dâu tôi quay đi lau nước mắt. Còn Phùng, vốn có khuôn mặt bầu bĩnh, không mấy khi nở nụ cười thì giờ đây tôi thấy em có vẻ mặt càng u buồn. Tôi không thể ngờ được rằng, đó chính là buổi sáng cuối cùng thày bu và anh em chúng tôi vĩnh biệt Phùng! Sau khi gia đình tôi lên Lào Cai chỉ một thời gian ngắn, bu tôi chưa kịp thực hiện lời hứa về đón em, thì Phùng đi bộ đội và rồi “Đã hy sinh tại mặt trận phía Nam”, như tờ giấy báo tử có ghi vậy. Cho đến bây giờ, đã hơn bốn mươi năm, ngoài tờ giấy báo tử với tám chữ cô đọng ấy thì chẳng ai biết em hy sinh như thế nào, có phần mộ không, ở đâu?... Tất cả vẫn còn mịt mùng, im ắng!...
       Hai chiếc xe ca chở mười một hộ với sáu, bẩy mươi nhân khẩu ra ga Hải Phòng, rồi lên tàu hoả. Không phải mua vé, không phải lo gửi hành lí. Tất cả đã có người phục vụ chu đáo. Hành lí của nhà nào đã có tên nhà ấy viết ở ngoài, không sợ lẫn...Lần đầu tiên tôi biết thế nào là tàu hoả. Tôi cảm thấy tự hào, nghĩ là sau này mình có thể khoe với bạn bè là: “Tao đã từng biết cái tàu hoả nó như thế nào!”. Mọi người chen nhau ngồi vào ghế. Còn tôi, sau khi lên đến ga Hàng Cỏ (Hà Nội), chuyển sang tàu Lào Cai thì tôi đi quan sát hết các toa. Không thích nơi đông người, nên tôi lẻn xuống tận toa cuối cùng, một toa đen chở đầy gà, lợn, chó mèo. Tôi trèo lên cái gác hành lí đầy bụi than, thảnh thơi nằm đó một mình, ngẫm nghĩ những gì đã và sẽ xảy ra. Đầu óc cứ mung lung, mung lung. Đôi lúc tự hỏi: đây có phải  sự thật hay là một giấc mơ? Và tôi bỗng nhớ đến một đoạn trong bài thơ Lên miền Tây của Bùi Minh Quốc: Xe chạy nghiêng nghiêng trèo dốc núi/ Lên miền Tây vời vợi ngàn trùng/ Ôi miền Tây, ở dưới xuôi sao nghe nói lạ lùng/ mà lúc ra đi lửa trong lòng vẫn cháy/ Cái tuổi hai mươi khi hướng đời đã thấy/Thì xa xôi biết mấy cũng lên đường...” Bài thơ đã ru tôi ngủ thiếp đi. Mãi đến chiều mới quay lại toa trên, nơi bà con trong làng ngồi. Họ nói chuyện vui vẻ lắm, không biết vì phấn khởi hay vì để cho quên đi nỗi luyến tiếc nơi chôn rau cắt rốn? Một ông ngó qua cửa sổ toa tàu thấy có biển hiệu “kéo còi” liền thông báo cho mọi người: “Bà con chú ý, đã đến ga Keo Cối!”. Nhiều người tưởng thật bảo nhau: “Ga này đỗ, ta phải xuống hút điếu thuốc lào”. Nhưng tàu vẫn chạy. Lát sau lại có người kêu lên: “Ô, đây lại có ga Keo Cối nữa!”...Thế là ai cũng vui như Tết. Một bác kể: “ Lúc chờ ở Ga Hải Phòng lâu quá, tôi sốt ruột định đi tìm lãnh đạo nhà ga để hỏi cho ra nhẽ. Đi loanh quanh mãi thì thấy một tấm biển đề hai chữ Phó ga. Tôi xông ngay vào...nhưng toàn thấy người đang ăn...phở gà!
       Sau hai ngày, một đêm đằng đẵng, cũng đến lúc con tàu phải dừng hẳn lại ở ga cuối cùng là ga Lào cai. Vị trí nhà ga lúc ấy ở khoảng giữa đầu cầu Hồ Kiều và Cầu chui hiện nay, cửa ga nhìn ra khu thương mại Bistit cạnh con đường Nguyễn Huệ bây giờ. Trời bắt đầu tối. Những bóng đèn dây tóc đỏ quạch có chao bằng sắt tráng men treo trên cột điện cũng chỉ đủ soi cho mọi người khuân vác đồ đạc, hành lí sang khu vực Phố Tèo, nơi có những gia đình người Hoa sống lâu đời ở đây, mở quán ăn, cho thuê ngủ trọ và tràn ngựa. Mọi người ăn uống xong, leo lên cái nhà sàn bằng gỗ, cầu thang gỗ, xung quanh vây bằng liếp nứa. Một dãy sàn chạy dọc nhà lót giát tre bương là giường ngủ. Mọi người mắc màn và nằm ngủ “hội đồng” trên đó. Đã cuối tháng Tư dương lịch, nhưng thời tiết Lào Cai về ban đêm vẫn se lạnh. Mọi người đi tàu mệt nên ngủ rất say. Còn tôi thì không ngủ được, bởi hàng loạt điều mới lạ đang tác động vào bộ não của một gã trai bước vào tuổi mười bẩy, lần đầu tiên đi xa. Đêm thị xã Lào Cai sao mà tĩnh lặng, như thể một vùng quê hẻo lánh. Mùi hoa ngọc lan thoang thoảng đâu đây lẫn với mùi phân ngựa ngai ngái bốc lên từ dưới gầm sàn. Những con đom đóm từ bờ sông Nậm Thi bay lên, lạc vào ngôi nhà sàn, soi vào tận những cái màn ám khói, nơi có thày, bu, các em tôi và mọi người đang say giấc...
       Sáng hôm sau, tất cả đều được ăn món “phở” xào sền sệt, rất nhiều mỡ và tương ớt, có lẫn cả những sợi mì được rán phồng rất giòn. Ngon lắm! Ở quê tôi, dám chắc chưa ai được ăn bao giờ... Người chủ quán Hoa Kiều nói giọng lơ lớ, giải thích: “Cây nề là cốn suẩy, khô.. ông phẩy phơ đâu ớ”. Ông cán bộ dẫn đoàn dịch cho mọi người: “Đây không phải phở mà là cuốn sủi, một món ăn sáng của người Tàu đấy”
       Khoảng 7 giờ, có hai chiếc xe ca đến để đưa mọi người về quê hương mới. Đó là thôn Cốc Tủm, xã Phong Niên, thuộc huyện Bảo Thắng. Con đường quốc lộ 70 bấy giờ còn nguyên nền đất, toàn ổ gà, sống trâu. Hai cái xe ì ạch, vừa đi vừa thở phì phò, gầm gừ, lắc lư như những gã say rượu. Có nhiều chỗ xe phải né tránh những ngọn giang từ trên đồi vắt xuống đường. Khoảng ba tiếng sau, đi được ba mươi hai cây số thì dừng lại. Ông chủ nhiệm hô to: “Đây rồi, nhà đây rồi!...” Mọi người xuống xe, nhìn trước, nhìn sau chưa thấy nhà đâu, còn đang ngơ ngác thì chủ nhiệm lại quát: “Không thấy à?” Theo hướng tay chỉ của chủ nhiệm lên rệ đồi: Một dẫy lán thấp lè tè, trông như những cái lều nương của đồng bào dân tộc. Nhà tôi tám người, nhà ông, bà Phú bẩy người được phân phối chung một “ngôi nhà” rộng chừng 3 mét, dài 10 mét, được ngăn làm đôi bằng một tấm nứa đan nóng mốt. Và cũng rất công bằng là một nửa già, một nửa non vì số khẩu không bằng nhau. Những ba mươi mét vuông cho hai hộ, mười lăm người. Tuy vậy, chất lượng thì phải chỉnh sửa ngay mới ở được. Những tấm nứa non đan nóng mốt vây quanh nhà sau khoảng một tháng, nay đã khô và teo tóp lại, hở hoác ra. Trên mái lợp bằng lá dong tươi, loại lá gói bánh chưng, nhưng  rất “tiết kiệm” nên bây giờ khi nó khô cong đã để lộ ra những mảng trời xanh thẳm. Hai phần ba bề rộng của ngôi nhà phía trong, khoảng hai mét, làm giường ngủ. Đó là cái giường gỗ nứa. Nghĩa là những cây gỗ bằng bắp tay, cẳng chân, có ngoãm, còn tươi nguyên, không bóc vỏ, được chôn xuống đất làm chân, nên mối đã leo lên tua tủa như lông nhím. Những đoạn gỗ thẳng thì gác lên làm xà, được thống cố vào “chân giường” bằng những nút lạt giang khá chắc. Giát giường là nứa tươi non đập dập, đến hôm đó đã gần một tháng, nên vừa cong, vừa mọt, tuy vậy rải chiếu lên vẫn nằm tạm được. Một phần ba diện tích phía ngoài nhà giành để đồ đạc và lấy chỗ ra vào. Bọn trẻ thì đi lại vô tư, nhưng người lớn phải cúi xuống, nếu vô ý, có thể va đầu vào mái... dong. Xung quanh nhà, cỏ mọc xanh um, những dây bìm bìm đã leo vào tận chân vách...
       Những con dao, cái cuốc mang từ dưới quê lên bây giờ được phát huy ngay tác dụng. Tất cả phải tập trung cho việc ổn định tạm thời nơi ăn, chốn ngủ đã, rồi sau muốn ra sao thì ra. Thày tôi mở cái vại sành lấy gạo cho bu tôi xuống suối vo để nấu bữa cơm đầu tiên trên quê hương mới. Nhà nào cũng bắc tạm ba hòn đá ở ngoài trời để đun nấu. Chỉ sướng cái sẵn củi đun, ra khỏi nhà vài bước là có đầy thứ để cho vào bếp, không như ở dưới xuôi, anh em tôi phải vác cuốc đi giẫy cỏ gà, đập sạch đất, phơi khô làm đồ đun. Thức ăn thì ai cũng có cá khô, vừng, lạc, mắm, muối mang theo đủ sinh hoạt...
        Đêm hôm ấy, bên ngọn đèn dầu vàng quạch, người ta xúm lại bên nhau trò chuyện đến mãi khuya. Ngoài trời, từng đàn đom đóm chập chờn như ma trơi. Trong rừng, thỉnh thoảng có tiếng con nai tác lúc xa, lúc gần như tiếng rao của chị bán hàng rong. Xung quanh nơi ở mới của mấy chục con người, tiếng dế cứ rít lên từng đợt, từng đợt não nùng, tê tái. Có người đã tỏ ý muốn quay về. Nhưng thày tôi thì bảo: “Đã ra đi, cấm kì giở lại!”...

(Còn nữa)

TẶNG EM


Anh đem đến tặng em đây
Hoa này anh giấu từ ngày còn xoan
Hồng tươi một bông thật thơm
Công anh vun sới rồi ươm tặng nàng

Nhỏ thôi tuy có muộn màng
Tưới bằng nước bạc nước vàng thành hoa
Bằng tâm huyết nhiều ngày qua
Đắng cay mặn ngọt làm qùa trao em

Không tin hãy mở mà xem
Có ngàn nắng đổ có dòng mưa tuôn
Vui trọn vẹn gột hết buồn
Tình yêu nghiêng hết thành nguồn về em.
Đỗ Thanh Nga,
Lào Cai 28/3/2016