Thứ Ba, 17 tháng 3, 2015

Buồn vui giọng nói quê tôi

Nói đến Hải Phòng ai cũng biết đến danh xưng “thành phố Hoa Phượng đỏ”, “thành phố Cảng”…với đặc sản là thuốc lào (tức 相思草 Tương tư thảo hay 烟草 Yên thảo)[1]. Nhưng thực ra thuốc lào là đặc sản của tỉnh Kiến An 建安省cũ có từ năm 1906 bởi đổi từ tỉnh Phủ Liễn (lập năm 1902) ra. Năm 1962 Kiến An nhập với Hải Phòng mang theo đặc sản vùng Tiên Lãng, Vĩnh Bảo về với đất Cảng.
Nhưng ngoài đặc sản vật chất, Hải Phòng cũng như một số địa phương vùng châu thổ sông Hồng còn có “đặc sản” phi vật chất. Đó là đặc âm.
Tuy xa quê lâu, những mỗi khi gặp người Hải Phòng (nhất là trong dịp sinh hoạt đồng hương là chúng tôi nhận ra nhau ngay. Ngoài giọng nói đặc trưng dễ nhận ra khi phát âm các từ “quá”, “có”,...; nói “bảo” thành “bẩu”, “ổi” ra “ủi”, “hào” nên “hầu”...; gọi chị gái bố bằng “cô”, anh mẹ bằng “cậu”...còn có cách phát âm khá “đặc sản” nữa là “nói ngọng”. Tật này chủ yếu là lẫn lộn l/n, tr/ch, d/r/gi...nhiều khi nghe “vui tai”, “vô thưởng vô phạt” nhưng lắm lúc rất tai hại! Đắn đo mãi tôi mới dám chép, biên tập lại và đưa chuyện này lên đây. Có gì sai quấy, phạm húy mong quê hương, đồng hương và quan viên họ đại xá.
1. Thực tế việc nói ngọng quê nhà:
 Chuyện “nói ngọng” quê tôi chưa biết có từ bao giờ nhưng ngay trong Gia phả được soạn từ hơn 100 năm trước (nay còn bản phiên âm chữ Hán) đã có sự sai biệt giữa các ngành khi chép tên các cụ do “ngọng” mà ra. Ví dụ tên Thượng tổ tỷ trong bản do phụ thân tôi để lại ghi tên cụ là Nguyễn Thị Lã, bản bên Lương Hoàn ghi là Nguyễn Thị Nữ. Theo tôi đây không phải 2 người và cũng không phải nhầm chữ (Lữ) ra chữ (Nữ) mà chắc xưa tiền nhân chép tên Cụ bằng chữ mà chữ này có âm “Lữ” nhưng quen đọc là “Lã” nên sau này có bản dịch theo âm quen đọc “Lã”, người chép theo phiên thiết là “Lữ” nhưng chuyển sang quốc ngữ viết ngọng thành ra “Nữ”!
Gần hơn, Tổ đời thứ Hai ngành tôi, Cụ Lương Đức Hanh 第三代祖 梁德亨 có 2 vợ, trong đó bà cả Đặng Thị Chẻo là thân mẫu của các cụ Hinh , Tuynh , Chinh , Thành còn bà hai sinh 01 nam là Trinh . Sau này khi dịch sang quốc ngữ, các cụ phải ghi rõ con bà Hai (Cụ Nội của tôi, Lương Đức Trinh 第四代祖 梁德禎) là “Trinh bé”, để phân biệt với “Chinh lớn” tức cụ Giáo Chinh là con bà cả. Nhiều lần nhà có việc nhưng do bố tôi đã mất từ 1997, tôi đi vắng, mẹ tôi nhờ Dì tôi viết sớ, Dì đã viết “Trinh” (người tôi phải khấn cúng) thành ra “Chinh” (Cụ Ngoại anh Tích ở Sơn Hải, Bảo Thắng, người khấn giỗ không phải là tôi).
Ngay các em con chú ruột tôi, khi đặt tên các con đầu chú tôi đặt theo thứ tự là An , Dưỡng , Sinh , Trường (Tràng) rất liền mạch, ý hay[2]. Nhưng sau này do không hiểu nên trong Sổ họ, ở quê viết “Sinh” (, trong sinh sản, nẩy nở) thành “Xinh” (trong xinh đẹp), “Trường” (, dài) ra “Chàng” (, một thứ cờ dùng làm nghi vệ hay dụng cụ người thợ mộc) mất hết ý nghĩa của chuỗi tên con cái.
HTX khai hoang An Phong là tên ghép chỉ rõ người An Lão lên Phong Niên do cha, chú tôi cùng 19 hộ khác với 93 nhân khẩu thành lập vào 02/1964. Nơi đây là một thung lũng giáp ranh giữa Cốc Sâm 谷森 của Phong Niên với Xuân Đâu 春桃  của Xuân Quang đã từng có 2 hộ người Nùng thuộc thôn Cốc Sâm, 3 hộ người Dao Tuyển gọi theo tiếng địa phương là “Na Cơ Lao Bổn”, tức khu ruộng nhiều cây bon. Nhưng do các cụ nhà ta không phân biệt được “n” và “l” và không quen nghe tiếng địa phương nên “Na cơ lao bổn” được phiên thành “La Cà Bốn” chẳng có nghĩa gì. Hoặc tên xã Phong Niên 豐年[3], tức là “năm được mùa” luôn được các cụ gọi là “Phong Liên” 豐蓮, chẳng lẽ là “Sen tốt” ở nơi khi đó chưa từng có một đóa sen!
 Nhớ lại, hồi còn học cấp 1, khi viết đơn xin nghỉ học, định viết lý do bị ốm nặng nhưng chẳng biết viết sao nên đành viết cả “lặng” và “nặng! Viết đến đây, lại nhớ tới Bố và chuyện liên quan đến các con tôi. Bố tôi nổi tiếng là người nghiêm khắc, chữ quốc ngữ và chứ Hán đều viết đẹp, học giỏi, thuộc nhiều truyện cổ tích và có âm đọc vang, rõ. Thế mà hồi chúng tôi ở Yên Bái, khi cụ xuống chơi, lúc rảnh đọc cho 2 con tôi nghe Truyện Kiều thì các con tôi (chị học lớp 3- nay là Thạc sĩ Ngữ văn, thằng em đang học lớp 1-nay là Thạc sĩ Luật) cùng bảo “Ông nói ngọng”. Cụ tự ái kể với tôi, tôi hỏi lại các con mới hiểu ra sự tình.
Chả là cụ đọc thế này:
Chăm lăm chong cõi người ta,
Chữ tài chữ mệnh khéo ghét nhau:.
Chải qua một cuộc bể râu,
Những điều chông thấy mà đau đớn nòng”.
Với ngữ pháp chuẩn, đọc thế là ngọng thật nhưng cả quê tôi nói thế, chả ai bảo sai cả. Chuyện các con tôi bảo ông nội nói ngọng tôi cũng trình bày mãi cụ mới hiểu “nờ thấp, lờ cao” và không coi các cháu “nói xấu” ông! Bản thân tôi đến khi học Đại học, thầy dạy ngoại ngữ bảo tôi ngọng, mãi tôi mới hiểu và dần sửa; nay viết thì không nhưng khi nói, đọc nhanh vẫn thường vấp nhiều bận giảng bài các lớp Tập huấn học viên được trận cười thỏa thuê.
Chính vì vậy, mỗi dịp về quê, tôi phải dặn vợ con nghe các bác, các cô, các anh, các chị nói chuyện cấm cười và đôi khi tôi đã trở thành “thông dịch viên” ngay chính quê mình. Nhớ nhất hồi đầu năm 2012 khi dẫn đại diện phái Lào Cai về giỗ Tổ, buổi tối Tiên thường, một anh trong họ bảo tôi:
Chú dống ông, thông minh, học rỏi, đi nại nhều, cần lói cho con cháu hiểu: họ Nương nhà mình từ Tiên Nãng sang xinh cơ nập nghiệp ở nàng  Hương[4] lày  từ nâu nắm  dồi. Cùng với các cụ Tiên niệt họ Nê, họ Nguyễn, họ Chần, họ Phạm, họ Mai...nập da cái tủng Cao Mật mà lay gọi nà xã Chiến Thắng. Công nao các cụ nhớn nắm, con cháu xau lày phải chi ân. Mỗi nần dỗ Tổ nà nhắc cho nhớ”. Tôi thì hiểu nhưng chắc gì vợ con tôi đã thông!
Sáng ra, nghe các bác, anh, chị, em, cháu nói chuyện với nhau khi dọn dẹp, làm cỗ, con trai tôi nhiều lúc chả nhịn cười được bởi các câu mà với cháu nhiều khi rất lạ, khó hiểu. Ví dụ: các câu “chi bên Tiên Nãng đã xang chưa”, “nấy cho bác cái chủi”, “dửa hộ chị lắm dau”, “anh cu Lên con cậu Thắng đã nên nớp lăm giồi à?”, “nàm nòng nợn nhớ nàm cho xạch”, “không biết anh Cương ở Hà Lội có đưa vợ con về kịp không”, “chị Vân chú ý lồi sôi lếp nhé”, “các chú chên Nào Cai về hôm qua”, rồi “diệu Nầu Cai lặng thế mà các chú ý uống như lước nã,sáng rậy muộn, ông rục quá, vội xang nuôn,  rịn cả ăn, rờ đoói giồi”, “lăm lay dét nâu nhẩy”, “tôi bẩu lày chốc lữa khi uống diệu không được niên tục chăm phần chăm đấy nhé”, “thầy cháu yếu, không sang tế Tổ được nhưng dặn nà cấm nàm nấy nệ, ngồi mâm đừng gắp nia gắp nịa”, “lước mắm mua đâu mà thơm thế”, “thằng Nong nhà con hồi lày nếu náo nắm”, “hôm lay dằm chăng chắc chòn đẹp nắm, có đi chơi không”...thì cháu hiểu còn câu “đứa lào bóp lem nhớ chộn cho kỹ” thì Trung úy Cảnh sát nhà ta chịu hẳn.
Về câu này, tôi phải giải thích: “Đó là món nem, một món không thể thiếu trong cỗ quê nhà. Để làm món này, lợn vừa mổ, người ta lọc ngay thịt thăn, đem thái mỏng, ướp chanh, tỏi rồi trộn với thính và bì luộc thái chỉ. Thính làm bằng cơm nguội phơi khô, rang vàng, giã nhỏ”!
Đang ghé tai con giải thích thì từ ngoài sân, một cháu gái khá xinh vừa, lau bàn vừa hát khe khẽ, nhưng chúng tôi nghẽ rõ: “Qua lửa đời phiêu rạt con nại về úp mặt vào xông quê, Ơi con sông rạt rào như nòng mẹ, Chở tre con qua chớp bể mưa nguồn…”; bên cạnh một cháu vừa rửa bát đĩa vừa: “Ngày nấy chồng, em đi qua con đê, con đê mòn nối cỏ về… có trú bướm vàng bay theo em…”. Nhưng buồn nhất là khi nghe một cựu quan chức khoe với tôi “Đảng ủy xã đã thống nhất trọn sây rựng họ Nương ta thành ròng họ Văn hóa”! Vợ tôi, cô giáo trường CĐSP Lào Cai ghé tai đùa: “Nếu cấp bằng ghi nhận họ Nương nà ròng họ Văn hóa thì hay nhỉ!” [5].
Tranh thủ thời gian, tôi đưa vợ con ra Quán Hương ở đầu làng thăm quan. Đang đi, lái xe hỏi “Chú ơi dươi là cái gì”? Thấy phía trước có tấm biển nghuệch ngoạc: “Có dươi đông nạnh”, tôi giảng giải: đấy là món Rươi mà Rươi thuộc loài giun đốt, sống ở vùng cửa sông nước lợ, ven biển vịnh Bắc Bộ. Rươi nổi vào “tháng Chín Đôi mươi, tháng Mười Mồng Năm” nay ít dần và giờ không phải vụ. Bởi là món ngon, giầu dinh dưỡng, người ăn mùa nào cũng tìm nên phải để đông lạnh”. Nghe ra ai cũng hiểu và cười. Tối hôm sau tôi được anh chị Phạm Ngọc Kỷ (Giám đốc Công ty Xây dựng và thương mại Duyên Hải)[6] ở chân cầu Bến Khuể đãi món đặc sản này. Cả đoàn 7 người từ Lào Cai xuống đều tấm tắc khen ngon nhưng cay quá, tôi ăn được ít.
Sau khi tế lễ xong và trước lúc thụ lộc, tôi đã lược lại quá trình phát triển của dòng họ từ nửa cuối thế kỷ XVIII đến nay và có đặt vấn đề sửa tật “nói ngọng”. Chuyện khác mọi người nghe chăm chú, riêng chuyên đề sau nhiều tiếng cười khúc khích và không ít vẻ mặt ngơ ngác chưa rõ “ngọng” là gì. Tiếng nói quê tôi là như thế! Còn con gái tôi thì tổng kết: “Lếu không có bố (à mà thầy) nàm phiên rịch thì mẹ con con trả biết đường làonần”! Tôi bảo “Không được nhại, náo”! Cả đoàn cười vì tiếng cuối cùng đặc âm của tôi.
2. Đi tìm nguyên do:
Thực chất, “nói ngọng” là phát âm sai, phát âm lỗi, hoặc phát âm lệch chuẩn theo chính âm. Trong đó “chính âm” là tiếng nói phổ thông của quốc gia, dân tộc, thường lấy tiếng thủ đô làm gốc.
Nói ngọng có thể do chưa quen (như trẻ tập nói, người học tiếng không phải tiếng mẹ đẻ) nhưng cũng có khi do cấu trúc thiếu hoàn chỉnh tại bộ máy phát âm. Với người lớn bình thường thì đó là do “lỗi phát âm”, có thể đó là phát âm không chuẩn theo chính âm một hay nhiều thành phần trong âm tiết, làm ảnh hưởng ít nhiều đến độ rõ ràng của lời nói khi phát ngôn.
Ta biết rằng, trong tiếng Việt: “Âm tiết” hay “Tiếng” = âm đầu + âm đệm + âm chính + âm cuối + thanh điệu (không, huyền, sắc, hỏi, ngã, nặng).
Do vậy, lỗi phát âm có thể xảy ra ở bất cứ thành phần cấu thành nào của nó, như ở phụ âm đầu, âm đệm, âm chính, âm cuối và thanh điệu và hiện tượng “nói ngọng” là khá phong phú và có ở mọi miền với những đặc trưng cụ thể.
Riêng quê tôi, nhầm lẫn, không phân biệt được phụ âm đầu “tr” với “ch”, “x” với “s”, “r” với “d”, “gi” nhất là “l” với “n” là chính và đã trở thành phương ngữ. Thực tế có người, có lúc vẫn có thể phát âm hay đọc, viết phân biệt được  /l/ và /n/ riêng rẽ, chỉ lẫn lộn theo thói quen nói năng thông thường nhưng cũng có người lẫn lộn cả nói, đọc và viết. Còn người ở tỉnh “hàng xóm” Thái Bình lại có thói quen lược bỏ “r” trong phụ âm “tr” hay thay phụ âm “th” bằng “x”, “s”. Thế mới có chuyện: “Con tâu tắng buộc bờ te tụi” (= con trâu trắng buộc bờ tre trụi), “tưa nay lóng quá nhà tôi không về xôi không ăn mà mải đi đan súng” (= trưa nay nóng quá nhà tôi không về, thôi không ăn cơm mà mải đi đan thúng) gây hiểu lầm đáng tiếc cho người nơi xa đến.
Sự “ngọng” của người dân quê tôi phải chăng là xu hướng phát âm “nhẹ” đi các phụ âm đầu cần uốn lưỡi để dễ nói, dễ đọc chứ không phải là do người “nhà quê,” “ít học,” “kém văn hóa...” mà ra. Bởi trong số các cháu về giỗ Tổ mà cha con tôi nghe tiếng nói đã dẫn trên khối cháu đang học Đại học hay kinh doanh trên Hà Nội!
 Quê tôi, cũng như mọi làng xã vùng châu thổ sông Hồng khác, từ bao đời sống khép kín trong lũy tre xanh, số người tiếp xúc hàng ngày chỉ loanh quanh là người trong gia đình, làng xóm... Lời ăn tiếng nói hàng ngày và phong tục đã thấm sâu vào trong mỗi con người. Khi cả làng đều ngọng chẳng ai biết và có nhu cầu hay tác động gì phải sửa đổi. Chỉ những người ra khỏi làng, đi học, đi làm, gia nhập cuộc sống chung, va chạm với người tứ xứ, qua phản ứng của người xung quanh mới cảm thấy được cái bất lợi của việc phát âm sai của mình. Từ đó tác động vào ý muốn sửa chữa, vượt qua những lỗi phát âm. Thực tế những người đó đã sửa được.
Nhưng lạ cái là ngay những người xa quê, không đẻ ở quê mà đặc âm Hải Phòng hơn cả chúng tôi, học đến lớp 2 rồi mới rời quê. Ví dụ ngay ở thôn An Phong, xã Phong Niên, huyện Bảo Thắng do người An Lão lên lập ra từ tháng 2/1964 có em thím tôi (SN 1968), cháu tôi (SN 1987) sinh ra, lớn lên, lập nghiệp tại An Phòng, về quê ít hơn tôi nhiều mà nói ý hệt người dưới quê.
3. Sửa tật nói ngọng :
Nhiều dịp công tác ghé thăm quê, tôi đã từng tâm sự với các cháu về chuyện này. Cũng may mà khi nói quan viên họ tôi nhận là họ “Nương” ở xã Triến Thắng nhưng khi viết ai cũng viết đúng là họ “Lương” ở Chiến Thắng chứ không thì nguy. Riêng việc đặt và gọi tên cần chú ý kẻo mất hết ý nghĩa hay của tên người. Ví như con trai thường gọi là “Trung” (trong trung thành) còn con gái là “Chung” (trong chung thủy)  đừng lẫn. Hay con gái đặt tên là “Trang” trong nghĩa trang sức, “Liên” nghĩa là hoa sen, nếu viết là “Chang”. “Niên” thì chả có ý hay đẹp gì! Hoặc con trai đặt là “Long” với ý thăng tiến như rồng nhưng nói, viết thành “Nong” thì sẽ ra sao? Hơn nữa, trong thời đại hòa nhập, tin học hóa hiện nay mà cứ giữ mãi chất quê trong việc nói ngọng, viết sai như quê tôi thì rất nguy, máy tính sẽ chẳng tìm ra hoặc sắp xếp sai bét.
Muốn sửa sai tật nói ngọng nay thì bản thân mỗi người phải tự ý thức được sự ngọng của mình và quyết tâm sửa. Tất nhiên cái ngọng phương ngữ này khác cái sự “ngọng líu ngọng lô” bởi đó là cái ngọng vô thức, đem lại sự thú vị cho người lớn nên mới có câu “trẻ lên ba cả nhà học nói”. Khi trưởng thành mà nói ngọng, biết là ngọng thì phải sửa, uốn nắn ngay cách phát âm, viết, đọc sai đó.
Kinh nghiệm bản thân cho thấy, muốn chữa nói ngọng thì phải chăm đọc báo, sách, khi nói phải nói chậm để có thời giờ nghĩ và chỉnh các âm sai và quan trọng là sự kiên tâm, chịu khó luyện tập lâu dài. Đặc biệt với con trẻ phải chú ý ngay từ khi cháu tập nói.
Ngoài “ngọng” ra, người quê tôi còn khá nhiều “đặc âm” nữa mà con cháu xa quê không hiểu nổi. Ví như hôm đầy tháng đích tôn của tôi, mẹ tôi hỏi: “Cháu nó có bị mơi không?” Thạc sĩ nhà ta không hiểu tôi phải “dịch” lại: Bà hỏi cháu có hay bị trớ không?
Tôi viết những dòng trên và chép lại những chuyện đó hoàn toàn không có ý chê bai, chối bỏ hay “nhại” gì tiếng nói quê hương. Chỉ nói lên sự thật và mong muốn các thành viên mắc tật này sớm và cố sửa để hòa nhập tốt hơn.
Mong rằng sẽ đến ngày người Hải Phòng quê tôi, vốn cởi mở, nhanh nhậy, hòa nhập với cộng đồng ngay cả trong lời ăn tiếng nói.
-Lương Đức Mến, sửa lại bài viết đã đăng từ 04/8/2012

[1] Sách Vân Đài loại ngữ 蕓臺類語 của Lê Quý Đôn 黎貴惇 và Đồng Khánh địa dư chí 同慶地輿志 phần sản vật tỉnh Hải Dương, gọi cây thuốc lào là 相思草 Tương tư thảo hay 烟草 Yên thảo: "Cây thuốc lá nguyên sản xuất ở Lữ Tống (Lucon), thực tên nó là Tạm-ba-cô (Tobaco, thứ rau mọc ở ao đầm như lan). Sách “Xích kinh hoặc vấn” nói: "Thuốc lá, đem hút hơi khói vào hay nuốt thuốc đi đều say cả". Xét ở nước Nam ta, vốn xưa không có thứ thuốc ấy. Từ năm Canh Tí niên hiệu Vĩnh Thọ (1660) đời vua Thần Tông nhà Lê, tức là vào khoảng năm Thuận Trị thứ 17 Trung Quốc, người nước Ai Lao (Lào) đem giống cây ấy đến, dân ta mới đem trồng. Năm ất Tị đời Cảnh Trị (1665) hai lần hạ lệnh nghiêm cấm hút thuốc, lùng bắt những người trồng thuốc bán thuốc, hay hút thuốc giấu, mà không tuyệt được."
[2] Chuyện này tôi đã từng nghe cha tôi giảng giải khi người còn sống.
[3] Được đổi từ động Hạo Niên 暠年峒 ra vào năm Minh Mệnh thứ 19 (1838). Một số người bảo "Phong Niên"="quanh năm gió" là sai, bởi từ tố đầu "Phong" vốn được viết là 豐 với nghĩa "Ðược mùa" rút trongThi Kinh  詩經: "Phong niên, thu đông báo dã" 豐年, 秋冬報也 chứ không phải "Phong" viết là 風 với nghĩa "gió" trong 刮風 "Nổi gió"
[4] Tên Nôm của làng tôi, còn tên chữ, vốn là Hương Lạp 芗粒, từ 1880 đổi là Phương Lạp 芳粒, đến 1966 nhập với Mông Tràng Hạ thành Phương Hạ.
[5] Rất mừng là hôm 09 tháng Giêng (27/02/2015) vừa qua họ Phạm Đình Cốc Tràng (họ mẹ tôi) làm Lễ Dâng hương tế Tổ và đón nhận Danh hiệu “Dòng họ Văn hóa” thấy băng rôn, khẩu việu cắt dán; các quan chức của xã Chiến Thắng, của huyện An Lão và Chủ tịch Hội đồng trưởng lão đọc và phát biểu khá chuẩn.
[6] Mẹ già anh, bà Lương Thị Di là chị gái bố tôi. Các anh chị nay ở khu Bến Khuể là con bà hai khi bác Phạm Văn Ký (ở Kim Côn, xã Chiến Thắng, thuộc dòng cụ  Phạm Đoàn Mậu) tục huyền
Phần tóm tắt hay đầu bài đăng Phần còn lại.

1 nhận xét:

  1. Việc nói ngọng không phải là "đặc sản" của Hải Phòng mà đa số dân giả từ Ninh Bình ra hết miền Bắc đều mắc cái chứng "ngôn ngữ dị dạng" này. Trước hết tôi nghĩ là Bộ Giáo Dục phải công nhận có việc nói ngọng trên đa số miền Bắc và đặt ra một kế hoạch có tầm vóc quốc gia để được chính phủ cho ngân sách chi tiêu vào việc "trị bệnh" nói ngọng. Phải có cơ sở hạ tầng để sừa sai nói ngọng. Tôi đề nghị 6 điều căn bản này: 1. Trước hết phải định nghĩa thế nào là ngôn ngữ chuẩn và lập ra một Hàn Lâm Viện Ngôn Ngữ để đặt tiêu chuẩn, và làm từ điền cho chính xác. 2. Trường Đại Học Sư Phạm không cho người nói ngọng tốt nghiệp. 3. Phải đem tiêu chuẩn ngôn vào trường học. 4. Tạo ra phong trào sửa sai trong các vùng nói ngọng. 5. Phải có mốc điểm để biết việc sửa nói ngọng có mang lại kết quả hay không bằng cách thi vấn đáp trước khi lên các lớp tiều học. 6. Phải có tưởng thưởng và hình phat để đo lường "chiến dịch sửa nói ngọng. Thí dụ: Muốn vào đại học, không được nói ngọng. Những người có bằng cấp đại học trước sau gì cũng trở thành "lãnh tụ" một khu vực nào đó, phải giao tiếp với nhiều người, phải xuất ngoại. Nếu nói ngọng thì còn gì là thể diện quốc gia. Chính phủ không mượn người nói ngọng. Người nói ngọng không cho làm "quan lớn" trong cả dân sự, quân đội, toà án. Phải làm cho những người nói ngọng biết xấu hổ để không dám phát biểu trước đám đông, đọc sách trong nhà thở hay chùa. Tôi nghĩ phải cần vài thế hệ mới có thể giúp dân chúng hết nói ngọng, nếu được chính phủ quan tâm tới việc này và không để tham nhũng làm hư hỏng kết hoạch này. Bây giờ mới đọc bài này từ Mỹ nên góp ý vào việc sửa nói ngọng. Chắc chắn là không trễ vì gần hết miền Bắc vẫn còn nói ngọng. Khi người ngọng mà nói tiếng Anh thì chắc thế chiến thứ 3 xảy ra! Thí dụ như 2 chữ "light" và "night". Chữ "light" có nghĩa là ánh sáng; chữ "night" có nghĩa là ban đêm. Nói ngọng thì người ta hiểu ngày thành đêm. Chết cả nước! Trước khi chấm dứt thêm điều số 7 để cho chính sách sửa nói ngọng có kết quả trên toàn xã hội là khi đi lấy vợ hay lấy chồng, không nên lấy người nói ngọng. Vi người nói ngọng là người không chuẩn, khó thành công trong một xã hội tân tiến. Đây có thể là một trừng phạt lớn nhất cho những người nói ngọng. Nếu nói ngọng, bạn có thế sửa đc qua các bài tập trên net. Chúc bạn thành công sớm.

    Trả lờiXóa