Thứ Tư, 16 tháng 12, 2015

ĐI KHAI HOANG

Chân dung Nguyễn Ngọc Dương
Nhân chuẩn bị KỶ NIỆM 55 NĂM NGÀY ĐỒNG BÀO HẢI PHÒNG LÊN XÂY DỰNG KINH TẾ-VĂN HÓA-XÃ HỘI TẠI LÀO CAI, xin giới thiệu ba hồi ức: Đi khai hoang của Ngọc Dương, đã đăng trong tập Ký Hai miền Quê (NXB Hội Nhà Văn 2009).
Anh Nguyễn Ngọc Dương nguyên là Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Lào Cai. Anh vốn là người con của quê hương Tân Liên, Vĩnh Bảo, Hải Phòng cùng gia đình lên khai hoang tại Tân Phong, Phong Niên, Bảo Thắng, Lào Cai từ ngày 25/4/1965.
Hiện anh nghỉ hưu tại SN 028, đường N10, ph.Bắc Cường, tp.Lào Cai; ĐT: 0982 631 417; Email    : duongphonhom@gmail.com; Chủ Blog: http://ngocduonglc.blogspot.com/
(1)
                                                                   Bút ký của Ngọc Dương
           Những năm đầu thập niên 60 của thế kỉ XX, tỉnh Kiến An, sau này thuộc thành phố Hải Phòng đã kết nghĩa với Lào Cai, một tỉnh miền núi, đất rộng, người thưa để chuyển dân lên khai hoang, phát rừng làm nương rẫy. Đó là Cuộc vận động đồng bào đi xây dựng và phát triển kinh tế, văn hoá miền núi. Sau một năm nghỉ học về làm ruộng và tham gia một số công việc ở làng như: Tổ trưởng tổ thông tin tuyên truyền, giáo viên vỡ lòng, đội viên văn nghệ..., tôi được chọn vào diện cảm tình Đoàn. Trong đợt này, Chi đoàn tuyên truyền, giác ngộ tôi về ý nghĩa của cuộc vận động và giao cho  trách nhiệm vận động gia đình đi Lào Cai. Nhưng bu tôi đã là người quyết định sự kiện trọng đại này. Được biết, ngay sau khi Nhà nước Việt nam Dân chủ Cộng hòa ra đời năm 1945 thì năm 1946, bà là ủy viên BCH Hội phụ nữ xã, đã là một trong những người tích cực thực hiện lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh quyên góp vàng bạc, đồ trang sức ủng hộ Chính phủ chuẩn bị cho cuộc kháng chiến, kiến quốc. Sau này, bà còn tham gia vào Ban chấp hành Nông hội, hễ có chủ trương, chính sách gì của Đảng, Chính phủ, bu tôi đều tích cực bàn bạc với thày tôi để gương mẫu thực hiện. Còn thày tôi thì chẳng có chuyện gì quan trọng, bu tôi bảo sao thày tôi cũng “ừ”. Chuyện đi khai hoang bấy giờ cũng vậy. Trong thâm tâm, bu tôi rất muốn gương mẫu thực hiện một chính sách lớn của Đảng. Mặt khác, nghe nói, nơi ấy có “rừng vàng”, nếu chẳng may bị mất mùa, vào trong rừng cũng kiếm được vô khối thứ ăn sống người. Nào là các loại rau, củ như nấm, măng, mộc nhĩ, củ mài...; các loại động vật như gà rừng, lợn lòi, hươu, nai, cầy, cáo... săn được, ăn thoải mái!.. Đang đói, chỉ nghe thế đã thèm. Rồi Nhà nước lại có chính sách ba năm đầu cấp không gạo, thuốc chữa bệnh cho người đi khai hoang... Ở làng, đời sống khó khăn đã kéo dài chục năm, khi có cuộc vận động này khác nào người sắp chết đuối vớ được cái phao. “Đói thì đầu gối phải bò”!  Tất cả những lí do trên khiến thày bu tôi đã quyết. Quả thật, nếu thày, bu tôi đã không muốn thì tôi, một thằng “nhãi ranh bắt mũi chưa sạch” làm sao có thể “vận” được? Ấy thế mà tôi lại được Chi đoàn đánh giá cao: “Đồng chí đã có thành tích xuất sắc trong việc vận động gia đình thực hiện tốt đường lối, chính sách của Đảng...” Và vì vậy, tôi nhanh chóng được vinh dự kết nạp vào Đoàn thanh niên lao động Việt Nam trước ngày lên đường hai tuần lễ. Chuyện này giờ nghĩ lại, tôi vẫn còn xấu hổ, và tự nhạo mình là cứ “ngậm miệng ăn tiền” để  “nhận vơ” thành tích!
        Nói thì nói vậy thôi, dù phía trước là một tương lai rạng rỡ đang vẫy gọi, cũng đâu có dễ dàng dứt bỏ quê hương, nơi chôn rau cắt rốn. Đó là ngôi nhà gỗ năm gian từ đời cụ kị để lại, mặc dù chân cột đã mòn vẹt, cánh cửa cái mất cái còn, đòn tay mọt, mái rạ cùn. Đó là cái ao mấy chục mét vuông, nước vàng khè, đã bao đời tắm gội, giặt giũ, thả bèo, nuôi cá. Đó là mảnh vườn nhỏ cằn cỗi vài cây lưu niên như hồng, mít, dừa, khế, chanh, bòng mỗi thứ chỉ có một cây, hầu như đến mùa quả của chúng cũng chỉ đủ để ăn chơi hoặc cho trẻ con vặt trộm. Đó là những bụi tre gai trồng sát bờ ao, thỉnh thoảng được thày tôi chặt một cây, pha ra, đan cái rổ, cái rá, đỡ phải mua chợ và đôi khi cũng bán được vài cây, có tiền mua mắm, mua muối. Đó là cái chuồng trâu tường chình bằng đất, lợp rạ, ở gần cửa có hai cái lỗ để xiên vào một đoạn tre đực làm róng. Cứ đến tối, tôi dắt trâu vào chuồng, bao giờ cũng phải nhớ đóng róng. Chẳng biết đã nuôi bao nhiêu đời trâu, nhưng ba mặt tường, những con trâu cọ lưng đã ánh lên một nước màu đen bóng như mun. Rồi cái cầu ao bắc bằng tấm ván thôi, thày tôi đã xin được ở một đám cải mả nào đó...Tất tật đều gắn bó với cả nhà tôi. Bây giờ chúng đang hiện diện kia, như những con người nghèo khổ, rách rưới, nhưng lại có tâm, có tình muốn níu kéo những chủ nhân của nó, không muốn xa rời. Lúc sắp phải “chia tay”, tôi cảm thấy hình như ngôi nhà, cái ao, mảnh vườn, gốc mít, bờ tre, cái lối đi ra ngõ... đều có vẻ buồn, nom chúng thương thương, không nỡ dứt áo!  
        Ngày hai mươi nhăm tháng Tư năm một ngàn chín trăm sáu nhăm là một ngày lịch sử quan trọng đối với gia đình tôi cũng như những người của hợp tác xã Tân Phong. Từ tối hôm trước, không khí trong làng như có điều gì là lạ, không ồn ào náo nhiệt mà chỉ thấy những bước chân vồi vội từ nhà này sang nhà kia. Người ta bịn rịn chia tay nhau. Người ở lại chúc người ra đi sao cho chân cứng, đá mềm, làm ăn gặp nhiều may mắn...Người ra đi chúc người ở lại sống yên ổn và no đủ, tháng ba ngày tám không bị đứt bữa...
       Đêm ấy, thày bu tôi hình như không ngủ. Hai người cứ ra ra vào vào, nhìn trời, nhìn đất, rồi xem đi, xem lại những tài sản mang theo. Hai cái hòm gỗ từ thời Pháp thuộc, khi ông nội tôi làm máy khâu, nay được mang ra đựng quần áo của cả tám người trong nhà, cái lành, cái rách, cùng hai cái màn đã vá chằng, vá đụp nữa thì mới chặt hòm. Hai cái màn mới mua từ hồi trước cải cách ruộng đất, chưa được mười năm, thế mà  nay, thời gian đã nhuộm cho nó một màu nước dưa đậm đặc. Hai cái vại sành vẫn thường để ủ thuốc lào, nay được xếp vào đó những thau chậu, nồi xoong, bát đĩa, thức ăn khô, và cả những cái chổi rơm, vừa để khi đến nhà mới có chổi dùng ngay, vừa để cho êm, giữ nồi xoong, bát đĩa khỏi bị xóc...
       Thày tôi lưu tâm mang theo mấy thứ đồ thờ. Đó là những cây nến tiện bằng gỗ, sơn son thếp vàng từ thời cụ tôi để lại. Đặc biệt, là một cái hộp sắc của vua Bảo Đại phong cho ông nội tôi từ thời ông tôi làm chức chưởng bạ. Cái hộp tuy đã cũ lắm, nhưng vẫn còn nước sơn đỏ và hình con rồng vàng ở ngoài. Ông nội tôi mất, sau một năm tôi mới ra đời. Tuy không biết mặt ông, nhưng hằng ngày tôi vẫn được nhìn thấy tấm ảnh thờ ông mặc áo the, khăn xếp, khuôn mặt hiền từ. Tôi tự hào vì mỗi khi có người trong làng giới thiệu với ai đó về tôi: “Thằng cu này nó là cháu nội cụ Bạ đấy!”. Họ đều gọi ông tôi theo chức, chứ không gọi tên cúng cơm của cụ. Bây giờ đi Lào Cai, thầy tôi mang theo cái hộp gỗ sắc phong của ông nội, tôi cảm thấy như ông tôi, dù đã là người thiên cổ cũng đang nghe theo đường lối chính sách của Đảng và Chỉnh Phủ, đi xây dựng và phát triển kinh tế, văn hoá miền núi…
(còn nữa)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét