Thứ Tư, 23 tháng 12, 2015

Viết về quê hương

Chị sinh ngày 12 tháng 8 năm 1944 tại Vĩnh Bảo, Hải Phòng nhưng lớn lên và đi công tác, nghỉ hưu tại phường Kim Tân, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai.
Chị là vợ anh : Thành có Facebook là: https://www.facebook.com/profile.php?id=100009315162775
Vốn là giáo viên nên chi yêu văn thơ và hay làm thơ.
Xin giới thiệu một bài gần đây nhất của chị:

NHỚ HẢI PHÒNG
Đêm qua mơ về thăm quê
Dòng sông ấy , biển xanh kia ... vỗ về
Sáo diều ru mượt bờ tre
Rì rào rặng liễu ngoài đê nắng chiều
Cây bằng lăng tốt hơn nhiều
Từng chùm hoa tím vương chiều hoàng hôn
Nhà tôi ở thôn Nội Đơn*
Dừa xanh xanh ngát hai ven sông đào

Thi trấn Vĩnh Bảo đẹp sao
Con đường Nam - Bắc ra vào ngày đêm
Hải Phòng ơi ! thật êm đềm
Chợ đổ , cầu Rào thêm quãng đường nghiêng

Biển trong xanh sóng ru êm
Tàu hàng tấp nập cả đêm lẫn ngày
Hải Phòng của tôi mê say
Xa người tôi nhớ như say men nồng

Những ngày nắng những chiều đông
Màu hoa phượng ấy cháy hồng chờ mong
Nỗi nhớ tôi để trong lòng
Như con sông chảy về dòng xanh trong

(Tôi đã về thôn Nội Đơn làm nhà ở 4 năm từ 2004 đến 2008 trước nhà trồng một cây bằng lăng giờ đã to mùa hoa nở tím góc sông)
23/12/2015 ĐTN

(Nguồn: https://www.facebook.com/profile.php?id=100006855945570&hc_location=ufi)

Thứ Tư, 16 tháng 12, 2015

ĐI KHAI HOANG

Chân dung Nguyễn Ngọc Dương
Nhân chuẩn bị KỶ NIỆM 55 NĂM NGÀY ĐỒNG BÀO HẢI PHÒNG LÊN XÂY DỰNG KINH TẾ-VĂN HÓA-XÃ HỘI TẠI LÀO CAI, xin giới thiệu ba hồi ức: Đi khai hoang của Ngọc Dương, đã đăng trong tập Ký Hai miền Quê (NXB Hội Nhà Văn 2009).
Anh Nguyễn Ngọc Dương nguyên là Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Lào Cai. Anh vốn là người con của quê hương Tân Liên, Vĩnh Bảo, Hải Phòng cùng gia đình lên khai hoang tại Tân Phong, Phong Niên, Bảo Thắng, Lào Cai từ ngày 25/4/1965.
Hiện anh nghỉ hưu tại SN 028, đường N10, ph.Bắc Cường, tp.Lào Cai; ĐT: 0982 631 417; Email    : duongphonhom@gmail.com; Chủ Blog: http://ngocduonglc.blogspot.com/
(1)
                                                                   Bút ký của Ngọc Dương
           Những năm đầu thập niên 60 của thế kỉ XX, tỉnh Kiến An, sau này thuộc thành phố Hải Phòng đã kết nghĩa với Lào Cai, một tỉnh miền núi, đất rộng, người thưa để chuyển dân lên khai hoang, phát rừng làm nương rẫy. Đó là Cuộc vận động đồng bào đi xây dựng và phát triển kinh tế, văn hoá miền núi. Sau một năm nghỉ học về làm ruộng và tham gia một số công việc ở làng như: Tổ trưởng tổ thông tin tuyên truyền, giáo viên vỡ lòng, đội viên văn nghệ..., tôi được chọn vào diện cảm tình Đoàn. Trong đợt này, Chi đoàn tuyên truyền, giác ngộ tôi về ý nghĩa của cuộc vận động và giao cho  trách nhiệm vận động gia đình đi Lào Cai. Nhưng bu tôi đã là người quyết định sự kiện trọng đại này. Được biết, ngay sau khi Nhà nước Việt nam Dân chủ Cộng hòa ra đời năm 1945 thì năm 1946, bà là ủy viên BCH Hội phụ nữ xã, đã là một trong những người tích cực thực hiện lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh quyên góp vàng bạc, đồ trang sức ủng hộ Chính phủ chuẩn bị cho cuộc kháng chiến, kiến quốc. Sau này, bà còn tham gia vào Ban chấp hành Nông hội, hễ có chủ trương, chính sách gì của Đảng, Chính phủ, bu tôi đều tích cực bàn bạc với thày tôi để gương mẫu thực hiện. Còn thày tôi thì chẳng có chuyện gì quan trọng, bu tôi bảo sao thày tôi cũng “ừ”. Chuyện đi khai hoang bấy giờ cũng vậy. Trong thâm tâm, bu tôi rất muốn gương mẫu thực hiện một chính sách lớn của Đảng. Mặt khác, nghe nói, nơi ấy có “rừng vàng”, nếu chẳng may bị mất mùa, vào trong rừng cũng kiếm được vô khối thứ ăn sống người. Nào là các loại rau, củ như nấm, măng, mộc nhĩ, củ mài...; các loại động vật như gà rừng, lợn lòi, hươu, nai, cầy, cáo... săn được, ăn thoải mái!.. Đang đói, chỉ nghe thế đã thèm. Rồi Nhà nước lại có chính sách ba năm đầu cấp không gạo, thuốc chữa bệnh cho người đi khai hoang... Ở làng, đời sống khó khăn đã kéo dài chục năm, khi có cuộc vận động này khác nào người sắp chết đuối vớ được cái phao. “Đói thì đầu gối phải bò”!  Tất cả những lí do trên khiến thày bu tôi đã quyết. Quả thật, nếu thày, bu tôi đã không muốn thì tôi, một thằng “nhãi ranh bắt mũi chưa sạch” làm sao có thể “vận” được? Ấy thế mà tôi lại được Chi đoàn đánh giá cao: “Đồng chí đã có thành tích xuất sắc trong việc vận động gia đình thực hiện tốt đường lối, chính sách của Đảng...” Và vì vậy, tôi nhanh chóng được vinh dự kết nạp vào Đoàn thanh niên lao động Việt Nam trước ngày lên đường hai tuần lễ. Chuyện này giờ nghĩ lại, tôi vẫn còn xấu hổ, và tự nhạo mình là cứ “ngậm miệng ăn tiền” để  “nhận vơ” thành tích!
        Nói thì nói vậy thôi, dù phía trước là một tương lai rạng rỡ đang vẫy gọi, cũng đâu có dễ dàng dứt bỏ quê hương, nơi chôn rau cắt rốn. Đó là ngôi nhà gỗ năm gian từ đời cụ kị để lại, mặc dù chân cột đã mòn vẹt, cánh cửa cái mất cái còn, đòn tay mọt, mái rạ cùn. Đó là cái ao mấy chục mét vuông, nước vàng khè, đã bao đời tắm gội, giặt giũ, thả bèo, nuôi cá. Đó là mảnh vườn nhỏ cằn cỗi vài cây lưu niên như hồng, mít, dừa, khế, chanh, bòng mỗi thứ chỉ có một cây, hầu như đến mùa quả của chúng cũng chỉ đủ để ăn chơi hoặc cho trẻ con vặt trộm. Đó là những bụi tre gai trồng sát bờ ao, thỉnh thoảng được thày tôi chặt một cây, pha ra, đan cái rổ, cái rá, đỡ phải mua chợ và đôi khi cũng bán được vài cây, có tiền mua mắm, mua muối. Đó là cái chuồng trâu tường chình bằng đất, lợp rạ, ở gần cửa có hai cái lỗ để xiên vào một đoạn tre đực làm róng. Cứ đến tối, tôi dắt trâu vào chuồng, bao giờ cũng phải nhớ đóng róng. Chẳng biết đã nuôi bao nhiêu đời trâu, nhưng ba mặt tường, những con trâu cọ lưng đã ánh lên một nước màu đen bóng như mun. Rồi cái cầu ao bắc bằng tấm ván thôi, thày tôi đã xin được ở một đám cải mả nào đó...Tất tật đều gắn bó với cả nhà tôi. Bây giờ chúng đang hiện diện kia, như những con người nghèo khổ, rách rưới, nhưng lại có tâm, có tình muốn níu kéo những chủ nhân của nó, không muốn xa rời. Lúc sắp phải “chia tay”, tôi cảm thấy hình như ngôi nhà, cái ao, mảnh vườn, gốc mít, bờ tre, cái lối đi ra ngõ... đều có vẻ buồn, nom chúng thương thương, không nỡ dứt áo!  
        Ngày hai mươi nhăm tháng Tư năm một ngàn chín trăm sáu nhăm là một ngày lịch sử quan trọng đối với gia đình tôi cũng như những người của hợp tác xã Tân Phong. Từ tối hôm trước, không khí trong làng như có điều gì là lạ, không ồn ào náo nhiệt mà chỉ thấy những bước chân vồi vội từ nhà này sang nhà kia. Người ta bịn rịn chia tay nhau. Người ở lại chúc người ra đi sao cho chân cứng, đá mềm, làm ăn gặp nhiều may mắn...Người ra đi chúc người ở lại sống yên ổn và no đủ, tháng ba ngày tám không bị đứt bữa...
       Đêm ấy, thày bu tôi hình như không ngủ. Hai người cứ ra ra vào vào, nhìn trời, nhìn đất, rồi xem đi, xem lại những tài sản mang theo. Hai cái hòm gỗ từ thời Pháp thuộc, khi ông nội tôi làm máy khâu, nay được mang ra đựng quần áo của cả tám người trong nhà, cái lành, cái rách, cùng hai cái màn đã vá chằng, vá đụp nữa thì mới chặt hòm. Hai cái màn mới mua từ hồi trước cải cách ruộng đất, chưa được mười năm, thế mà  nay, thời gian đã nhuộm cho nó một màu nước dưa đậm đặc. Hai cái vại sành vẫn thường để ủ thuốc lào, nay được xếp vào đó những thau chậu, nồi xoong, bát đĩa, thức ăn khô, và cả những cái chổi rơm, vừa để khi đến nhà mới có chổi dùng ngay, vừa để cho êm, giữ nồi xoong, bát đĩa khỏi bị xóc...
       Thày tôi lưu tâm mang theo mấy thứ đồ thờ. Đó là những cây nến tiện bằng gỗ, sơn son thếp vàng từ thời cụ tôi để lại. Đặc biệt, là một cái hộp sắc của vua Bảo Đại phong cho ông nội tôi từ thời ông tôi làm chức chưởng bạ. Cái hộp tuy đã cũ lắm, nhưng vẫn còn nước sơn đỏ và hình con rồng vàng ở ngoài. Ông nội tôi mất, sau một năm tôi mới ra đời. Tuy không biết mặt ông, nhưng hằng ngày tôi vẫn được nhìn thấy tấm ảnh thờ ông mặc áo the, khăn xếp, khuôn mặt hiền từ. Tôi tự hào vì mỗi khi có người trong làng giới thiệu với ai đó về tôi: “Thằng cu này nó là cháu nội cụ Bạ đấy!”. Họ đều gọi ông tôi theo chức, chứ không gọi tên cúng cơm của cụ. Bây giờ đi Lào Cai, thầy tôi mang theo cái hộp gỗ sắc phong của ông nội, tôi cảm thấy như ông tôi, dù đã là người thiên cổ cũng đang nghe theo đường lối chính sách của Đảng và Chỉnh Phủ, đi xây dựng và phát triển kinh tế, văn hoá miền núi…
(còn nữa)

Thứ Hai, 14 tháng 12, 2015

MỐI TÌNH SAU CHIẾN DỊCH MẬU THÂN

CCB Bộ đội Pháo binh D107, từ Trái qua Phải là: Vũ Xuân Thái, Hồ Thị Ánh Tuyết,
Lý Quang Cấn, Vũ Đình Hường và Nguyễn Văn Rạng
Giữa những năm 60 của thế kỷ trước, Đế quốc Mỹ phát động chiến tranh ra cả 2 miền Nam Bắc.
Cùng với hàng trăm thanh niên các dân tộc Lào Cai, Vũ Xuân Thái vừa chân ướt chân ráo cùng bố mẹ từ Hải Phòng lên khai hoang lập nghiệp tại xã Xuân Giao, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai đã viết đơn bằng máu tình nguyện lên đường vào Nam đánh Mỹ.
Sau những ngày huấn luyện tại Tam Đảo-Tam Dương-Vĩnh Phúc, đơn vị của Thái được lệnh hành quân vượt Trường Sơn vào Na,
Trước Tết 1967 sang năm 1968 Đại dội anh được biên chế chính thức vào Tiểu đoàn Pháo binh 107 thuộc Trung đoàn 401 tỉnh Quảng Ngãi. Nơi đơn vị đóng quân là vùng “Cài răng lược” chỉ các thị xã Quảng Ngãi hơn 10km. Nhân dân xã Nghĩa Thắng huyện Tư Nghĩa mặc dù đời sống rất khó khăn vẫn giành những tấm bánh tét thật ngon cho bộ đội và hôm 29 tết đơn vị mổ một con trâu nên Tết đó bộ đội đón Xuân rất vui.
Tối 30 Tết, cả đơn vị được lệnh sẵn sang chiến đấu, Vũ Xuân Thái cùng Vũ Đình Hường (cũng quê Hải Phòng lên khai hoang tại Lào Cai, pháo thủ số 1 cối 82 ly) cùng các khẩu đội khác ém quân bên một sườn đồi bát úp. Nhìn về thị xã Quảng Ngãi đè điện sáng trưng, Thái và đồng đội cảm thấy nhớ nhà, thèm khát được hưởng một đêm Giao thừa ấm cúng cùng bố mẹ và anh chị em. Nhưng đây là mệnh lệnh chiến đấu nên tất cả im lặng chờ đợi. Công sự bên cạnh là nơi đóng của Chỉ huy Tiểu đoan. Bên đó, chiếc đài bán dẫ hiệu “Siêng Mao” đang phát đi chương trình đón Giao thừa. Các anh nghe rõ tiếng trầm hùng của Nghệ sĩ Quốc Hương hát bài: “Giải phóng miền Nam, chúng ta cùng quyết tiến bước. Diệt đế quốc Mỹ, phá tan bè lũ bán nước….” như thôi thúc mọi người “Vùng lên! Xông pha vượt qua bão bùng” hướng về miền Nam ruột thịt . Ngay sau đó các anh im lặng như nuốt lấy từng lời Bài thơ Chúc Tết của Bác Hồ:
Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua,
Thắng trận tin vui khắp nước nhà,
Nam Bắc thi đua đánh giặc Mỹ.
Tiến lên!
                  Toàn thắng ắt về ta!
Vừa lúc đó, trên bầu trời phía bên trái xuất hiện ba phát pháo hiệu, Đại đội trưởng Hoàn hô to: Giờ G đã điểm, chuẩn bị bắn!”, các Pháo thủ đã sắn sàng. Khi khẩu lệnh “Bắn” vừa dứt thì hàng loạt quả đạn pháo đỏ lừ lừ thun thút ra khỏi nòng, nã trúng các mục tiêu đã định.
Lúc đầu Xuân Thái cũng run run nhưng rồi trấn tĩnh được ngay. Anh cùng Vũ Đình Hường đã chỉnh khẩu pháo 82 ly bắn chính xác vào Nhà Đèn (trung tâm điều phối điện) và Đài Phát thanh.
Sau loạt đạn đầu, các anh nhanh chóng di chuyển sang bên trái tránh hỏa lực của địch từ bờ biển điên cuồng bắn trả.
Rạng sáng Mồng Một Tết Đại đội của Vũ Xuân Thái phối hợp cùng bộ binh  phá tan Nhà Đèn, chiếm Đài Phát thanh.
Thừa thắng, bộ đội các Tiểu đoàn 81, 83, 107 và đơn vị đặc công 406 tiến đánh cầu Trà Khúc, chi khu Sơn Tịnh, sân bay Quảng Ngãi, Ty An ninh giải thoạt nhiều tù chính trị.
Tuy nhiên, bộ đội ta cũng bị thương von nghiều. Vũ Xuân Thái cùng các y tá đơn vị tổ chức băng bó và đưa thương binh về tuyến sau.
Trong lúc đang băng cho một chiến sĩ, Thái thấy một nữ y tá quân giải phóng mặt đen sạm khói bụi nhanh nhẹn nhảy từ công sự nọ sang công sự kia băng bó vết thương cho các chiến sĩ. Trong lúc tiếng súng tạm ngưng, Thái dò hỏi và được biết đó là chiến sĩ liên lạc kiêm y tá của Trung đoàn 402 tên là Hồ Thị Ánh Tuyết. Khi đến gần Thái mới biết đó là một cô gái khá xinh, nói đặc giọng Quảng Ngãi và anh rất có cảm tình.
Đến tối, đơn vị được lệnh rút về căn cứ, Thái muốn đi tìm Tuyết nhưng trận địa ngổn ngang, việc quân khẩn cấp nên anh đành chịu.
Nhưng năm sau đó, Vũ Xuân Thái cùng đồng đội đánh hàng trăm trận lớn nhỏ. Nhớ nhất là trận đánh ở Sa Hynhf xóa sổ một Tiểu đoàn địch hay trận đánh quân đổ bộ hàng không thuộc Sư đoàn Americon tiêu diệt 24 máy bay trực thăng, hơn 100 sĩ quan Mỹ và lính Pắc Chung Hi.
Mùa Xuân năm 1975 Vũ Xuân Thái cùng đơn vị tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh rồi được điều động về làm Giám đốc Traiju Tù binh ngụy F7E.
Trong những năm tháng chiến tranh khốc liệt đó, đến đâu Cũ Xuân Thái cũng dò hỏi và tìm cô nữ ý tá xinh đẹp dễ mến gặp hồi Tết Mậu Thân và tình yêu của anh bộ đội giải phóng người Hải Phòng ra đi từ Lào Cai đã được đền đáp.
Lúc này quê hương Tư nghĩa của Hồ Thị Ánh Tuyết đã được giải phóng và Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 107 Nguyễn Nhật Thắng đã thay mặt “họ nhà Trai” đến tận gia đình làm thủ tục “ăn hỏi” Ánh Tuyết cho Xuân Thái. Trở thành rể Quảng Ngãi, nơi có bao kỷ niệm buồn vui thương đau và đây là nơi “chôn nhau cắt rốn” nên Ánh Tuyết cũng chẳng muốn xa dời.
Nhưng ở Lào Cai, Xuân Thái còn bố, mẹ, anh em, còn những kỷ niệm, ước mơ mà ngày đặt chân lên xây dựng quê mới Thái hằng ấp ủ chưa kịp thực hiện. Thái quyết định trở về tỉnh biên giới Lào Cai và vợ anh cũng đồng ý theo chồng ngược ra Bắc.
Hai vợ chồng anh về đất Xuân Giao vào sau Tết 1976. Nghị lực, ý chí của người lính, vốn thực tế những năm tháng lăn lộn ở chiến trường lại được gia đình, họ mạc, bà con đùm bọc, giúp đỡ cộng với sự chịu thương chịu khó của cặp vợ chồng Cự chiến binh nên kinh tế gia đình ngày một khấm khá.
Hiện nay, anh chị có một đồi chè 4000 m2 mỗi năm thu hàng tấn chè búp, một ao hơn 4 sào Bắc bộ nuôi thả nhiều loại cá, 7 sào ruộng 2 vụ, nuôi 2 con trâu. Anh còn tham gia công tác xã hội, như: Bí thư Chi bộ thôn, Phó Ban Công an xã, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã…và anh luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ, được nhân dân tin tưởng, yêu mến.
Cô gái xứ Quảng Ánh Tuyết đã vượt qua cái bỡ ngỡ ban đầu, nhanh chóng hòa đồng với đại gia đình họ Vũ, với bà con chò xóm và đặc biệt chị khá thành thạo tiếng Tầy nên giao tiếp dễ dàng với bà con.
Gặp anh chị trong ngày Hội làng tôi thực sự vui vì thấy anh chị khỏe mạnh, rắn rỏi trong những bộ quân phục cũ, ngực lấp lánh những Huân, Huy chương, Huy hiệu “dũng sĩ diệt Mỹ”…
Khi ngồi viết những dòng kỷ niệm này, tôi càng khâm phục tình yêu nồng cháy bùng lên sau trận Tổng tấn công Mùa Xuân Mậu Thân hồi ấy được anh chị nâng niu, gìn giữ.
Anh chị thật xứng danh ANH BỘ ĐỘI CỤ HỒ và xứng đáng với quê hương Hải Phòng-Quảng Ngãi-Lào Cai kiên cường, anh dũng.

Vũ Đình Hường
SN 050 đường Trần Nhật Duật, phường Kim Tân, thành phố Lào Cai.
(Phó Chủ tịch Hội Đồng hương Hải Phòng tỉnh Lào Cai)

CHIẾC ÁO MẦU XANH

Tác giả tại buổi Gặp mặt đầu Xuân 2015 HĐHHP phường Kim Tân
Anh ngã xuống tuổi mới đôi mươi,
Không vợ con, chưa mảnh tình thương nhớ.
Anh cởi trao tôi áo anh mặc dở
Áo mầu xanh vài vết đạn xuyên.

Tôi mặc áo anh
Những năm tháng không quên,
Chiếc áo mang tên hai người đồng chí.

Tôi may mắn còn được về quê mẹ
Mang chiếc áo theo cả vết thương đau.

Hòa bình đã lâu và mãi mãi về sau…
Không thể nào quên vết thương trên áo
Mỗi vết đạn xuyên một người đổ máu
Và đồng đội tôi mãi mãi ở chiến trương.

Vũ Đình Hường
SN 050 đường Trần Nhật Duật, phường Kim Tân, thành phố Lào Cai.
(Phó Chủ tịch Hội Đồng hương Hải Phòng tỉnh Lào Cai)