1. Sự tiếp nối truyền thống cha ông:
Di dân là một quy luật khách
quan phản ánh đòi hỏi phát triển của mọi quốc gia cũng như của Việt Nam, nó góp
phần phân bố lại dân cư, sử dụng hợp lý các nguồn lực sức lao động và tài
nguyên nhằm phục vụ cho phát triển kinh tế và xoá đói giảm nghèo đồng thời thúc
đẩy phát triển kinh tế - xã hội giữa các vùng miền trong cả nước gắn với mục
tiêu bảo vệ an ninh và quốc phòng.
Ngược dòng lịch sử ta thấy
rõ: từ ngàn xưa giữa đồng bằng sông Hồng và miền núi phía Bắc có quan hệ chặt
chẽ, sâu sắc trước hết dưới góc độ tự nhiên và theo đó là quan hệ chặt chẽ về kinh tế, chính trị và văn
hóa. Lịch sử như một vòng xoáy: tổ tiên người Việt vốn có cội nguồn ở khu vực
miền núi và trung du và khi ra khỏi cuộc sống hang hốc họ đã đã chuyển dịch
xuống vùng đồng bằng đang trong quá trình hình thành. Hàng ngàn năm sau, đồng
bằng trở lên “đất chật, người đông” và hậu duệ của những cư dân khai phá đồng
bằng năm xưa lại ngược bước chân tổ tiên mình lên miền núi khai hoang những
vùng “đất rộng người thưa”.
Thời hiện đại, sau khi kết
thúc cuộc kháng chiến chống Pháp và miền Bắc được giải phóng, Nghị quyết Trung
ương V (tháng 7/1961) về phát triển nông nghiệp nhằm thực hiện kế hoạch 5 năm
lần thứ nhất (1961-1965) đã chủ trương đưa đồng bào miền xuôi lên khai hoang
miền núi. Cũng trong năm 1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát động phong trào
miền xuôi đi xây dựng và phát triển kinh tế - văn hoá miền núi dưới sự lãnh đạo
của Đảng và Nhà nước. Đây là cuộc di dân có tổ chức lớn nhất, có ý nghĩa cực kỳ
quan trọng và lịch sử đã chứng minh những bài học kinh nghiệm từ những năm 1960
vẫn còn nguyên giá trị.
2. Bối cảnh mới, cần có những
quyết sách mới:
Những
năm 60 của Thế kỉ XX là những năm Miền Bắc đã hoàn thành cải cách ruộng đất và
khôi phục kinh tế, đến 1958 bắt tay vào cải tạo XHCN và hoàn thành trong năm
1960. Quán triệt Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ III tháng 9/1960 của
Đảng, thực hiện Kế hoạch 5 năm lần thứ Nhất đưa miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã
hội, tiếp tục cuộc đấu tranh chống Mỹ cứu nước hoàn thành cách mạng dân tộc dân
chủ ở miền Nam, thực hiện thống nhất nước nhà.
Trong
bối cảnh đó, Bộ Chính trị chủ trương: “… mở một
cuộc vận động giáo dục sâu rộng về việc thực hiện nhiệm vụ khai hoang trong
nhân dân, định rõ trách nhiệm cho các địa phương trong công tác chỉ đạo khai
hoang… tạo điều kiện tiếp thu thêm nhân lực để khai hoang”. Mục đích
là: “Xây dựng dần dần miền núi thành những vùng nông nghiệp mới có tính
toàn diện, biến miền núi từ một nền kinh tế tự cấp tự túc, dần dần trở thành
một nền kinh tế có nhiều sản phẩm hàng hoá; không ngừng cải thiện đời sống nhân
dân các dân tộc và phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hoá XHCN và củng cố quốc
phòng”.
Quán triệt chỉ đạo của Đảng,
tại Đại hội Đảng bộ tỉnh Lào Cai lần thứ III, tháng 2/1961 xác định mục
tiêu, nhiệm vụ khai thác tiềm năng nông nghiệp, lâm nghiệp trên địa bàn. Đây
cũng là việc mở hướng thu hút nhiều nhân lực mới từ miền xuôi lên, góp phần
phân bố lại dân cư tại địa phương, hỗ trợ các tỉnh miền xuôi trong tổng thể nền
kinh tế chung của miền Bắc trước tình hình mới.
Thực hiện mục tiêu trên đòi
hỏi công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện đồng bộ, có biện pháp tác động mạnh mẽ
tới phong trào địa phương, nhất là ở cơ sở. Đảng bộ tỉnh Lào Cai chủ trương: “Tích
cực củng cố phong trào hợp tác hoá trong nông nghiệp, đưa toàn bộ các hộ nông
dân vào HTX; Phát huy tính ưu việt của quan hệ sản xuất mới và sức mạnh tập thể
để tiến hành thuỷ lợi hoá, xây dựng các công trình thuỷ lợi vừa và nhỏ, từng
bước chủ động tưới tiêu, thúc đẩy khai hoang, phục hoá và tăng vụ; vận động
nhân dân thâm canh, đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất như: Giống
mới, sử dụng phân chuồng, phân xanh, làm cỏ sục bùn, không để nước chảy tràn
bờ; Phát triển cây dược liêụ, giống rau màu và cây ăn quả; Hình thành dần các
vùng sản xuất có trọng điểm như vùng lúa Bảo Thắng, Mường Khương; ngô-đậu tương
Bắc Hà, Mường Khương, vùng dược liệu, hạt rau Sa Pa, Bắc Hà; khuyến khích thành
lập các HTX tiểu Thủ công nghiệp, sản xuất nông cụ cầm tay phục vụ nông - lâm
nghiệp và chế biến thực phẩm. Những giải pháp trên nguồn nhân lực mới được bổ
sung sẽ là lực lượng nòng cốt triển khai, đồng thời thúc đẩy đồng bào dân tộc
thiểu số tham gia”.
3. Những chủ trương, kế hoạch,
bước đi thích hợp của 2 tỉnh:
Để cuộc vận động có hiệu
quả, tỉnh Lào Cai đã tổ chức các đoàn cán bộ về trao đổi công tác với các tỉnh
đồng bằng như Kiến An, Hải Dương, Nam Định, Hà Nam, Thái Bình và tiến hành kết
nghĩa toàn diện và xây dựng, thông qua được chủ trương, Nghị quyết chung
giữa Tỉnh uỷ Lào Cai với các tỉnh. Nhiều biện pháp được tiến hành đồng bộ, như
đưa cán bộ cơ sở các tỉnh miền xuôi lên khảo sát thực tế, cử các đoàn cán
bộ địa phương, cơ sở ở Lào Cai về xuôi tham quan, thành lập các Ban liên hợp để
chỉ đạo.
- Đáng chú ý, ngày 28/4/1961 Tỉnh uỷ Kiến An ra Quyết nghị số 4/QNN/TU lập bộ phận “Nghiên
cứu và xây dựng kế hoạch, tổ chức vận động nhân dân đi khai hoang ở tỉnh Lào
Cai” gồm 4 đ/c do đ/c Tụng (Tỉnh uỷ viên,
Trưởng ban công tác nông thôn) phụ trách.
Bộ phận
này đã xúc tiến nhiều việc trong đó có việc khắc phục khó khăn về giao thông, khảo sát thực tế
tại Lào Cai. Sau đó ngày 12/11/1961 Hội
nghị Đại biểu BCH tỉnh Đảng bộ 2 tỉnh Kiến An (Bí thư Lê Huy là Trưởng đoàn) và Lào Cai (Bí thư kiêm Chủ tịch Hoàng Trường Minh là trưởng đoàn) đã ra Nghị
quyết về việc kết nghĩa toàn diện giữa 2 tỉnh, trong đó có việc vận động nhân dân Kiến
An lên Lào Cai khai hoang nhằm “phối hợp điều hòa nhân lực và phát
triển kinh tế giữa hai tỉnh” với 5 năm 1961-1965 vận động 8-9 vạn
nhân dân Kiến An lên Lào Cai.
Sau khi
Ban Bí thư nhất trí chủ trương, Quốc hội khóa II, tại kì họp thứ 5 ngày
27/10/1962 đã ra Nghị quyết hợp nhất Hải Phòng-Kiến An lấy tên là Hải Phòng.
Đại hội Đảng bộ lần thứ Nhất (10/7-14/7/1963)
đề ra nhiều quyết sách, trong đó có việc tiếp tục đưa nhân dân Hải Phòng lên
khai hoang tại Lào Cai.
- Trong
khi đó, Đại hội Đảng bộ tỉnh Lào Cai khóa IV họp 15/6/1963 đã rút kinh nghiệm
và khẳng định: “việc tiếp nhận đồng bào miền xuôi cần khẩn trương, không kể
thời vụ, tiến hành cả 4 mùa. Đảm bảo chế độ chính sách trợ cấp về lương thực,
thực phẩm và vải cho đồng bào khai hoang” . Trong điều kiện đó, ngày 05/9/1963
Phó Chủ tịch UBHC tỉnh Lào Cai dẫn đầu đoàn đại biểu tỉnh Lào Cai gồm 17 người
về thăm Hải Phòng. Trong 10 ngày lưu lại thành phố Cảng đoàn đã được Hải Phòng
đón tiếp và 2 tỉnh đi đến nhiều quyết sách mới.
Đây là
cuộc vận động lớn, công tác chính trị tư tưởng được coi trọng và có nhiều cách làm
mới có ý nghĩa cách mạng to lớn, đóng góp vào cuộc cách mạng tư tưởng - văn
hoá, cách mạng quan hệ sản xuất, cách mạng KHKT. Do vậy, đã đem
lại luồng sinh khí mới cho cuộc vận động dãn dân ở các tỉnh miền xuôi và tinh
thần xây dựng hậu phương lớn, đón nhận đồng bào lên xây dựng quê mới ở Lào Cai.
Các
đoàn công tác kết nghĩa tỉnh, huyện, xã đã về tận địa bàn nơi dân đi, dân đến các
địa phương theo quy hoạch tiến hành khảo sát thực tế, làm tốt công tác chuẩn bị nhằm tạo sự
hiểu biết, tin tưởng vào chủ trương cuộc vận động, phá bỏ nhiều mặc cảm về miền
núi, dân tộc. Cụ
thể:
- Nhiều
thôn, xã miền xuôi tổ chức nhiều hình thức vận động, cho họp họ, họp thôn, vận
động, giao nhiệm vụ cho đảng viên chỉ đạo, cùng đồng bào lên lập nghiệp ở quê
mới.
- Trong khi đó ở Lào Cai, chính
quyền các cấp đã làm tốt công tác tuyên truyền đón đồng bào xuôi lên, nhường
đất canh tác, giúp các hộ mới làm nhà, nhanh chóng ổn định đời sống.
Có chủ trương đúng, thông
trong tư tưởng, Việc tổ chức thực hiện đã đạt nhiều kết quả với bước đi phù
hợp:
Mở đầu, tháng 3/1961, hơn
500 cán bộ, đảng viên, lao động trẻ khoẻ là những người con ưu tú của các làn
xã trong các huyện Vĩnh Bảo, Tiên Lãng, Kiến Thuỵ, An Lão, An Dương, Đồ Sơn
thuộc Kiến An có mặt trong đoàn khai hoang lên xây dựng Hợp tác xã tập trung
Sơn Hải thuộc xã Sơn Hà (1965 tách ra thành 2 xã là Sơn Hà và Sơn Hải), huyện
Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai mà các Đội được thành lập lấy ngay tên huyện ở quê làm
tên Đội.
Sau đoàn đầu tiên ấy, tỉnh
Lào Cai tiếp nhận thêm trên 600 cán bộ, đảng viên, lao động chính, khoẻ mạnh
của Hải Phòng lên xây dựng 2 hợp tác xã tập trung là An Trà (xã Sơn Hà), Tân
Thành (xã Phố Lu) đều thuộc huyện Bảo Thắng. Tiếp theo đồng
bào từ tỉnh Kiến An lên được lãnh đạo tỉnh Lào Cai cùng lãnh đạo các huyện Bảo
Thắng, Mường Khương, Bát Xát đón tiếp tại Ga Phố Lu, Làng Giàng, Phố Mới đưa về các bản, xã. Đến 1963 đã thành lập 25 HTX
khai hoang độc lập và 22 hợp tác xã xen kẽ đồng bào khai hoang và đồng bào sở
tại trong tổng số 410 HTX tại Lào Cai. Nhiều điển hình tiên tiến trong sản xuất
xây dựng tại các HTX khai hoang như An Trà, Sơn Hải, Giao Bình, Hoà Lạc, An
Lạc (Bảo Thắng), An San, Quang Kim,
Đông Thái (Bát Xát) Bản Sen (Mường Khương), Bản Mẹt, Bảo Tân (Bắc Hà), Đông Du, Đông Xá, Tân Khai (Sa Pa) được nhân ra diện rộng. Trong số đó, có Sơn Hải[1] với mỗi Đội mang tên một huyện (An
Lão, Kiến Thụy, Tiên Lãng, Vĩnh Bảo) ở quê cũ Kiến An.
Ngoài
Hải Phòng, còn có các tỉnh Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nam, Thái Bình đưa đồng bào
các địa phương này lên khai hoang và kéo dài tới 1974. Nhưng Kiến An (sau 1963 là
Hải Phòng) là tỉnh đầu tiên đưa đồng bào lên khai hoang tại Lào Cai một cách có
kế hoạch, có nghị quyết lãnh đạo giữa 2 tỉnh và đã thực hiện thành công việc
đưa hàng vạn đồng bào miền xuôi lên lập nghiệp lập nên nhiều
HTX độc lập và xen ghép trải khắp tỉnh Lào Cai trong suốt 14 năm (1961-1974).
Kiến An (Hải Phòng) đã phối hợp chặt chẽ với tỉnh Lào Cai đề ra nhiều chính sách mới nhằm hỗ
trợ đồng bào miền xuôi lên sớm định cư, ổn định đời sống, như cung cấp lương
thực theo khẩu 6 tháng đầu mới lên, chính sách hỗ trợ khai hoang phục hoá,
chính sách về khám chữa bệnh, …Đồng bào dân tộc sở tại chung sức tham gia cuộc vận động, nhường chỗ ngủ ngày đầu,
hỗ trợ giúp làm lán, nhường ruộng, nhường đất thổ cư, thổ canh, chia sẻ kinh
nghiệm sống và canh tác… là đòn bẩy tích cực cho cuộc vận động.
Vừa ổn định chỗ ăn ở, sản
xuất cho đồng bào, cấp ủy Đảng đã chú trọng triển khai việc củng cố chính quyền cơ sở và xây dựng chi bô Đảng “4 tốt”. Trong quá trình ấy, nhiều cán bô miền xuôi lên được bổ sung vào đội ngũ cán bộ cơ sở xã khai
hoang, nhiều chi bộ Đảng mới được thành lập, trong đó có nhiều chi bộ đảng viên
mới lên và đảng viên là người dân tộc sinh hoạt ghép, hỗ trợ nhau về kinh
nghiệm, năng lực và nắm được thực tiễn. Sự “hợp nguồn” giữa cán bộ địa phương và cán bộ nơi
khác đến trong cơ cấu lãnh đạo cấp ủy và chính quyền được thể hiện qua các kỳ
Đại hội Đảng hoặc lãnh đạo bầu cử HĐND, góp vào bài học kinh nghiệm lãnh đạo
của Đảng bộ.
Liên tục những năm sau đó,
nhiều đoàn lao động ưu tú, trẻ khỏe của Hải Phòng tiếp tục được gửi đến Lào Cai
mở rộng sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn an ninh trật tự. Ngoài
ra, Hải Phòng còn cử hàng trăm cán bộ khoa học kỹ thuật, bác sĩ, kỹ sư, giáo
viên lên Lào Cai công tác.
Khi cuộc chiến phá hoại bằng
không quân của đế quốc Mỹ lan rộng ra miền Bắc, phong trào đi khai hoang có lắng
xuống, nhưng vẫn có nhiều hộ tiếp tục lên quê mới Lào Cai và trở thành việc
điều tiết nhân lực, phân bố dân cư bình thường diễn ra theo quy luật chung của
cả nước. Năm 1975 đất nước thống nhất, cả nước đi lên CNXH. Năm 1976, tỉnh Lào Cai
sáp nhập với tỉnh Yên Bái, một phần tỉnh Nghĩa Lộ thành tỉnh Hoàng Liên
Sơn và sau chiến tranh biên giới năm 1979, các đợt tăng cường cán bộ lên tham
gia xây dựng pháo đài biên giới, nhiều người ở lại định cư và đưa gia đình lên
tiếp tục xây dựng quê mới tại Lào Cai. Từ năm 1961 đến năm 1975, Lào Cai đã đón
nhận 18 vạn đồng bào miền xuôi, một nguồn lực lao động mới đã lên xây dựng kinh
tế và định cư, các huyện Văn Bàn, Bảo Yên thời kỳ này thuộc tỉnh Yên Bái cũng đón nhận gần 2 vạn người.
4. Kết quả đạt được của cuộc
vận động và đóng góp của đồng bào:
Trong những năm 1960 đến
1974, người Hải Phòng lên Lào Cai tập trung chủ yếu ở Tằng
Loỏng, Phú Nhuận, Phố Lu, Sơn Hà, Phong Niên, Xuân Quang, Trì Quang thuộc
huyện Bảo Thắng, Cốc San, Quang Kim thuộc Bát Xát và Bảo Nhai của Bắc Hà.
Nhiều địa danh mới với tên ghép ấm tình miền sơn cước và gợi nhớ về cố hương
Kiến An đã ra đời. Đó là: An Trà (Kiến
An-Bản Trà), An Phong (An Lão-Phong
Niên), Vĩnh Phong (Vĩnh Bảo-Phong
Niên), Tân Phong (Tân Liên-Phong
Niên)... ở Bảo Thắng; An Quang (Kiến
An-Quang Kim) ở Bát Xát...
Trong những ngày đầu bỡ ngỡ
đó, máu xương, mồ hôi mặn mòi vùng châu thổ hòa với máu xương, mồ hôi chân chất
vùng sơn cước đã đổ xuống, xây dựng mảnh đất “phên dậu quốc gia” này.
Đồng bào Hải Phòng lên khai hoang
trên quê mới ở miền núi đã mang theo tinh thần cách mạng xã hội chủ nghĩa đang
triển khai ở quê lên tích cực triển khai ở quê mới Lào Cai. Họ nhanh chóng vượt
qua những bỡ ngỡ về phong tục, tập quán, về ngôn ngữ; những lo ngại về rừng
thiêng nước độc, giao thông đi lại khó khăn, thiếu bệnh viện, trường học và cả
những va chạm với dân địa phương mới nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp ban đầu. Được sự động viên giúp đỡ
của chính quyền và đồng bào sở tại về chỗ ở, nhân lực, vật lực, đồng bào mới lên đã tích cực
khai hoang, phục hoá, năm 1963 đã khai hoang 1 000 ha ruộng nước, 300 ha ruộng
bậc thang. Sau đó, người
khai hoang mạnh dạn đưa tiến bộ kỹ thuật và kinh nghiệm sản xuất lúa nước vùng
châu thổ vào sản xuất thâm canh, tạo ra phong trào mới trong sử dụng phân
chuồng, phân xanh, làm bèo hoa dâu, làm cỏ sục bùn.
Đặc
biệt đã dấy lên phong trào hợp tác hoá đi liền với thủy lợi hoá, hàng trăm
mương phai, hồ chứa nước như công trình thuỷ lợi Gia Phú, Phú Nhuận, Bảo Nhai,
Na Quynh, Bản Lợi đã được xây dựng. Công cụ sản xuất cũng được bổ sung, cải
tiến cho phù hợp. Kinh nghiệm sản xuất mới và kinh nghiệm sản xuất truyền thống
đan xen, hỗ trợ đã thúc đẩy phong trào sản xuất, tạo ra lực lượng sản xuất mới
và quan hệ sản xuất mới trong nông thôn Lào Cai. Kể cả sau này, khi các HTX
dưới xuôi có những “manh nha” về quản lý mới đã được những người về thăm quê
mang lên thử áp dụng. Nhiều cán bộ diện “tăng cường” được điều
động lên làm nòng cốt đã về quê đưa gia đình lên lập nghiệp.
Cùng
với phát triển sản xuất nông - lâm nghiệp, nhiều cơ sở hạ tầng nông thôn từng
bước được xây dựng, là sự phối hợp kỹ thuật, đóng góp công sức chung giữa đồng
bào miền xuôi và đồng bào dân tộc thiểu số. Nhiều tuyến đường mới thay cho lối
mòn; các công trình tập thể như trụ sở, sân kho HTX trở thành nơi hội họp và
vui chơi cho cộng đồng. Các cơ sở chăn nuôi tập thể, chế biến, nghề phụ ra đời
làm thay đổi dần cách nghĩ, cách làm của nông dân tranh thủ lúc nông nhà để có
thêm thu nhập. Nhiều trung tâm xã, các chợ nông thôn ra đời vừa mang dáng dấp
chợ quê Bắc Bộ, vừa mang bản sắc văn hoá các dân tộc làm thay đổi dần tập quán
tự cấp tự túc trong nông thôn miền núi.
Để con
em mình tiếp tục được học do bỏ dở khi theo gia đình đi khai hoang, các HTX
khai hoang và xen kẽ đã có nhiều hình thức tạo giáo viên vỡ lòng dân lập, thực
hiện xoá nạn mù chữ và BTVH. Việc này cũng thu hút nhiều cán bộ và đồng bào dân
tộc tham gia. Phong trào thực hiện nếp sống mới, ăn chín, uống sôi, bỏ tệ cúng
bái khi ốm đau, vận động phụ nữ dân tộc sinh con trong nhà, giảm tốn kém tiền
của trong ma chay, cưới hỏi, thực hiện hoà hợp dân tộc, tôn trọng trong
phát huy bản sắc văn hoá miền xuôi - miền ngược được phát động, thực hiện; bước
đầu hình thành và xây dựng nên quan niệm, ý thức mới trong cuộc sống, góp phần xây
dựng đời sống văn hoá mới. Từ đời sống tâm linh khá đơn giản, thờ thần rừng,
sùng kính thủ lĩnh của người bản địa dần ảnh hưởng bởi những tôn giáo từ người
xuôi đưa lên là Phật giáo và Thiên chúa giáo.
Khối
đoàn kết trong chính quyền các cấp là nòng cốt từ cơ sở bắt đầu từ trong thôn
bản, giữa các dân tộc được thể hiện trên thực tế qua việc làm, trong đời sống
sinh hoạt hàng ngày. Qua các thời kỳ sau, những việc làm cụ thể trong xây dựng
và tăng cường khối đoàn kết đã góp phần củng cố cơ sở chính trị, tạo nếp truyền
thống trong tiềm thức sau này về chính sách cán bộ; bố trí cán bộ người Kinh và
người dân tộc thiểu số, nguồn cán bộ địa phương và cán bộ nơi khác đến trong cơ
cấu lãnh đạo cấp ủy và chính quyền được thể hiện qua các kỳ Đại hội Đảng hoặc
lãnh đạo bầu cử HĐND, góp vào bài học kinh nghiệm lãnh đạo của Đảng bộ.
Thực
hiện cuộc vận động đưa đồng bào miền xuôi lên miền núi cũng là thời kỳ bổ sung
nguồn cán bộ quan trọng cho Lào Cai. Lực lượng cán bộ mới đã được thử thách qua
cuộc kháng chiến chống Pháp, rất nhiều bộ đội phục viên và cán bộ đương chức từ
các xã miền xuôi được giao nhiệm vụ cùng gia đình, họ mạc và cả việc được tăng
cường có thời hạn nhưng do mến quê mới đã tình nguyện ở lại và trưởng thành.
Năm 1964 trong 60 xã khai hoang, cán bộ chủ chốt là người miền xuôi chiếm 40% (chưa tính các huyện Văn Bàn, Bảo Yên);
29/75 chi bộ nông thôn đạt chi bộ “4 tốt”, trong đó 38% là chi bộ khu vực HTX
khai hoang. Tinh thần cách mạng, ham học hỏi đã tác động tích cực tới đội ngũ
cán bộ dân tộc thiểu số đã tăng cường sức chiến đấu của Đảng ngay từ tổ chức cơ
sở Đảng.
Khi cuộc vận động khai hoang
ngưng do nhiệm vụ và tình hình cách mạng đã thay đổi, trong ngôi nhà mới tỉnh Hoàng Liên Sơn (thành lập 1976) và sau chiến tranh biên giới
năm 1979, các đợt tăng cường cán bộ lên tham gia xây dựng pháo đài biên giới,
nhiều người Hải
Phòng ở lại định cư và đưa gia đình lên tiếp tục xây dựng quê
mới tại Lào Cai. Phong trào khai hoang những năm
đó đã góp phần làm chuyển biến căn bản mọi mặt của Lào Cai. Từ đây
vùng biên viễn Tây Bắc gắn bó hữu cơ hơn trên mọi phương diện (quản lý nhà
nước, chính trị, kinh tế, văn hoá và tình cảm) với miền xuôi và cả đất
nước.
Thời bình lo mở mang, khai
khẩn đất hoang, thời chiến bà con Hải Phòng lại động viên con em lên đường nhập
ngũ, chiến đấu. Trong đội hình các Tiểu đoàn Hoàng Liên Sơn 1,2
của Lào Cai hành quân vào chiến đấu tại chiến trường B hồi 1968-1969; trong biên
chế bộ đội địa phương, dân quân tự vệ ngoan cường với cuộc chiến chống lại
chiến tranh phá hoại bằng không quân, biệt kích thời kỳ 1965-1972 (nhảy dù xuống xã Phú Nhuận (Bảo Thắng) ngày 4/6/1963, Nậm Tha
(Văn Bàn) năm 1964) hay
trong cuộc chiến đấu chống lại “chiến tranh phá hoại nhiều mặt”, “bảo vệ biên giới” hồi 1978-1985 có nhiều con em người khai hoang Hải Phòng góp công sức, trí tuệ và
cả máu xương, tính mạng trong buổi:
Thủa
khai hoang san đồi, phát rẫy, dãi gió dầm sương, khơi dòng tiến bộ;
Ngày
mở trận vượt núi, băng rừng, góp công
hiến máu, giữ vững sơn hà.
Việc bố
trí lại dân cư sau khi đón đồng bào miền xuôi lên phát triển kinh tế đã bổ sung
nguồn nhân lực mới cho lực lượng dân quân tự vệ cả về số lượng và chất lượng.
Làm thay đổi cơ cấu lực lượng dân quân tự vệ như trình độ tác chiến, nữ, tỷ lệ
đảng viên, độ tin cậy vào tinh thần sẵn sàng chiến đấu của các cơ sở do tỷ lệ
cán bộ lãnh đạo là đảng viên, đã qua thử thách tăng.
Ngày
nay, trong dư địa chí Lào Cai, ngoài những tên làng, tên bản, tên xã theo từ
Hán Việt, thuần Việt hay gốc tiếng Dáy, tiếng Tầy còn có những địa danh mới gắn
kết quê cũ và quê mới của đồng bào khai hoang có ý nghĩa giáo dục truyền thống.
Những địa danh mới đã đi vào tâm tư tình cảm của mấy thế hệ, được ghi vào các
tác phẩm thơ, văn… có địa danh đã trở nên nổi tiếng, đáng trân trọng.
Trong những năm chống chiến
tranh phá hoại bằng không quân của Đế quốc Mỹ, Lào Cai thành hậu phương của cả
nước. Nhiều gia đình người khai hoang đã giúp đỡ cả tinh thần và vật chất cho
bà con họ mạc ở quê. Cũng như thế sau này, trong những năm 1978-1984 bà con
dưới quê lại cưu mang, đùm bọc người khai hoang, đặc biệt những ngày tháng
2/1979.
Trải
qua những bước thăng trầm lịch sử, nhiều gia đình gốc Hải Phòng đã 2 – 3 đời sinh cơ lập nghiệp tại Lào Cai; nhiều người hay con em của họ
trưởng thành được giao trọng trách trong các cấp chính quyền, trong các cơ
quan, đơn vị; trong LLVT; nhiều doanh nhân, văn nghệ sĩ người Hải Phòng đã có
đóng góp lớn cho sự phát triển của Lào Cai.
Thế hệ
hôm nay tự hào và được kế thừa bản lĩnh người Lào Cai được tạo dựng nên từ “hợp
nguồn” xuôi - ngược trong vị thế mới.
Như
vậy, hơn 10 năm, hàng vạn đồng bào Hải
Phòng lên quê mới thành cư dân Lào Cai nhưng luôn gắn bó với
quê cũ cả về tâm tư, tình làng xóm, truyền thống lao động, yêu độc lập tự do,
niềm tin tưởng tuyệt đối vào chủ trương của Đảng và của lãnh đạo 2 tỉnh; nó đã góp phần làm thay
đổi căn bản bộ mặt cả cố hương và tân quê, đặc biệt trong việc giữa vững bình
yên ở 2 đầu: miền núi Tây Bắc và duyên hải Đông Bắc nước ta.
5. Bài học kinh nghiệm:
Nhìn lại chặng đường 55 năm
qua có thể thấy 2 Đảng bộ trong lãnh đạo cuộc vận động đưa và đón
nhận đồng bào Hải
Phòng lên xây dựng quê mới Lào Cai trong thời kỳ 1961-1974 có nhiều bài học
quý. Mà tựu trung lại, có thể khái quát như sau:
- Tiếp nối truyền thống di
dân từ miền xuôi lên miền núi trong lịch sử dựng nước và giữ nước của Việt Nam để tăng
cường sứ mạnh toàn diên cho biên ải.
- Phù hợp với Bối cảnh lịch
sử và quan điểm của Đảng về miền núi những năm 1960 trong hoàn cảnh cả nước
tiến hành đồng thời hai cuốc Cách mạng.
- Việc vận động đồng bào lên
khai hoang miền núi những năm 1960 và chính sách đối với người đi của tỉnh Kiến
An (sau là Hải Phòng) có nhiều sáng tạo.
- Việc tiếp nhận, sắp xếp
dân cư đối với người dân khai hoang của các địa phương thuộc Lào Cai đã được
chú trọng toàn diện, sát hợp.
- Lãnh đạo hai tỉnh đã có
nhận thức đúng đắn, tư tưởng thông suốt, bước đi thích hợp, thống nhất, phối
hợp hành động tốt.
Nó góp
vào kho tàng kinh nghiệm chung của Đảng bộ, chính quyền các cấp trong chỉ đạo
các cuộc vận động thực hiện mục tiêu phấn đấu sớm đưa Lào Cai ra khỏi diện tỉnh
nghèo, quyết tâm xây dựng quê hương Lào Cai-Hải Phòng giàu mạnh, xứng đáng là nơi “phên
dâu” quốc gia” vùng Tây Bắc và Đông Bắc. Cuộc khai hoang này
còn là tiền đề rút kinh nghiệm cho việc di dần vào Tây Nguyên khẩn hoang trong
những năm sau khi thống nhất đất nước (1976).
Thực tế đúng đã minh chứng cho lời nói của cố Thủ
tướng Phạm Văn Đồng “đi khai hoang xây
dựng vùng kinh tế mới là tô thắm cho non sông, làm giầu cho đất nước”.
Từ thực
tế phát triển của mỗi gia đình, dòng họ cũng như từng địa phương hay toàn tỉnh
càng thấy rõ chủ trương khai hoang những năm 60 thế kỉ XX là đúng. Nó góp phần
làm đổi thay diện mạo cả quê mới lẫn quê gốc bởi đôi nơi đều cố gắng:
Nơi cố
hương gìn giữ nét xưa, bồi đắp cho thêm đẹp miền duyên hải;
Chốn tân
quê phát huy truyền thống, dựng xây để càng bền đất biên cương.
6. Ý nghĩa lịch sử:
Những bài học kinh nghiệm bổ
ích của cuộc vận động sẽ là sức mạnh nội lực cho mỗi địa phương và kết quả cuộc
vận động còn mang một ý nghĩa lịch sử to
lớn với sự phát triển KT-VH-XH-ANQP của 2 địa phương, của cả nước!
Quá
trình người Hải Phòng lên Lào Cai những năm 1961-1974 không phải là quá trình
“Tây Bắc tiến” có tác dụng mở mang bờ cõi mà là quá trình khai hoang phát triển
kinh tế văn hóa miền núi theo tiếng gọi của Đảng. Quá trình đó đồng bào Hải
Phòng cũng như đồng bào các tỉnh khác vùng Châu thổ sông Hồng đã can
đảm, bất chấp gian nguy, hiểm hóc, băng rừng, vượt núi, gối đất, nằm sương, mở
lối, khai hoang tạo ruộng, tạo vườn, lập nên làng xóm. Trong quá trình đó đồng
bào đã đổ biết bao mồ hôi, tiền của và cả máu xương để vun bồi, tô điểm, giữ
vững mảnh đất nơi “phên dậu quốc gia” này.
Cuộc ly
hương này giống tiền nhân ở chỗ họ đều là những người kiên gan, đi tìm đất mới nâng
cao cuộc sống, góp phần khai phá, giữ vững giang sơn. Nhưng khác với cuộc đi mở
cõi về phía Nam của người dân Trung-Bắc hồi thế kỉ XVI-XVIII là những cuộc di
dân phần lớn tự do, dân đến lập ấp, lập làng rồi nhà nước mới quản lý. Còn cuộc
khai hoang của người dân Hải Phòng là vì sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hóa
miền núi do nhà nước chỉ đạo, có kế hoạch và tên làng được định từ quê gốc, có
từ khi họ chưa đặt chân đến vùng đất mới.
Đến nay, tỉnh Lào Cai có
khoảng 3,4 vạn người gốc Hải Phòng đang sinh sống, làm việc tại hầu hết các
huyện của Lào Cai. Nhiều người Hải Phòng trở thành cán bộ Đảng, chính quyền, sĩ
quan trong LLVT, doanh nhân thành đạt tại Lào Cai.
Công
lao của bà con, ngoài những người được có tên trong lịch sử nước nhà, lịch sử
địa phương 55 năm qua biết bao người, đủ mọi tầng lớp, mọi nghề nghiệp, trình độ từ lãnh đạo cấp
tỉnh-huyện-xã-thôn đến những người bình dân “chân lấm tay bùn” đã âm thầm cống hiến đời mình cho tân quê, cho mối quan hệ đôi quê và cho
đất nước. Mồ hôi, xương máu mang nặng hơi mặn vùng duyên hải trở về với đất Mẹ,
cùng nhân dân biên cương làm nên hồn thiêng Sông Núi. Cháu con nay sống trong
cảnh nhà cao cửa rộng không thể không ơn lớp cha anh đã vượt gian nguy những
ngày “màn trời chiếu đất” để phục hóa, khai hoang!. Có như vậy đất
nước mới trường tồn, quê hương mới phát triển vững bền.
Trong quá trình ấy đã nêu
bật vai trò, ảnh hưởng của người khai hoang đến:
- Các mặt phát triển kinh
tế-văn hóa-xã hội và giữ vững ANTT miền núi , đặc biệt là miền núi biên giới
Lào Cai trong những ngày “nước sôi lửa bỏng”. Đóng góp của người dân, con em
người dân khai hoang trên các lĩnh vực dẫn trên đã nói lên điều đó.
- Việc hình thành, phát
triển hành lang kinh tế, tam giác tăng trưởng Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng bằng nội
lực từng địa phương, bằng mối quan hệ họ macjm gia đình của từng Doanh nhân,
người dân.
- Giãn dân ở nơi “đất chật
người đông” đã góp phần để Hải Phòng thực hiện tốt hơn việc quy hoạch, phát
triển kinh tế, mọi mặt đời sống xã hội.
Hiện nay, việc xây dựng và phát triển hai hành lang và vành đai kinh tế Việt -
Trung, trong đó có Hành lang kinh tế Côn Minh - Hà Nội - Hải Phòng thì việc hợp
tác Hải Phòng - Lào Cai càng có vai trò quan trọng, gắn với việc xây dựng và
phát triển hành lang kinh tế đó. Như thế
sự gắn bó giữa người khai hoang và người ở quê lại càng mật thiết hơn, phù hợp
với lợi ích của từng gia đình, lợi ích 2 tỉnh, lợi ích quốc gia và khu vực.
7. Chung tay xây dựng mái
nhà Hội Đồng hương:
Kể từ ngày khởi đầu đó đến
nay đã 55 năm (1961-2015) và đã có 3-4 thế hệ gốc đất Cảng được sinh ra và lớn
lên tại “nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt”. Những người con dù sinh ra ở Hải
Phòng hay bố mẹ rời quê lên Lào Cai mới sinh nhưng đều vẫn nhận là “người Hải
Phòng”, luôn nhớ về quê hương, nhận ra nhau mối khi gặp mặt, dù chưa quen biết
trước. Chính vì thế mà bà con tự tập hợp nhau lại thành “Hội Đồng hương”. Những
năm trước 2005 hoạt động lẻ tẻ, không thống nhất, giữa các Hội không có mối
liên hệ. Do vậy sức mạnh tổng hợp của người Hải Phòng không được phát huy, việc
liên hệ với quê hương cũng chưa được xem trọng và không có tư cách.
Đến nay đã 55 năm (1961-2016)
và có 3-4 thế hệ gốc đất Cảng được sinh ra và lớn lên tại “nơi con sông Hồng
chảy vào đất Việt”. Những người con dù sinh ra ở Hải Phòng hay bố mẹ rời quê
lên Lào Cai mới sinh nhưng đều vẫn nhận là “người Hải Phòng”, luôn nhớ về quê
hương, nhận ra nhau mỗi khi gặp mặt, dù chưa quen biết trước. Chính vì thế mà
bà con tự tập hợp nhau lại báo cáo cấp có thẩm quyền và được tỉnh cho phép thành
lập “Hội Đồng hương”. Những năm
trước hoạt động lẻ tẻ, không thống nhất, không có mối liên hệ thường xuyên.
Nhận thức rõ điều đó, Đại
hội lần thứ Nhất được tiến hành vào ngày 24/6/2007, Đại hội đại biểu
lần thứ Hai Nhiệm kỳ 2013-2018 họp ngày 03/3/2013, bầu ra BCH để lãnh đạo hoạt
động của Hội trong toàn tỉnh.
Từ khi có Hội, nhất là sau Đại
hội lần thứ Hai hoạt động “Đồng hương” đã lớn mạnh cả chiều sâu và
chiều rộng. Với hơn 1000 hội viên sinh hoạt tại 20 tổ chức hội cơ sở Hội đồng
hương Hải Phòng tại tỉnh Lào Cai thực sự là cầu nối người Hải Phòng tại Lào Cai
với thành phố Cảng quê hương. Sự ra đời của Hội đồng hương Hải Phòng đáp ứng
được lòng mong mỏi của các thế hệ người Hải Phòng vẫn từng ngày gắn bó với Lào
Cai. Qua Hội đồng hương Hải Phòng, người Hải Phòng thêm đoàn kết với nhau, tiếp
tục sát cánh cùng bà con Lào Cai và Hải Phòng góp phần vào quá trình xây dựng
và phát triển hai quê hương ngày càng giàu đẹp.
Việc tổ chức các đoàn về
thăm quê, đón các đoàn ở quê lên; khen thưởng các cháu học sinh giỏi, chúc thọ
các cụ, thăm hỏi khi ốm đau, chia sẻ lúc hoạn nạn…là những nét nổi bật mà Hội
Đồng hương Hải Phòng là một trong những Hội Đồng hương hoạt động thường xuyên,
thiết thực có hiệu quả.
8. Những cuộc gặp ân tình và
sự ghi nhận xứng đáng:
Cách đây 15 năm, việc Kỷ niệm 40 năm người Hải Phòng đi khai
hoang tại Lào Cai được Sở Nông nghiệp phát triển Nông thôn thành Phố Hải
Phòng tổ chức vào năm 2001, mặc dù quy mô khiêm tốn nhưng nó như là một sự mở
đầu.
Đáp ứng nguyện vọng của bà
con, thường trực Hội đã xây dựng Chương trình Kỷ niệm 50 năm người Hải Phòng đi xây dựng kinh tế- văn hóa-quốc phòng
tại Lào Cai. Đề xuất đó được Thường trực Tỉnh ủy nhất trí bằng Thông báo số
1891/TB-TU ngày 08/9/2009 với nội dung thiết thực phong phú. Thường trực Hội và
các Hội cơ sở hoạt động tích cực trên mọi phương diện để đến ngày 29/12/2011
UBND tỉnh Lào Cai có Thông báo số 3776/UBND-TB đồng ý cho tổ chức Lễ Kỷ niệm.
Sau nhiều cố gắng nỗ lực, sáng tạo và sự nhiệt tình ủng hộ của lãnh đạo thành phố
Hải Phòng, tỉnh Lào Cai ngày 18/3/2012 “Lễ Kỷ niệm 50 năm người Hải Phòng đi
xây dựng kinh tế- văn hóa-quốc phòng tại Lào Cai” đã được tổ chức long trọng
tại Hội trường lớn của tỉnh. Buổi lễ đã được đón Đoàn đại biểu Hải Phòng do
đồng chí Nguyễn Văn Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch
HĐND thành phố và nhiều đồng chí lãnh đạo MTTQ, HĐND, UBND cùng các ban ngành
của thành phố, đại diện các huyện An Lão, Vĩnh Bảo, Tiên Lãng, Thủy Nguyên,
Kiến Thụy và một số doanh nghiệp lên chung vui. Ngoài việc tặng quà, ủng hộ Quỹ
Khuyến học…đoàn còn trao bức trướng mang dòng chữ “Chủ động vượt khó khăn, kiên cường, đoàn kết, cùng đồng bào các dân tộc
tỉnh Lào Cai, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần phát triển kinh tế, văn
hóa, an ninh, quốc phòng địa phương” của Thành ủy, HĐND, UBND thành phố
tặng Hội đồng hương Hải Phòng tại Lào Cai.
5 năm qua, Lào Cai có nhiều
chuyển biến sâu sắc, và người Hải Phòng tự hào là có góp sức, góp công. Đó cũng
là 5 năm mà Hội đồng hương Hải Phòng phát triển sâu rộng, có nhiều hoạt động có
ý nghĩa, thiết thực như giao lưu giữa các địa phương, giao lưu với quê hương…
Trong quá trình tiến tới
buổi gặp mặt hôm nay, Thường trực Hội đã đề nghị và được Thành ủy, UBND thành
phố Hải Phòng chấp thuận:
1. Khen thưởng của UBND
thành phố cho 22 tập thể Hội cơ sở và 73 cá nhân Hội viên có thành tích xuất
sắc trong 55 năm qua;
2. Tặng quà cho các đối
tượng chính sách là Hội viên trong dịp kỷ niệm;
3. Cấp kinh phí để Tổng Công ty Cổ phần XNK
và XD Bạch Đằng (Văn phòng ở: 208D Trần Nguyên Hãn, Q. Lê Chân, Tp. Hải Phòng)
xây tại nơi mà cách đây 55 năm đã đón nhận đoàn khai hoang đầu tiên (trong đó
cán bộ lãnh đạo, kỹ thuật, chuyên môn) từ Kiến An lên. Cụ thể:
- Một hạng mục của Trường
Tiểu học số 2 xã Sơn Hà, huyện Bảo Thắng, đặt tại thôn An Hồng;
- Nhà Sinh hoạt cộng đồng xã
Sơn Hải, huyện Bảo Thắng tại thôn An Tiến.
Tại các công trình trên sẽ
chọn vị trí trang trọng để gắn BIA TRUYỀN THỐNG lược ghi quá trình và kết quả
55 năm Thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (Khóa III) về phát triển kinh tế miền
núi của đồng bào Hải Phòng trên quê hương Lào Cai.
Những phần thưởng, phần quà
và công trình ân nghĩa của quê hương đất mẹ rất được bà con Hải Phong trên Lào
Cai trân quý và chúng tôi coi đó như những nén tâm nhang tưởng niệm và tri ân
lớp cha ông chúng tôi từ quê cha đất tổ đặt những bước chân, bổ những nhát cuốc
đầu tiên trên quê mới Lào Cai.
Nhìn lại quãng đường đã qua,
bà con Hải Phòng tự hào về hành trình hơn 55 năm sát cánh, đồng lòng trong sự
nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển Lào Cai. Cùng với bà con các dân tộc địa
phương, người Hải Phòng thực hiện nghiêm túc đường lối, chính sách của Đảng,
pháp luật của Nhà nước, chủ trương, nhiệm vụ của cấp uỷ Đảng, chính quyền địa
phương. Sự đóng góp về tài năng, trí tuệ
và nghị lực của người Hải Phòng trên quê hương mới được lãnh đạo Đảng, Nhà nước và tỉnh Lào Cai cũng như Hải Phòng ghi nhận.
Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ
trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc của Chính phủ, nguyên Bí thư Tỉnh uỷ Lào Cai
Giàng Seo Phử phát biểu: “Đồng bào Hải Phòng nay là cư dân chính thức của Lào
Cai, họ đang mang hết trí tuệ, chất xám, sức lực của mình cống hiến cho sự
nghiệp bảo vệ và xây dựng, cùng sát cánh với nhân dân các dân tộc Lào Cai xây
dựng một Lào Cai to đẹp, ngày càng giàu đẹp”. Nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Lào
Cai, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Cư Hoà Vần trong chuyến thăm, làm
việc tại thành phố Hải Phòng cũng nhận xét: “Thắng lợi to lớn mà mọi người đều
biết là lực lượng lao động Hải Phòng lên khai hoang ở Lào Cai cùng nhau tạo
dựng nên sự đổi thay của tỉnh Lào Cai như ngày nay. Đồng bào miền xuôi lên và
đồng bào tại chỗ qua sự gắn kết của những năm tháng vui sướng, khổ đau, thăng
trầm cùng nhau hoà nhập thành một cộng
đồng vững chắc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí
thứ Thành ủy Hải Phòng Nguyễn Văn Thành, trong lời phát biểu tại Lễ Kỷ niệm 50
nam đã ghi nhận và đánh giá cao những đóng góp của người Hải Phòng trên quê
hương mới Lào Cai, làm sáng danh người Hải Phòng, góp phần tô thắm thêm tình
đoàn kết giữa người dân Hải Phòng và Lao Cai. Đồng chí cũng đã cảm ơn bà con
các dân tộc Lào Cai đã đùm bọc người dân Hải Phòng lên Lào Cai lập nghiệp; cảm
ơn các đồng chí lãnh đạo tỉnh Lào Cai đã hỗ trợ, giúp đỡ, tạo điều kiện cho
người dân Hải Phòng được đóng góp tích cực vào sự phát triển của Lào Cai; cám
ơn đồng bào đã nghe theo tiếng gọi cvuar Đảng, nhường đất, nhường ruộng, xa anh
em, họ mạc ở quê để lên xây quê mới song vẫn nhớ về quê hương và có đóng góp
cho sự phát triển của Đất Cảng.
9. Con cháu mai ngày mãi tri ân:
Hôm nay, chúng ta tụ họp tại
đây Kỷ niệm 55 năm đồng bào Hải Phòng đi xây dựng Kinh tế-Văn hóa-Xã hội tại
Lào Cai. Lớp người tiền tiêu ấy, nay còn lại không nhiều. Chúng ta ghi nhớ và tri ân họ. Đó là những cán
bộ, đảng viên, những nông dân, thanh niên hừng hực khí thế khai hoang và có
công, có thành tích được thưởng Huân, Huy Chương, được các cấp khen thưởng và
cả những người chưa được khen. Chúng ta và mai sau không được phép lãng quên
lớp người vỡ hoang, mở đất và cả những người đến sau góp phần xây dựng, chấn
hưng thôn xóm. Truyền thống và hiện tại, cũ và mới hài hoà:
Lớp đi Trước khai hoang, tìm
nơi Địa lợi, trải lắm gian nan, bền chí dựng Tương lai, Công Đức lưu truyền vĩnh viễn,
Người tiếp Nay chấn hưng,
chớp buổi Thiên thời, qua nhiều khốn
khó, quyết tâm xây Hạnh phúc, thôn xóm phát triển huy hoàng.
Kỷ niệm 55 năm đồng bào Hải
Phòng đi xây dựng Kinh tế-Văn hóa-Xã hội tại Lào Cai ý tưởng chất chứa nhiều nhưng thời gian có
hạn, nhân dịp này, tôi đề nghị các đ/c lãnh đạo các cấp và bà con tập trung trí
tuệ, sức lực, huy động mọi nguồn để dần biến việc kỷ niệm ngày này thực sự là
ngày Hội của người Hải Phòng trên đất Lào Cai và thiết tha đề nghị các cấp lãnh
đạo tạo điều kiện cho người dân thực hiện tâm tư nguyện vọng chính đáng của họ,
vì dân và do dân.
Hiện nay, giữa Hải Phòng và Lao Cai đạt được
những kết quả bước đầu trong việc hợp tác phát triển kinh tế, đặc biệt là tuyến
kinh tế hai hành lang, một vành đai. Để việc hợp tác giữa hai địa phương ngày
càng hiệu quả, sâu sắc hơn nữa, hợp tác kinh tế giữa các doanh nghiệp của hai
địa phương cần sâu sắc hơn, bà con Hải Phòng tại Lào Cai là cầu nối thúc đẩy
quan hệ giữa hai địa phương chặt chẽ trên cơ sở cơ chế thích hợp của hai địa
phương, tuân thủ pháp luật, đoàn kết
giúp đỡ lẫn nhau và giúp đỡ bà con các dân tộc Lào Cai.
Trong dịp này 3 vạn bà con
người Hải Phòng đang sinh sống. làm việc, công tác, học tập tại quê hương Lào
Cai xin rất biết ơn Cấp ủy, HĐND, UBND, MTTQ các ban ngành của tỉnh, của các
huyện, xã trên quê mới đã quan tâm, giúp đỡ, động viên đồng bào Hải Phòng suốt
55 năm qua trên nhiều phương diện.
Chúng ta cũng xin cảm ơn
lãnh đạo và bà con quê hương Hải Phòng đã không quên đồng bào khai hoang, đã và
sẽ có những việc làm cụ thể giúp đỡ, động viên về tinh thần và vật chất với
đồng bào khai hoang
Chúng ta cũng tin tưởng rằng
Hội đồng hương Hải Phòng, người Hải Phòng tiếp tục sát cánh cùng bà con Lào Cai
và Hải Phòng góp phần vào quá trình xây dựng và phát triển hai quê hương ngày
càng giàu đẹp.
Tháng 5/2016
[1]
Nơi đây là đất bãi ven hữu ngạn sông Hồng xen những đồi thấp hồi đó thuộc xã Sơn Hà, phần đông là người Tầy, người Dao Họ. Đầu 1962 đã có những tốp
thanh niên đầu tiên gồm 212 lao động trong Đội tiền tiêu lên vỡ
đất, lập làng. Đến năm 1964 thì Sơn
Hải là HTX đầu tiên với quy mô hoàn chỉnh. Nhà làm theo dãy
kiểu như Phố (theo mô hình “Công xã” hay
“Nông trang” ?). Đến 1965, bằng Quyết định Số: 18-NV ngày 19
tháng 01 năm 1965 của Bộ Nội vụ tách ra khỏi Sơn Hà thành thôn An Tiến và cùng
với các thôn Tân Lập, Cánh Địa, Cố Hải, Soi Chát, Đồng Hầm lập nên xã Sơn Hải.