Người dân tổ chức chào đón bộ đội Việt Minh (ảnh ST) |
Ai cũng biết:
miền Bắc được hưởng hòa bình từ năm 1954 sau Chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954) và theo Hiệp định đình chỉ
chiến sự tại Việt Nam (thường gọi là Hiệp
định Genève 1954, ký ngày 20/7). Nhưng Hải Phòng "đi trước về
sau" mãi gần một năm sau mới sạch bóng quân xâm lược.
Theo Hiệp định, Vành
đai Hải Phòng …. 300 ngày (Haipbong
perimeter....... 300 Days) tính từ
ngày bắt đầu có hiệu lực của hiệp định hiện thời (from the date of the entry into force of the present Agreement) tức
là tính từ lúc 24 giờ (giờ Geneva), ngày 22 tháng 7 năm 1954 (at 2400 hours (Geneva time) on 22 July 1954).
Thi hành Hiệp
định Giơ-ne-vơ, hội nghị quân sự giữa đại biểu Bộ Tổng tư lệnh Quân đội nhân
dân Việt Nam và đại biểu bộ tổng chỉ huy quân đội Pháp ở Đông Dương họp tại
Trung Giã quy định khu vực tập kết 300 ngày ở vùng duyên hải Bắc Bộ bao gồm Hải
Phòng, Kiến An, Hồng Quảng và hai huyện Kinh Môn, Kim Thành thuộc tỉnh Hải
Dương cho quân đội Pháp. Lịch rút quân của chúng cũng được quy định rõ từng
ngày.
Hải Phòng đã
từng là cái đầu cầu đổ bộ của quân đội thực dân Pháp xâm lược lên miền Bắc, giờ
đây lại là cái túi đựng mọi thứ sắc lính của đoàn quân chiến bại. Các bộ tư
lệnh không quân, hải quân, lục quân Bắc Việt, các loại đơn vị, những tên trùm
sỏ ngụy quyền ở Miền Bắc, phản động tay sai, các loại hội tề, tầm gửi sống bám
vào đội quân viễn chinh...đều dồn về đây. Cùng với tứ "rác rưởi" có
sẵn của chủ nghĩa thực dân như lưu manh, gái điếm, lừa đảo...Lính Pháp, lính
ngụy, súng ống, xe cộ chật ních đường phố Hải Phòng. Đội quân bại trận vừa
thoát khỏi cuộc chiến tranh xâm lược bẩn thỉu, mang theo sự tủi nhục, chán đời,
sống gấp, chúng dẫm đạp, đánh lẫn nhau để cướp bóc, phá phách thành phố, vơ vét
trong những ngày chờ xuống tàu, cuốn gói ra đi.
Thời kỳ quân dân
Hải Phòng, Kiến An gặp nhiều khó khăn, thành phố Hải Phòng đặt dưới quyền lãnh đạo trực tiếp của Chính phủ trung
ương theo Sắc lệnh số 221/SL ngày 22/02/1955.
Thực dân Pháp vì thất bại mà buộc phải ký Hiệp
định Giơ-ne-vơ, nhưng với bản chất phản động, ngoan cố, chúng câu kết với đế
quốc Mỹ, tìm mọi cách làm hạn chế thắng lợi của ta, muốn giữ đầu cầu từ biển
vào Hà Nội và Bắc Bộ, dù buộc phải cuốn cờ vào trong vĩ tuyến 17. Không
đạt được tham vọng thì đối phương phá, đạp đổ.
Để đối phó, một
mặt ta dựa vao pháp lí quốc tế, đấu tranh buộc phải thi hành hiệp định. Mặt
khác, ta phải tự lực tìm mọi cách để bảo vệ nhân dân, bảo vệ thành phố, bảo vệ
tài sản của ta. Đồng thời phải dùng các cơ sở, nhân mối tại chỗ làm việc kiểm
kê các loại tài sản, tài liệu, để đối chiếu khi giao, nhận, nếu thiếu thì đòi giao
đủ.
Cùng lúc, ta huy
động hơn trăm người đến trụ sở Ủy ban Quốc tế giám sát thi hành hiệp định (A: International Control Commission, ICC; P:
Commission Internationale pour la Surveillance
et le Contrôle, CISC gồm Ấn Độ, Ba Lan và Canada, với Ấn Độ làm chủ tịch) đưa
những bản kiến nghị tố giác phía Pháp vi phạm hiệp định; yêu cầu Ủy ban cử đại
diện đến những nơi đó can thiệp.
Cuộc đấu tranh
thắng lợi, Ủy ban Liên hiệp đình chiến, trong đó có đại biểu của ta, mũ sao,
quân phục chỉnh tề, cùng với một tổ của
Ủy ban Quốc tế đến xem xét hiện trường, lập biên bản quyết định phía Pháp phải
để máy móc dụng cụ đã tháo dỡ ở lại và thả những người bị bắt.
Đồng thời, cán
bộ, bộ đội đi sát những người bị dụ dỗ, vạch trần âm mưu thủ đoạn của địch, vận
động hàng chục vạn người bỏ các trại di cư. Công nhân đoàn kết, đấu tranh chống
tháo dỡ di chuyển máy móc. Nông dân vận động được hai vạn binh lính ngụy bỏ
hàng ngũ địch. Học sinh, trí thức sôi nổi tham gia đấu tranh bảo vệ học đường,
công trình vǎn hóa.
Theo thời giờ đã
định, các đội hành chính và trật tự của ta được sự chuẩn bị và giúp đỡ của công
nhân, viên chức và nhân dân, các cán bộ ta tin tưởng và nghiêm cẩn làm việc,
khiến phía địch phải có thái độ tương ứng, lần lượt bàn giao các vị trí, công
sở cho ta. Thấy thiếu thứ này, thứ khác, ta yêu cầu họ bàn giao đầy đủ. Họ ngạc
nhiên trước sự nắm chắc tình hình của cán bộ ta.
Ngày 28/4/1955,
Trung đoàn 42 tiếp quản các huyện Kim Thành, Kinh Môn và một phần huyện An
Dương.
Ngày 08/5/1955
tiếp quản huyện Hải An.
Ngày 10/5/1955,
Trung đoàn 52 (thuộc 320) cùng Tiểu
đoàn 204 bộ đội địa phương tiếp quản thị xã Kiến An và huyện An Lão.
Ngày 12/5/1955,
Trung đoàn 42 tiếp quản toàn huyện An Dương.
Ngày 13/5/1955,
Trung đoàn 42, con đẻ của thành phố ra đi kháng chiến nay chiến thắng về chỉnh
tề trên mười xe ôtô, theo đường 5 tiến vào Hải Phòng. Đến Cầu Quay, phía Pháp
cử một đoàn năm xe bọc thép gắn trọng liên ra đón. Viên sĩ quan Pháp có hai
lính hộ vệ, mời đoàn ta vào tiếp quản vị trí đầu tiên của khu nội thành. Nửa
tiểu đội của ta trang nghiêm bước tới thay gác cho lính Pháp rút.
Ngày 14,
15/5/1955 tiếp quản Kiến Thụy, Đồ Sơn.
Ngày 16/5/1955
ta tiếp quản Cát Hải, Cát Bà từ đây trên miền Bắc không còn bóng dáng binh lính
Pháp.
Về sau ngày 13/5 được lấy là ngày “Kỷ niệm
giải phóng Hải Phòng”. Trong
khi đó, chiều 13-5, một cảnh huống trái ngược diễn ra với đám quân xâm lược:
Chiếc tàu Đrin Boocđô chở một tiểu đội Âu - Phi cuối cùng rời bến cảng Hải
Phòng. Ngay chiều hôm ấy, từ Ga Hải Phòng, các đồng chí công nhân gắn ảnh Bác
Hồ, treo cờ hoa lên đầu tàu hỏa, chở Đoàn đại diện anh chị em công nhân và các
cở sở kháng chiến quanh khu ga, ra chào mừng Cảng Hải Phòng. Tiếng còi tàu nổi
lên vang vọng cùng lúc với tiếng còi các nhà máy chào mừng ngày thành phố, nhà
ga, bến cảng vĩnh viễn thuộc về ta.
Ngày 14-5, thành phố tổ chức lễ chào mừng thắng
lợi. Đại diện các cơ quan Khu Tả Ngạn, thành phố Hải Phòng, tỉnh Kiến An, đại
diện các đơn vị bộ đội tiếp quản thành phố tới dự. Các đại đoàn, trung đoàn đều
cử một đại đội dự lễ duyệt binh. Các chiến sĩ đi thành đội ngũ, tay cầm súng,
chân bước đều theo nhịp kèn hùng tráng, trước sự cổ vũ nồng nhiệt của đồng bào.
Mười chín ngày sau đó, tại nhà hát lớn của thành
phố, đại biểu nhân dân và chiến sĩ Hải Phòng họp mặt đón mừng Bác Hồ về thăm.
Đây là lần thứ 2 Người đặt chân lên đất Cảng (lần đầu sau chuyến Người thăm nước Pháp trở về, tới Hải Phòng ngày
20-11-1946) nói chuyện với đồng bào, chiến sĩ tại vườn hoa Sông Lấp. Hôm
nay, Người khen: “Vừa rồi công việc tiếp quản tốt là do bộ đội, cán bộ làm đúng
chính sách, giữ vững kỉ luật, do nhân dân ta, đặc biệt là công nhân hăng hái
đấu tranh” và căn dặn; “Nhiệm vụ tất cả mọi người chúng ta hiện nay là đấu
tranh cho hòa bình, thống nhất, độc lập và dân chủ trong cả nước. Đó là cuộc
đấu tranh phức tạp, gian khổ và lâu dài, bời vì đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai của
chúng đang âm mưu phá hoại hòa bình, phá hoại thống nhất”
Sau hòa bình, ngày
26/9/1955, huyện Hải An của Kiến An sáp nhập vào thành phố Hải Phòng và cấp
dưới thành phố là quận, khu phố hay xã. Theo Hiến pháp 1959, Hải Phòng là thành
phố (bên dưới có khu phố, quận rồi khối dân phố, xã) là một trong 26
tỉnh ở Bắc bộ. Khi cấp hành chính Liên khu kể từ ngày 01/12/1958 được bãi bỏ bởi Sắc lệnh số
92/SL ngày 24/11/1958 thì Kiến An là tỉnh trực thuộc trung ương (cấp dưới là huyện, xã).
Sau khi hoàn thành khôi phục kinh tế
sau chiến tranh, ngày 27/10/1962, tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khoá II đã có Nghị
quyết về việc hợp nhất Hải Phòng- Kiến An thành thành phố Hải Phòng.
Hiện nay, Hải Phòng là 1 trong 5 thành
phố trực thuộc trung ương và là đô thị loại 1 trung tâm cấp quốc gia, gồm 7
quận nội thành (Đồ Sơn, Dương Kinh, Hồng Bàng, Ngô Quyền, Lê Chân, Kiến An),
6 huyện ngoại thành (Thủy Nguyên, An Dương, Tiên Lãng, Vĩnh Bảo, An Lão,
Kiến Thụy) và 2 huyện đảo (Cát Hải, Bạch Long Vỹ) gồm 228 đơn vị cấp xã (70 phường, 10 thị trấn và 148 xã). Hải
Phòng có: DT 1.507,57 km2;
DS: 1.837.302 người; Mđộ: 1.218,781 người/ km2.
Thành phố nằm trong “Tam giác tăng trưởng Hà Nội-Hải Phòng-Quảng
Ninh” và trong “Hành lang kinh tế:
Hải Phòng-Hà Nội-Lào Cai-Côn Minh” hiện đang phấn đấu đến năm 2020, muộn
nhất là 2025 trở thành đô thị loại đặc biệt. Khi đó, dự kiến Hải Phòng sẽ tiến hành chia tách các huyện
cũ để thành lập thêm 5 quận mới: Bến Rừng, Bắc Sông Cấm, Tây Bắc, An Dương và
Tràng Cát - Cát Hải. Nâng tổng số quận lên thành 12 quận, mở rộng vùng trung
tâm.