Thứ Ba, 25 tháng 10, 2022

ĐẶC SẢN ĐI VÀO THÀNH NGỮ

Tiếng là dân Hải Phòng (gốc xã Chiến Thắng, huyện An Lão) nhưng xa quê đã lâu (từ 2/1964) và cũng ít có dịp du khảo nơi đây dài ngày nên tôi hiểu biết không nhiều về quê hương, nhất là những món ăn, sản vật và danh thắng!.

Ảnh mượn trên MXH

Hôm nọ, trong buổi giao lưu với các bạn (toàn cỡ ĐH và trên ĐH cả) trong một nhà hàng tại Ngã 5 thành phố, khi ngà ngà, nói về quê hưng, mỗi người mỗi ý và xem ra khó có trọng tài” phân giải dứt khoát được!.

Trong hoàn cảnh đó, đây là lần đầu tôi nghe và hiểu rằng câu hơi “bầy bậy” mà mình từng biết đến là một câu phương ngôn của người đất Cảng, có trong kho tàng tục ngữ ca dao Việt Nam. Đáng tiếc là câu đó có khá nhiều dị bản mà ít ai đoan chắc đâu là câu gốc! Ví dụ: Tôi từng nghe: “Gà Tò, Lợn Tó, Vó Vạn Đồn, Lồn Cổ Am, Cam Đồng Dụ” nhưng cũng đã nghe nói “Bưởi Đại Trà, Gà Văn Cú, Vú Đồ Sơn,…

Chắt lọc các di bản mà mình nắm sơ sơ, hình dung ra đại thể, nó có thể là thế này:  Bưởi Đại Trà, Cam Đồng Dụ, Gà Văn Cú, Vú Đồ Sơn, Lồn Cổ Am”.  Thoạt nghe có vẻ hơi “sinh thực khí” quá, nhưng ngẫm kỹ ra, nó có ý nghĩa ra phết đấy! Ngoài những địa danh thuộc tỉnh khác, như Vạn Đồn tức làng Vó, nay thuộc xã Thụy Hồng, huyện Thái Thụy từng nổi tiếng với nghề đan và bán vó hay làng Tò, nay là một xã thuộc huyện Quỳnh Phụ cùng tỉnh Thái Bình có đặc sản gà Tò, ngày trước dùng để tiến vua,…Còn đa phần các địa danh trong đó nay đều thuộc nơi “địa linh nhân kiệt” Hải Phòng.  Này nhé:

thôn Cổ Am, quê hương của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491 – 1585, Nhà Tiên tri số 1 của Đất Việt) và nó thuộc huyện Vĩnh Bảo, ngoại thành Hải Phòng. Cũng là quê của nhà nho Trần Lương Bật (đỗ đệ tam giáp đồng tiến sĩ khoa Giáp Thân,1664), Trần Công Hân (đỗ tiến sĩ năm Quý Sửu, 1733),…Đây là nơi có những bà mẹ thông minh, giỏi giang nên đã sinh ra và nuôi dưỡng nhiều con học giỏi đỗ đạt, làm quan khắp nơi.

Làng Đồng Dụ thuộc xã Đặng Cương, huyện An Dương vốn rất nổi tiếng với nghề trồng hoa Hải Đường và Cam tiến vua đã mang lại niềm tự hào cho người dân đất Cảng. Cam ở đây thơm, ngọt và to nổi tiếng. Hiện nay, tuy cam Đồng Dụ là nguồn gen quý, hiếm nhưng có nguy cơ tuyệt chủng cao, rất cần được bảo tồn.

Đại Trà trước kia là tổng, nay thuộc xã Đông Phương (các thôn Đại Trà Đức, Đại Trà Hồng, Đại Trà Hải, Lạng Côn Hà, Lạng Côn Hải.), huyện Kiến Thụy (17 xã). Bưởi ở đây ngon, dễ trồng.

Làng Văn Cú thuộc xã An Đồng (nơi có ngôi Đình nổi tiếng thờ Đỗ Vĩ, vợ và hai con trai Đỗ Quang, Đỗ Huy, là những vị tướng nhà Đinh có công dẹp loạn 12 sứ quân), thuộc huyện An Dương (01 thị trấn và 15 xã).

Đồ Sơn: địa danh này quá quen thuộc và phụ nữ nơi đây thường chuyên nghề làm cá, chèo thuyền và kéo lưới. Nhờ lao động, các cô gái Đồ Sơn có những bộ ngực săn chắc, tròn và đẹp. Đừng ai nghĩ đến những bóng hồng trên bãi biển” nha bới việc đó mới có những năm người Pháp đến nhiều từ những năm đầu của thế kỷ XX!

Như vậy những đặc sản vùng xứ Đông là dân gian ca ngợi, truyền tụng như Người, Hoa, Cam, Trà, Bưởi, Gà, …được cách điệu lên gây ấn tượng, dễ nhớ. Đấy cũng là một nét đặc sắc của đất Hải Phòng! Tiếc là không phải ai là dân (gốc) Hải Phòng cũng từng đặt chân đến những vùng đất ấy và được thưởng thức những đặc sản đó!

Mỗi địa phương đều có những sản phẩm đặc trưng tiêu biểu và rất đáng trân trọng. Nhưng ngày nay, một số giống “Đặc sản” đã bị lai tạo, không còn thuần chủng nữa và cũng chẳng còn cần để “tiến Vua” song rất cần giữ nguồn gen, nhân giống tạo nên thương hiệu cho sản phẩm của Việt Nam được quảng bá ra thị trường thế giới và ngay cả với những người con xa quê mới là việc đáng tự hào và rất nên làm.

Thêm nhớ và tự hào về quê hương Đất Cảng.

-Lương Đức Mến, 25/10/2022-